Đời sống

Để con không bị bạn bè bắt nạt

Bắt nạt có nhiều hình thức, thường thấy nhất là tấn công, hăm dọa, hoặc chế giễu, nhạo báng, nhục mạ… Nạn nhân thường bị hành hạ, tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần. Vậy đâu là giải pháp chống lại bắt nạt cho nạn nhân và cho gia đình?

Để con không bị bạn bè bắt nạt
Yếu đuối quá hay tỏ ra nổi bật, chơi trội đều có thể khiến trẻ bị rơi vào tầm ngắm của những kẻ thích bắt nạt người khác. Ảnh minh họa (Internet)

Thế nào là bắt nạt trường học?
 
ThS. Nguyễn Thị Mai Hương - Giảng viên khoa Công tác xã hội Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Bắt nạt có thể được coi là hành vi gây hấn cả ở góc độ thể chất và tinh thần. Đặc biệt, hành vi gây hấn tinh thần biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Từ việc cố ý hạ thấp hay không coi trọng giá trị của người khác (cho rằng họ ngu ngốc, phủ nhận thành công của người khác), xúc phạm và hạ thấp người khác trước mặt mọi người, nhận xét về hình thức, trí tuệ, khả năng của người đó bằng những lời lẽ gây tổn thương hay lời lẽ mang tính chất khủng bố, đe dọa, tạo ra không khí căng thẳng, sợ hãi, lo lắng làm cho người khác luôn cảm thấy không an toàn. Người gây hấn cũng có biểu hiện như phớt lờ, từ chối cũng như không  thể hiện tình yêu thương, giấu giếm lời chỉ dẫn khiến người khác bị nguy hiểm.
 
Ngoài ra, sự gây hấn còn biểu hiện qua các hành động như xúi giục hay cưỡng ép người khác thực hiện hành vi không phù hợp, khiến người khác phát triển không bình thường về mặt cảm xúc và khó khăn trong giao tiếp xã hội. Hoặc, tạo ra nhiều áp lực buộc người khác phải làm những điều vượt quá khả năng hoặc không phù hợp với trình độ, lứa tuổi. Hành vi gây hấn còn biểu hiện ở việc tìm mọi cách cô lập, không cho ai đó giao tiếp với những người xung quanh, hoặc ngăn cấm tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục... Thậm chí, họ còn cảm thấy thích thú khi người khác phải chứng kiến các hành động bạo lực.
 
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bắt nạt
 
Theo Ths. Nguyễn Thị Mai Hương: “Điều đầu tiên bố mẹ dễ nhận thấy con bị bắt nạt đó là áo quần, sách vở của con bị hủy hoại mỗi khi đi học về. Cơ thể con xuất hiện vết cào, xước,... khi hỏi, con không giải thích được, hoặc sợ sệt. Con không thích tham gia các hoạt động mà lớp tổ chức, không hứng thú làm bài tập hoặc có dấu hiệu về mặt trầm cảm, khóc, khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin ở bản thân”.
 
Theo bác sĩ tâm lý Emmanuelle Piquet, chuyên gia chống nạn bắt nạt học đường, tác giả cuốn sách “Tớ không sợ bị bắt nạt”, trẻ bị bắt nạt có các dấu hiệu như: đau bụng vào tối chủ nhật trước hôm phải đi học, buồn nôn vào mỗi sáng sớm. Nhưng cũng có cả hiện tượng học hành sa sút nghiêm trọng, trẻ không đạt được điểm số trung bình dù trước đó lúc nào cũng gần như được điểm cao tuyệt đối. Phần lớn thời gian là vì trẻ không có đủ năng lượng và nguồn lực dành cho việc học hành, bởi mọi thứ đã bị nỗi đau khổ với đám bạn bóp nghẹt. Triệu chứng cuối cùng mà cực kỳ đáng phải để ý bởi đây là triệu chứng biến đổi từ từ khó nhận thấy: trẻ đang từ chỗ điềm đạm, tình cảm bỗng trở nên cáu giận, gây gổ và khiêu khích. Vấn đề là chuyện này thường xảy ra nhất ở trường trung học, ở lứa tuổi thiếu niên và ta tự nhủ rằng nguyên nhân là vì thế, bởi chỉ khi ở nhà trẻ mới có thể thể hiện điều này mà không gặp phải nguy cơ gì. 
 
