Đời sống

Bữa ăn hàng của gia đình giàu và nghèo thể hiện thất bại dạy con

Trên cùng bàn ăn, người mẹ giàu khoe chuyến du lịch, đứa con la lên "Nhà mình có tiền', người mẹ còn lại than nghèo, đứa con cúi mặt.

Bài viết là quan điểm của nhà báo, nhà văn Wan Bi QingQing - tác giả những cuốn sách có tiếng vang ở Trung Quốc như Một người sống tuyệt với, Yêu thế giới thêm lần nữa.

Vài ngày trước tôi đến một nhà hàng phương Tây tình cờ thấy hai cặp vợ chồng đang ngồi ở bàn bên cạnh, mỗi người có một đứa con 6-7 tuổi. Họ cùng ăn tối.

Trong số đó, có một người phụ nữ đeo trang sức bằng đá quý với thương hiệu nổi tiếng. Cô thao thao với gia đình đối diện về chuyến đi châu Âu vừa kết thúc, cô mua bao nhiêu món đồ xa xỉ, ăn bao nhiêu món ngon.

Người đàn ông bên cạnh cũng rất đắc ý. "Tất cả mọi nơi trên thế giới chúng tôi đều sẽ đi hết. Bởi vì, gia đình chúng tôi có tiền". Lúc này, cậu bé ngồi giữa họ không chịu ăn đột nhiên trở nên phấn khích nói "Gia đình mình có tiền!".

Cặp vợ chồng ngồi đối diện không có cơ hội xen vào, vẻ mặt kỳ dị thỉnh thoảng a dua theo. Cho đến khi đôi vợ chồng giàu đắc ý nói xong, người phụ nữ đối diện không thể không thở dài và nói: "Tôi thực sự ghen tị với bạn, gia đình tôi không có điều kiện như nhà bạn".

Câu nói của vợ khiến người chồng tái mét. Giọng điệu anh trở nên lúng túng, và hai người bắt đầu nói qua nói lại. Cặp khoe khoang nhanh chóng khuyên giải. Tuy nhiên không khí bữa ăn bị phá hủy. Bé gái ngồi giữa cặp vợ chồng cãi nhau cúi mặt, lẳng lặng ăn.

"Gia đình chúng tôi có tiền", câu này có lẽ không xa lạ bởi vì luôn có vài người giàu có xung quanh chúng ta. Lần đầu tiên tôi nghe điều này, đó là vào năm 16 tuổi, khi tôi học trường trung học nội trú tốt nhất trong quận.

Vào thời điểm đó, có một cô gái trong lớp rất nổi tiếng, bởi vì cha cô đang kinh doanh than. Mỗi ngày cô đều được đưa đến trường bằng xe hơi sang trọng và có các vệ sĩ. Vì cô có tiền, ai đối tốt với cô sẽ có bữa ăn miễn phí và những món quà. Tuy nhiên, cô cũng rất ngang ngược, thường xuyên bắt nạt bạn nữ cùng lớp.

Có lần, cô mượn bài tập về nhà của một bạn cùng bàn nhưng không được. Cô tức giận dùng những lời chửi thề xúc phạm. Có người nói thay người bạn mấy lời. Cô ấy dùng hộp bút chì đập đầu người ấy và hét lên: "Tao muốn tìm xã hội đen để giết mày. Bố tao nói rồi, gia đình tao có tiền".

Ít lâu sau trường đã đuổi học cô bạn nhà giàu này vì đánh một bạn gái, do tranh chấp tình cảm.

Ngày cô rời trường, gia đình cô đã cử một vài chiếc ôtô sang trọng đến đón. Cả trường hiếu kỳ trước cảnh ấy.

Giờ đây nhìn lại, ở tuổi 16 đó cô vẫn chưa thực sự trưởng thành, những lời nói và hành động đều là cái bóng của cha mẹ.

Có lẽ, trong gia đình cô luôn tung hô chúng ta là "người có tiền", tôn sùng "tiền bạc vạn năng". Chính những điều đó tạo nên cô gái tuổi vị thành niên kiêu ngạo, coi thường người khác. Sau này, công ty than của bố cô làm ăn thất bát. Cô ấy không học hành đến nơi đến chốn. Cuộc hôn nhân cũng sớm tan rã.

Khi mới sinh mọi đứa trẻ đều là tờ giấy trắng. Con cái là bản sao của cha mẹ. Ở nhà hàng phương tây, cha mẹ không suy nghĩ nói một câu: "Gia đình chúng tôi có tiền", những đứa trẻ sẽ nảy sinh kiêu ngạo, ngang ngược.

Ấy nhưng, cha mẹ khóc lóc than nghèo cũng là thuốc độc với con. Trong cảnh ấy, người phụ nữ toát ra mùi lụn bại, với khuôn mặt oán hận cuộc sống và người chồng xấu hổ. Tất cả hiện lên sừng sững trước mắt đứa con. Đánh giá từ quần áo của họ, không có gì gọi là "sống không được" như người phụ nữ nói. Có thể họ không giàu, có thể họ có những khó khăn riêng, nhưng trước mặt những đứa trẻ, họ cố tình hoặc vô thức thể hiện sự nghèo khổ, thấp kém của mình. Kiểu cha mẹ này thường có xu hướng làm cho con cái mẫn cảm và tự ti.

Bữa ăn hàng của gia đình giàu và nghèo thể hiện thất bại dạy con
Cha mẹ thông minh không khoe giàu, than nghèo. Ảnh: Sohu.

Mẹ của Phàn Thắng Mỹ trong bộ phim truyền hình ăn khách "Hoan Lạc Tụng" là một người điển hình than nghèo. Bà đã quen than nghèo khổ với tất cả người thân và bạn bè. Nên sau khi trưởng thành, Thắng Mỹ đẹp tự nhiên, nhưng tính cách của cô tự ti, mẫn cảm và có cảm giác không an toàn. Sau này cô ra thành phố lập nghiệp, người mẹ cũng liên tục than nghèo để bòn rút của con, dẫn đến một Phàn Thắng Mỹ đánh mất bản thân vì những thứ hào nhoáng.

Giàu nhưng thận trọng, dè dặt mới là con đường đúng đắn. Nghèo nhưng cũng cần phải đúng mực, lòng dạ quang minh. Người xưa thường nói: Nghèo không cắm rễ, giàu không truyền muôn đời. Chỉ có tích thiện mới có phúc dư.

Vợ của diễn viên Lưu Diệp (diễn viên phim Hoàng Kim Giáp) có thể coi là một kiểu mẫu dạy con tốt. Cô không bao giờ cho con biết khái niệm "chúng tôi là những người giàu có", không bao giờ dạy chúng biết những nhãn hiệu nổi tiếng. Khi chúng tham gia "Bố ơi, mình đi đâu thế?", những đứa trẻ đi giày cũ và lời nói hành động cũng rất lịch sự, lễ phép.

Hầu hết chúng ta đều sinh ra trong một gia đình bình thường, có rất ít của cải để thể hiện sự giàu có. Nhưng ít nhất, chúng ta cần đảm bảo không than nghèo. Cha mẹ nếu yêu mến con cái thì nên tính toán dài hạn cho con, chứ không nên tính toán hơn thiệt trước mắt. Cha mẹ thực sự thông minh sẽ không bao giờ thể hiện sự giàu có của họ, cũng không than nghèo quá nhiều.

Theo Huyền Trang (VnExpress.net)