Đời sống

Đến trường để được yêu thương…

Sáng 5/9, hơn 20 triệu HS trên cả nước đã đồng loạt tới trường dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Xen giữa bao hân hoan, phấn khởi, là những xót xa trước cảnh HS vùng lũ lội suối trèo đèo, hay chui vào bao nilon để vượt sông tới lớp.

Xen giữa những xót xa, là bao rào cản nội tại của ngành GD cứ đến hẹn lại lên. Khắc phục lỗ hổng của kỳ thi THPTQG, giải bài toán thiếu phòng học và GV, hoàn thiện chương trình là những nhiệm vụ mà ngành GD phải quyết liệt chuyển mình trong năm học mới.

1. Năm học 2018-2019 “chào đón” phụ huynh và học sinh lớp 1 cả nước bằng hiện tượng sách giáo khoa bất ngờ trở nên hiếm có khó tìm ở một số địa phương. Nhiều bậc cha mẹ đã phải “linh động” bằng cách gom mỗi nơi mỗi cuốn sách, nhờ người thân, bạn bè ở các tỉnh/thành phố khác mua hộ… Năm học mới chào đón phụ huynh bằng những tranh cãi chưa có hồi kết về tình trạng lạm thu. Năm học mới cũng khiến xã hội lo ngại khi nhìn những sân trường nghẹt người trong ngày khai giảng và những lớp học hệt như những “hộp cá” với tận 68 học sinh. Các em có trở thành trung tâm được không với những lớp học như thế? Câu hỏi này, bài toán này, chắc hẳn không phải một mình ngành giáo dục có thể trả lời. Trong thông điệp trước thềm khai giảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng xác nhận rằng hiện cơ sở vật chất trường lớp ở 1/3 địa phương đang chưa đảm bảo dạy, học 2 buổi mỗi ngày. Và đây là một khó khăn rất lớn, một cái khó vượt ngoài khả năng của Bộ trưởng cũng như của ngành giáo dục.

Ngành giáo dục cần được chia sẻ cái khó này. Chia sẻ bằng tầm nhìn quy hoạch, để hạ tầng giáo dục phải trở thành một điều kiện bắt buộc trong quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư. Chia sẻ, bằng sự ưu tiên trong đầu tư xây dựng cơ bản như một cách nhìn, đích đến tương lai. Có đầu tư lĩnh vực nào ưu việt hơn giáo dục

Đến trường để được yêu thương…

2. Nói đi thì nói lại, ngành giáo dục không thể một mình giải quyết nhiều vấn đề cơ bản. Nhưng tìm ra một triết lý giáo dục, một định hướng đổi mới thiết thực để giáo dục Việt Nam bớt loay hoay là trách nhiệm của ngành giáo dục. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà được đặt ra từ khá lâu rồi, cho đến ngày 4/11/2013 thì chính thức cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XI) của Đảng. Từ bao lâu nay, ngành giáo dục cũng như một số bộ, ngành liên quan đều tỏ ra sốt sắng với hàng loạt những đề án cải cách, ý tưởng cải tiến toàn cỡ trăm, nghìn tỷ đồng. Kết quả ra sao, hẳn xã hội đã rõ.

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Ngoại ngữ 2020) với tham vọng sẽ tạo nên đột phá, biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai đưa Việt Nam hội nhập thế giới; nhưng mới đây những người có trách nhiệm đã thừa nhận “việc triển khai đề án này chưa được như kỳ vọng”.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cũng như đề án đổi mới Chương trình Môn học, đổi mới Sách giáo khoa phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần thời điểm ban hành, áp dụng; hay mô hình học tập mới VNEN… cho đến giờ, kết quả vẫn chỉ dừng ở chắt chiu hy vọng.

Chưa hết, một trong những đề án được kỳ vọng là đổi mới thi cử, cứ tháng này qua năm khác, từ mùa thi nọ sang mùa thi kia, mỗi lần mỗi kiểu - để rồi đến giờ lại “mới như cũ”. Bất ngờ hơn, dư luận đang xôn xao với đề án đổi mới thi cử 2018-2020 có dự toán kinh phí lấy từ ngân sách lên đến hơn 750 tỷ đồng. Xã hội phản ứng, nhiều chuyên gia phản đối, thế là, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại phải thu hồi đề án.

Còn nhiều nữa những đề án, dự án, chương trình được gắn hai chữ “đổi mới”, song vẫn cứ thấy mãi dở dang. Thực tế này đã khiến không ít người hoài nghi khả năng thành công của các đề án, cũng như hoài nghi năng lực của những người chịu trách nhiệm xây dựng, triển khai các chương trình này.

3. Chuyện buồn nào rồi cũng qua, những cú sốc về gian lận thi cử, lạm thu đầu năm, đổi mới sách giáo khoa rồi cũng sẽ qua khi xã hội vẫn dành thật nhiều niềm tin cho ngành giáo dục. Người ta vẫn thấy những hân hoan, chờ đón mùa tựu trường mới để đi xây những ước mơ, để mong mỏi về một tương lai tốt đẹp cho con em mình mà trong đó, giáo dục là cứu cánh.

“Lấy học sinh là trung tâm” có lẽ không chỉ là slogan của ngành giáo dục mùa tựu trường này, mà nó nên là phương châm hành động của ngành giáo dục trong nhiều năm sau nữa. Chất lượng của nhà trường phải được đo bằng chính chỉ số hạnh phúc của mỗi học sinh. Mỗi học sinh đến trường để được trải nghiệm kiến thức mới, được yêu thương và được hạnh phúc. Mọi chính sách đổi mới giáo dục chỉ có thể đơm hoa kết trái sau hàng thập kỷ và còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội hàng nửa thế kỷ. Điều đó cho thấy người lãnh đạo, quản lý giáo dục phải có một tầm nhìn xa để tham mưu cho Đảng và Chính phủ có chính sách giáo dục đúng đắn và cụ thể hóa bằng các đề án, dự án thiết thực, hiệu quả. Ngành giáo dục hãy làm điều đó với quyết tâm cao nhất, trách nhiệm cao nhất, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là một câu khẩu hiệu để nói cho “sang” miệng.

Theo Kiên Giang (Công Luận)