Đời sống

Cụ bà 80 tuổi vót tàu cau mỏi mòn kiếm tiền chữa bệnh, lay lắt bên con gái tật nguyền

Trong cái nắng chiều chạng vạng, hình ảnh cụ bà 80 tuổi ngồi cặm cụi vót từng tàu cau kiếm tiền chữa bệnh không khỏi khiến người khác chạnh lòng.

“Ông đi trước… đợi tôi”

Chúng tôi đến nhà bà Triệu Thị Rồng (79 tuổi, ngụ ấp 4, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) vào một buổi chiều tháng 7 mưa dầm hiếm hoi có nắng. Bà Rồng đang tất bật nhặt nhạnh từng chiếc tàu cau vừa ráo nắng được trải phơi ở mảnh sân nhỏ trước nhà. Ngôi nhà kiểu cũ, một bên được che chắn bởi vài tấm gỗ, bên còn lại lợp lá chính là nơi che mưa che nắng của bà Rồng và người con gái quá lứa lỡ thì tật nguyền nay đã gần 50 tuổi.

Bà Rồng và người chồng quá cố của mình có tổng cộng 8 người con (trong đó một người đã mất vì tai nạn). Ngày ông Nà (chồng bà) trở về từ chiến trường với viên đạn găm thẳng vào hông bên phải, bà phải gồng gánh nuôi mấy người con lớn, vừa phải kiếm tiền chạy chữa cho ông.

Cụ bà 80 tuổi vót tàu cau mỏi mòn kiếm tiền chữa bệnh, lay lắt bên con gái tật nguyền
Dù mắt đã yếu nhưng mỗi ngày bà Rồng đều cố phụ con gái vót tàu cau để kiếm thêm tiền.

Nhà không có đất đai, cả ông bà đều phải vật lộn mưu sinh mới đủ nuôi chục miệng ăn trong nhà. Các con của bà Rồng từ nhỏ đã phải theo cha mẹ làm thuê kiếm sống. Trong một lần đi làm thuê tại nhà máy chế biến mía đường, cô Giang (con bà Rồng) bị máy cuốn đứt hết 4 ngón của bàn tay trái. “Nghe người ta báo tin, tôi chạy ngay đến. Nhìn cảnh tượng những ngón tay của con bị nghiền nát cùng với xác mía, máu loang đỏ cả nền đất, tôi như chết đứng. Năm ấy nó mới 18 tuổi”, bà Rồng kể.

Theo lời kể của bà Rồng, từ đó cô Giang rong ruổi làm thuê cho những chuyến ghe chở hàng từ quê lên thành phố. Dựng vợ gả chồng hết cho các con, chỉ còn lại 2 vợ chồng già cô độc vào ra trong căn nhà trống trước hụt sau. “Các con ai cũng có gia đình riêng mà cũng không ai khá giả. Vợ chồng tôi tự đỡ đần, rau cháo cùng nhau. Hoa lợi từ vài gốc dừa được khoảng vài trăm nghìn, còn lại chồng tôi phải đi chài lưới đắp đổi qua ngày. Nghèo khổ nhưng vợ chồng có nhau… còn bây giờ thì...”, giọng bà Rồng ngắt quãng, đôi mắt già nheo lại rưng rưng.

Cụ bà 80 tuổi vót tàu cau mỏi mòn kiếm tiền chữa bệnh, lay lắt bên con gái tật nguyền - 1
Thu nhập mỗi ngày của hai mẹ con chỉ khoảng vài chục ngàn đồng.

Vết tích chiến tranh với viên đạn trong cơ thể hành hạ chồng bà suốt mấy mươi năm trời. Mấy lần phẫu thuật thất bại, sức khỏe ông Nà ngày một sa sút. Trải qua ca mổ cắt quả thận bên phải nhưng vết thương mãi không lành, cụ ông được chuyển khắp các bệnh viện từ quê lên đến thành phố điều trị hàng tháng trời. “Năm 2014 tôi được đưa đến bệnh viện Bình Dân vì có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, bác sĩ bảo tôi bị ung thư phổi và yêu cầu phẫu thuật. Ngày tôi trở về nhà cũng là ngày các con hốt hoảng đưa ông ấy (chồng bà) lên Sài Gòn nhập viện. Ông cũng bị ung thư, di chứng của vết thương tổn thương thận thời còn trẻ. Người ta bảo ông chỉ còn sống không quá 3 tháng. Mùng 8 Tết năm đó, ông qua đời”, bà Rồng kể lại.

Xỏ vội đôi dép, mò mẫm tay vịn vào vách gỗ đã mục ít nhiều, bà Rồng tìm đến chỗ bàn thờ chồng, đốt nén nhang. Bà bật khóc: “Ông bỏ tôi đi gần 5 năm rồi đó. Lúc tôi về nhà thì ông lại đi. Mấy ngày cuối cùng ông không nói được, ông cứ nhìn tôi mà khóc. Ông còn nhớ không. Ở nơi đó ông thế nào? Ông đi trước, đợi tôi…”.

