Đời sống

Cuộc sống khó tin của gia đình giàu có xứ Lạng trong biệt thự Pháp cổ

Thuộc hàng giàu có đầu thế kỷ 20 nhưng gia đình cụ Nguyễn Văn Tính ở Tràng Định (Lạng Sơn) lại có cuộc sống khá giản dị.

Thôn Nà Cạn (xã Đại Đồng, Tràng Định, Lạng Sơn) là điểm đến của khá nhiều đoàn nghiên cứu, du khách thăm quan bởi nơi đây có nhiều biệt thự Pháp cổ, được xây từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt ngoài đường chính, cuộc sống của người dân trong thôn thanh bình, yên ả đến nao lòng. 

Người lớn tuổi ở đây cho biết, thời kỳ này, chỉ những gia đình khá giả, giàu có mới xây được những căn nhà bề thế như vậy.

Ông Nguyễn Văn Bảng (SN 1932, xã Đại Đồng) chủ nhân của một căn biệt thự chia sẻ, cha ông là cụ Nguyễn Văn Tính (quê Đình Bảng, Bắc Ninh)  - một viên chức làm việc trong công sở thời Pháp thuộc.

Cuộc sống khó tin của gia đình giàu có xứ Lạng trong biệt thự Pháp cổ
Bên ngoài căn nhà cổ của gia đình ông Bảng.

Nhân duyên khiến cụ Tính gặp gỡ và đem lòng yêu người phụ nữ dân tộc Tày (quê Trà Lĩnh, Cao Bằng) tên Nông Thị Phiệt. Hai người nhanh chóng kết hôn và chọn Lạng Sơn làm nơi lập nghiệp, sinh sống.

Năm 1932 khi về hưu, cụ Tính khởi công xây dựng căn biệt thự này. Cụ mời một kiến trúc sư người Pháp từ Hà Nội về thiết kế. Đồng thời, cụ tìm và thuê một đội thợ lành nghề từ Bắc Ninh lên xây dựng căn nhà suốt một thời gian dài.

Tổng cả nhà và sân vườn có diện tích lên tới 400 m2. Ngôi nhà có đầy đủ hệ thống lò sưởi, ống khói... So với các công trình cùng thời, biệt thự nhà cụ Tính có phần khiêm nhường hơn. Tuy nhiên biệt thự trên cũng là biểu tượng một thời ở khu xóm núi này.

Cuộc sống khó tin của gia đình giàu có xứ Lạng trong biệt thự Pháp cổ - 1
Ông Bảng giới thiệu về chiếc lò sưởi bên trong biệt thự.

Biệt thự mang kiến trúc Pháp nhưng được xây dựng và trang trí từ những vật liệu ở địa phương nên rất gần gũi với người Việt. Nền nhà cao chống ẩm ướt, hứng gió đồng thời hạn chế nhiệt độ nóng hắt từ đất lên.

Bên trong biệt thự khá thoáng đãng, chia làm 3 gian. Để tránh nắng nóng và chống nước mưa hắt vào nhà, biệt thự có hiên nhà che chắn.

Cuộc sống khó tin của gia đình giàu có xứ Lạng trong biệt thự Pháp cổ - 2
Hoa văn đắp nổi, trang trí trên mái nhà.

Nhà có cửa sổ to, rộng với cửa gỗ bên ngoài và một lớp cửa kính. Mùa hè gia chủ chỉ cần mở cửa, gió trời sẽ được hút vào nhà rất mát mẻ. Mùa đông, đóng kín cửa, đốt lò sưởi người ở có thể cảm thấy ấm áp.

“Trong ký ức của tôi, buổi tối mùa đông lạnh giá, hình ảnh cha ngồi trên chiếc ghế gỗ bên lò sưởi, mẹ ngồi khâu vá, anh chị em nô đùa, quây quần bên nhau là những dấu ấn khó phai”, ông Bảng bồi hồi nhớ lại.

Ở phía trên là hệ thống trần bằng chất liệu vôi rơm, mái nhà bằng ngói âm dương chống nóng và mưa dột. Hiện nay, lớp trần đã xuống cấp nên gia chủ gỡ xuống, tránh gây nguy hiểm. Nguyên bản căn biệt thự sơn vôi trắng.

Cuộc sống khó tin của gia đình giàu có xứ Lạng trong biệt thự Pháp cổ - 3
Trần nhà làm bằng vôi rơm, sau gần 100 năm đã mục nát nên ông Bảng cho tháo dỡ, thay bằng trần gỗ.

Ông Bảng chia sẻ: “Nhà tôi có bộ bàn ghế sofa chuyển từ Pháp về Việt Nam cùng tủ gỗ, vật trang trí. Tất cả đều mang đậm văn hóa Pháp nhưng sau này gặp nhiều biến cố, mọi thứ đã mất mát, không còn nguyên vẹn như ban đầu. Ngoài ra, căn biệt thự còn có khu bếp riêng biệt”.

Người đàn ông này cho hay, ngày nhỏ gia cảnh nhà ông vẫn thuộc hàng khá giả, nhiều ruộng nương. Lúc nào trong nhà cũng có 3 người giúp việc, làm thuê, cấy ruộng cho gia đình.

Thế nhưng trong trí nhớ của ông Bảng, cha mẹ ông giàu có nức tiếng vẫn giữ lối sống giản dị.

Cuộc sống khó tin của gia đình giàu có xứ Lạng trong biệt thự Pháp cổ - 4
Căn biệt thự gắn liền với nhiều ký ức về gia đình nên ông Bảng chưa bao giờ có ý định bán.

Vợ chồng cụ Tính sinh được 9 người con, hai cụ thường giáo dục các con sống tiết kiệm, không chưng diện. Bữa cơm cũng đạm bạc rau dưa như bao gia đình khác.

Ngay từ nhỏ các con cụ Tính đều biết làm công việc chân tay, chăn trâu và cày cấy phụ giúp cha mẹ. Quần áo anh chị lớn mặc cũ, gia công lại cho các em mặc.

“Cha tôi thường nói, mình may mắn có ruộng nương cày cấy, có gạo ăn nhưng tài sản, vật chất nay có thể nhiều nhưng mai có thể vơi.

Nếu không cần kiệm, kham khổ cho quen, sau này ra cuộc đời, chẳng may gặp trắc trở, sẽ khó thích nghi. Lời răn ấy vẫn được chúng tôi ghi lòng tạc dạ đến bây giờ”, ông Bảng kể.

Bên cạnh đó, vợ cụ Tính cũng chú trọng đến việc gìn giữ, dạy các con biết về văn hóa của người Kinh và người Tày. Điển hình là họ dạy các con làm và hát đàn Then - loại nhạc cụ đặc trưng của người dân tộc Tày.

"Loại dụng cụ này cũng là món ăn tinh thần của chúng tôi trong các dịp lễ, Tết", ông Bảng chia sẻ thêm.

Theo Diệu Bình - Ngọc Trang (VietNamNet)