Đời sống

Chuyên gia gợi ý mâm cúng vía Thần Tài

Tùy theo hoàn cảnh của gia chủ, mâm cúng vía Thần Tài sẽ bao gồm những lễ vật khác nhau.

Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình. Mỗi khi có việc quan trọng, gia chủ thường cầu khấn Thần Tài. 

Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) - ngày vía Thần Tài, nhiều người bày biện mâm cúng trang trọng, đầy đủ hơn bình thường.

Theo Chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có bộ tam sên gồm: 1 miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc.

Chuyên gia gợi ý mâm cúng vía Thần Tài
Nhiều người chọn cúng bộ tam sên vào ngày vía Thần Tài. (Ảnh: Cooky.vn).

Ở miền Nam, đa số người dân thờ chung ông Thần Tài với ông Thổ Địa nên còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng trên mâm cúng. Ngoài ra, tùy theo điều kiện của gia chủ, mâm cúng còn có thêm thịt quay, xôi, bánh trôi nước…

Đi kèm với các món chính, mâm cúng vía Thần Tài còn bao gồm:

- Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy: được đặt ở giữa hai tượng Thần Tài - Thổ Địa. Đây là những vật tượng trưng cho cuộc sống no đủ, êm ấm và được đặt từ đầu năm cho tới cuối năm mới được đem thay.

- Bát nhang: Gia chủ phải đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển.

- Lọ hoa tươi và quả tươi, thường là mâm ngũ quả.

- 5 chén nước xếp hình chữ thập: Tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển.

- 5 củ tỏi: Gia chủ nên đặt vào trong một chiếc đĩa nhỏ với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ.

- Bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên: Mang ý nghĩa giữ cho tiền bạc không bị trôi đi, thường được các gia đình đặt trên nền đất ngoài cùng ban thờ.

- Tượng Ông Cóc: Đặt bên trái ban thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc. Ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong.

Chuyên gia gợi ý mâm cúng vía Thần Tài - 1
Tùy theo điều kiện kinh tế của gia chủ, mâm cúng vía Thần Tài sẽ có những lễ vật khác nhau. (Ảnh: Loan Trần).

Chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc lưu ý hoa cúng Thần Tài không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt. Quả cũng không nên dùng quả nhựa mà nên cúng Thần Tài bằng quả tươi, ngon. 

Sau khi cúng, đồ cúng bằng muối và gạo thì giữ lại trong nhà cho có lộc. Rượu và nước sau khi cúng xong phải đem tưới xung quanh nhà. Bánh kẹo đã cúng xong thì giữ lại một nửa để ăn, còn một nửa đem đi phát lộc.

Tiền vàng thật nên cất giữ bên mình để lấy may, còn tiền vàng mã đem đốt ở ngoài cổng để cầu xin Thần Tài phù hộ cho cuộc sống gia đình sung túc, bình an, phát tài phát lộc cả năm.

Theo Ngọc Lài (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/mam-cung-via-than-ai-gom-nhung-gi-de-may-man-phat-dat-ca-nam-2104081.html