Làm thế nào để con không bị bạn bè bắt nạt?
 
Theo Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sở dĩ một đứa trẻ hay bị bắt nạt là do tính cách nhút nhát, yếu đuối, không tự tin, thụ động, được cha mẹ bao bọc kỹ quá nên không biết ứng phó trước những tình huống diễn ra trong cuộc sống. “Để giải quyết tình trạng này, phụ huynh nên đến trường, gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi. Nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm trao đổi với phụ huynh của trẻ bắt nạt bạn, đồng thời khuyên răn trẻ không được tiếp tục như vậy. Và quan trọng hơn cả là phụ huynh của nạn nhân phải giáo dục con mình những tính cách mạnh mẽ, độc lập, kỹ năng xử lý vấn đề”.
 
Ths. Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, khả năng trẻ ứng phó với hành vi bắt nạt thường xuất phát từ nguồn gốc gia đình. Nếu gia đình không tạo cho trẻ sự tự nhận thức, tự tin về bản thân thì các em dễ thiếu tự tin và dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường. Nếu phụ huynh có sự chuẩn bị tốt hơn cho con về sự tự tin, về nội lực cá nhân thì hiện tượng bắt nạt sẽ giảm đi đáng kể.

Để con không bị bạn bè bắt nạt - 1
Bác sĩ tâm lý Emmanuelle Piquet, chuyên gia chống lại nạn bắt nạt học đường.

Bác sĩ tâm lý Emmanuelle Piquet cho biết, không có giải pháp nào có tác dụng đối với mọi trường hợp trẻ bị bắt nạt, tùy từng tình huống mà cách xử lý sẽ khác nhau. Hiếm có một chiến lược nào được sử dụng hai lần. Ta thực sự phải nghiên cứu tình huống, phải biết kẻ bắt nạt giống với thứ gì, đâu là nguồn lực của trẻ để đưa ra được điều gì đó phù hợp một cách tinh tế. 
 
Để không bị bắt nạt ở trường học, trẻ cần ghi nhớ:
 
- Yếu đuối quá hay tỏ ra nổi bật, chơi trội đều có thể khiến trẻ bị rơi vào tầm ngắm của những kẻ thích bắt nạt người khác. Trẻ cần tự tin, tự lập nhưng vẫn cần khiêm tốn trong cách ăn mặc, ứng xử tại trường học.
 
- Những đứa trẻ cô độc thường bị bạn bè bắt nạt, trẻ nên chơi với mọi người một cách hòa đồng và cần có một vài người bạn thân.
 
- Nếu bị bắt nạt, trẻ nên kể với cha mẹ và thầy cô để được giúp đỡ. Nếu thầy cô giáo xử lý không công bằng hoặc cố tình lờ đi hành vi bắt nạt, trẻ có thể nhờ cha mẹ có ý kiến lên hiệu trưởng, thậm chí, nếu tình trạng bị bắt nạt ngày càng nghiêm trọng khiến trẻ bị tổn thương sâu sắc về cả thể chất lẫn tinh thần, trẻ có thể đề xuất cha mẹ chuyển trường.
 
- Trẻ cần học cách tự bảo vệ bản thân mình: tránh đi lại ở khu vực khuất nẻo, ít người - nơi mà các hành vi bắt nạt thường diễn ra. Nên đi cùng bạn thân hoặc một nhóm bạn nếu cảm thấy không an toàn. Trẻ cũng có thể tự học lấy một bộ môn võ thuật để phòng thân.


 - Trong trường hợp cần thiết, phụ huynh và học sinh có thể nhờ chính quyền trợ giúp, liên hệ với Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc các hội bảo vệ trẻ em tại địa phương. 

Theo Phương Anh (Tạp chí Gia Đình & Trẻ Em)