Đời sống

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm Canh Tý

Ông bà ta từ xưa đến nay đã có câu "Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm Tháng Giêng". Bởi vậy, vào ngày Rằm Tháng Giêng mỗi gia đình thường sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng thịnh soạn để cầu một năm bình an, no đủ.

Năm 2020, Rằm tháng Giêng vào ngày 8/2 dương lịch. Thời gian cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất là vào sáng 8/2/2019 (tức ngày 15 âm lịch). Tuy nhiên, tuỳ vào điều kiện mỗi gia đình có thể cúng vào 7/2 (tức ngày 14 âm lịch).

Ý nghĩa cúng Rằm tháng Giêng

Theo nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết, Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) có ý nghĩa rất quan trọng: "Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) là rằm đầu tiên trong năm, rất cẩn thận, to tát theo ngày xưa các cụ quan niệm như ăn Tết lần 2".

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm Canh Tý
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng nên "tùy tiền biện lễ". Ảnh: ST.

Theo bà, mâm cỗ cúng Rằm coi như cả gia đình sẽ ăn Tết lần 2, trước là tưởng nhớ công ơn các cụ sau là con cháu "thụ lộc".

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng

Về gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ, mâm cỗ cúng hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc và các món khác để tạo thành một mâm cỗ. Gà cúng được coi là vật cúng tế linh thiêng nhất, xôi gấc với màu đỏ cũng sẽ giúp mang lại may mắn cả năm cho gia đình.

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng năm Canh Tý - 1
Có thể cúng Rằm tháng Giêng từ ngày 14 âm lịch. Ảnh: ST.

Trước đó, trong những ngày Tết, mọi người thường sẽ ăn những đồ như thịt, bánh chưng..., bởi vậy tới mâm cỗ cúng rằm có thể thắp hương những món như bóng xào, canh nấm thả,...

Dưới đây là gợi ý các món ăn trong mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.

Mâm cỗ chay cúng Phật gồm:

- Hoa quả. Chè xôi.

- Các món đậu.

- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.

- Bánh trôi nước.

Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên gồm:

Ngoài việc chuẩn bị các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, một chút vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ mặn để cúng gia tiên.

Thông thường mâm cỗ mặn có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món.

- 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc.

- 6 đĩa gồm: Thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem, đĩa xào, dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng), nước chấm.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, chuyên gia nghiên cứu văn hoá cho biết cúng Rằm tháng Giêng là thói quen từ xưa đến nay của người Việt. Đó là tín ngưỡng cần giữ gìn, vì có những niềm tin khó giải thích miễn là từ niềm tin đó, con người làm những điều trong sáng, tốt đẹp hơn. "Quanh năm lễ lạt không bằng cúng Rằm tháng Giêng nhưng không nhất thiết phải lễ lớn, lễ to",

Trên đây chỉ là những gợi ý, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải theo quy chuẩn nào. Theo chia sẻ của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, các gia đình nên "tuỳ tiền biện lễ", không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy và quan trọng nhất phải thành tâm.

Theo HH (Báo Dân Sinh)




http://baodansinh.vn/cach-chuan-bi-mam-co-cung-ram-thang-gieng-nam-canh-ty-20200206222421483.htm?fbclid=IwAR18hPh21OZqOGDcPhlP6FG2Q0LHh80tiDrpI88JIoFcMr88htCICkXe7Cw