Trở về nhà sau một ngày làm thuê, chưa kịp mở lời chào khách, người phụ nữ với làn da trắng hồng và gương mặt phúc hậu lật đật chạy gom vội mớ củi khô bên hông nhà vì trời bắt đầu mưa nặng hạt. Phủi vội mồ hôi, cô lởi xởi: “Nay tôi đi làm cỏ mướn cho nhà hàng xóm. Trưa chỉ kịp về nhà chuẩn bị cơm nước rồi lại đi làm tiếp”.

Sau vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào cái tuổi đẹp nhất đời người, cô Giang kể mình ngỏ lời xin cha mẹ cho đi làm xa để nguôi ngoai nỗi ám ảnh. Từ bán dừa thuê, may gia công, rồi đến giúp việc nhà… việc gì có thể cô Giang đều xin làm tất để có tiền phụ cha mẹ. “Nhiều chỗ khi tôi xin việc thì họ cũng nhận, nhưng lúc nhìn thấy đôi bàn tay tôi, họ lắc đầu. Tôi cố gắng làm tất cả mọi việc đàng hoàng vừa sức, phần vì kiếm tiền, phần để chứng minh mình tàn nhưng không phế”, vừa nói, cô vừa đưa bàn tay tật nguyền cọ quậy.

Lỡ mai này… má mất

Ngày ba mất, người phụ nữ đơn độc trở hẳn về nhà để chăm sóc người mẹ bệnh tật của mình. Theo lời cô Giang, hiện ngoài căn bệnh ung thư phổi đã hóa trị 6 toa, bà Rồng còn bị bệnh thận, dạ dày, hở tim 2 lá và thiếu máu tim, riêng căn bệnh nang gan dù đã được phẫu thuật nhưng bác sĩ bảo đã tái phát lại. “Có mấy hôm tôi đi làm, sáng má ra đằng sau rồi té không vào được. May mà có đứa cháu gần nhà phát hiện nội té nên hô hoán lên. Sức khỏe má tôi giờ đây yếu lắm, mắt giờ cũng không còn nhìn rõ, đi không khéo là cứ vấp đồ đạc, rồi té ngã hoài”, cô kể.

Hiện tại thu nhập chính của người mẹ già bệnh tật ở tuổi xế chiều và đứa con tật nguyền phụ thuộc hoàn toàn vào công việc vót tàu cau và làm thuê của cô Giang. “Mỗi ngày 2 má con cố vót cũng được mười mấy ngàn, tôi đi nhổ cỏ, hái chanh thuê thì cũng được vài ba chục. Tiền để mua đồ ăn, mua thuốc còn không đủ, nên dạo này dù đến lịch tái khám nhưng không có tiền mà lên bệnh viện. Má còn bảo để má cố phụ thêm với con, để dành đủ tiền lên bệnh viện”, người con tật nguyền rưng rưng kể.

Cụ bà 80 tuổi vót tàu cau mỏi mòn kiếm tiền chữa bệnh, lay lắt bên con gái tật nguyền - 2
Đôi bàn tay tật nguyền của cô Giang- vết tích sau vụ tai nạn kinh hoàng.

48 tuổi, khi được hỏi vì sao vẫn không lập gia đình, cô Giang buồn bã cho biết thời trẻ cũng có nhiều người ngỏ ý thương, nhưng nhìn ba mẹ lúc đó nghèo khó, bản thân lại tật nguyền, cô tự ti nên lắc đầu từ chối. Cách đây mấy năm, một người đàn ông chất phác, cục mịch gần nhà vì thương người phụ nữ tảo tần, chịu khó nên cậy mối sang ngỏ lời, nhưng cô bảo nhìn mẹ đau đớn, bệnh tật, cô không cho phép mình nghĩ đến hạnh phúc riêng. Cô bảo: “Nhiều đêm nằm bên cạnh, má ngập ngừng quay sang hỏi lỡ sau này má mất, con già yếu, ai lo lắng cho con. Tôi thở dài im lặng. Cha mẹ lo lắng cho mình cả cuộc đời mà chưa một lời than thở, tôi phận làm con, sao đành bỏ mẹ lúc tuổi già”.

Mắt mẹ mờ dần, con làm đôi mắt cho mẹ. Tay con tật nguyền, tay mẹ đỡ đần cho con. Dưới cái nắng chiều hiu hắt hệt như tuổi già của người mẹ tảo tần là cái bóng không trọn vẹn của người con tội nghiệp. Họ tựa vào nhau, che chở và bao bọc cho nhau trong những ngày còn lại của cuộc đời mình.

Theo Huy Vân (Khám Phá)