Đời sống

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói

Dù sống trong nhàn hạ, no đủ nhưng các cung phi thời Nguyễn lại dường như không có được hạnh phúc.

Triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta – triều Nguyễn kể từ khi bắt đầu và kết thúc chỉ có hơn 100 năm nhưng đã để lại rất nhiều điều bí ẩn về cuộc sống của những con người trong cung cấm mà đời sau đều vô cùng tò mò. Kể từ sau khi vua Bảo Đại thoái vị, đã có rất nhiều câu chuyện được viết về họ, đặc biệt là các phi tần cung nữ đã sống nhiều năm nơi Tử Cấm Thành. Giàu có đấy, nhung lụa đấy nhưng sự gò bó bởi những quy tắc khắt khe thì lúc nào cũng bủa vây lấy họ. Đã có những quy định hà khắc từng được kể ra nhưng chắc chắn chúng chỉ là một phần trong số rất nhiều điều mà các bậc đế vương đã đặt ra và áp dụng trong cung cấm của mình mà thôi.

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói
Nam Phương Hoàng hậu, vợ của vị vua cuối cùng thời Nguyễn.

Cuộc sống cung phi như chim trong lồng

Một khi đã bước vào cung cấm thì các cung phi cũng coi như đã tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài vì thậm chí không được về thăm gia đình, trừ trường hợp cha mẹ ốm nặng. Nếu cha mẹ muốn vào gặp con thì cũng chỉ được đứng ở ngoài rèm để nói chuyện chứ không thể nhìn mặt trực tiếp.

Cứ như vậy, cuộc sống của các cung tần mỹ nữ chỉ quanh đi quẩn lại ở trong cung, phía sau bức tường cao 3,5 mét của Tử Cấm Thành. Dù cuộc sống của họ khá nhàn hạ, no đủ nhưng rất buồn chán và cô đơn, hơn hết là phải gắn liền với vua. Những cung phi trẻ tuổi, nếu muốn tham gia các buổi xem kịch, hát múa thì phải đứng sau mành rèm mà quan sát. Các cung phi lớn tuổi hơn nếu không ham thích giải trí thì có thể nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ ở một ngôi chùa nằm trong cung Diên Thọ. Một số trường hợp, khi vua qua đời, các bà hoàng còn phải chuyển tới sống ở lăng vua để trông nom, nhiều năm sau mới được trở về hậu cung.

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói - 1
Tử Cấm Thành Huế thời Pháp thuộc.

Nói về hậu cung thì những tưởng các cung phi có thể gặp vua bất cứ lúc nào, nhưng không, tất cả đều phải thông qua thái giám và nữ quan. Đặc biệt hơn, cung phi một khi đã vào đại nội thì không còn được tiếp xúc với đàn ông nữa, thậm chí khi quan ngự y đến khám bệnh cũng chỉ hở mỗi phần cổ tay ra khỏi chiếc rèm để bắt mạch, mà vì sợ làn da hai người sẽ chạm vào nhau nên trên tay cung phi còn phủ thêm một tấm lụa mỏng để che chắn nữa. Trong lúc khám, một bên là thái giám, một bên là bà quản sự sẽ đứng chứng kiến.

Có sách đã viết lại rằng, trong phép Đông y có khám bệnh qua giọng nói, xem mặt nhưng ở đây, cả hai phương pháp đều không thể làm nên người ta nói rằng, các bà trong cung ngày xưa thường hay mất sớm cũng không có gì lấy làm lạ.

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói - 2
Những người phụ nữ trông coi lăng Thiệu Trị.

Những cấm kỵ ngặt nghèo

Đã tuyển vào cung thì các cung phi tất nhiên đều phải có diện mạo ưa nhìn. Tuy nhiên, sống ở Tử Cấm Thành, những quy định ngoại hình, nhan sắc của họ vẫn được nâng lên một tầm khác để phù hợp với cung cấm.

Theo ghi chép lại, các bà trong nội cung mỗi buổi sáng đều mặc áo rộng, chít khăn đến điện Càn Thành chầu thỉnh an vua.

Trang phục của các cung phi tất nhiên phải theo đúng nghi thức như không được mặc đồ màu đen tang tóc, màu trắng chỉ được dùng làm đồ lót, màu vàng dành cho vua. Các cung tần, mỹ nữ thường mặc đồ màu đỏ và màu lục. Riêng Nam Phương Hoàng hậu là người duy nhất được mặc phẩm phục màu vàng cam, tương tự như màu vàng vốn chỉ để dành cho các bậc đế vương.

Tóc của các bậc cung phi sẽ được rẽ ngôi giữa, khi bịt khăn vàng lên đầu thì phải để hai mái hơi thả xuống như hình cánh cung. Móng tay họ phải để dài và nhuộm răng đen.

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói - 3
Quy định trang phục của các cung phi nói riêng và thuộc hạ trong cung nói chung đều rất ngặt nghèo.

Về việc giao tiếp thì ở trong cung tuyệt đối không được nói những chữ xấu, gở và thô tục như đau, bệnh, chết, đui què, câm, điếc, phung hủi, máu me… Nếu một cung nhân không may bị ốm cho về nhà dưỡng bệnh, rủi có chết thì cũng chỉ nói là người ấy đã đi xa rồi, không còn ở nhà nữa mà thôi.

Đó là giao tiếp thông thường, còn với vua, các chữ sẽ dùng khác. Chẳng hạn vua có đau thì sẽ nói là ngài se, ngài siết hoặc vi dạng, vi hòa. Vua ngủ là ngự ngơi, vua thức dậy là tánh, vua đi chơi là ngự dạo, vua bài tiết là canh y… Ngoài ra, vô số chữ húy phải kiêng kỵ, nếu lỡ gọi nhầm sẽ mắc tội, nhất là phải kiêng tên vua, hoàng hậu, gia đình hoàng tộc… Vì vậy, các bà mới vào nội, ít nhất là ba tháng đầu, gần như không ai dám hở răng nói một điều gì cả.

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói - 4
Cửa chính vào Tử Cấm Thành của hoàng cung Huế, tấm biển phía trên đề là Càn Thành Cung, bị phá hủy năm 1947.

Sự đố kỵ giữa các cung phi

Từ thời vua Minh Mạng, phi tần được chia thành 9 bậc. Trong đó, Hoàng quý phi là người đứng đầu cũng là vợ chính của vua, nên được hưởng nhiều đặc quyền nhất. Đa phần các cung tần mỹ nữ trong cung triều Nguyễn đều là con của quan đại thần được tiến cung. Nếu cha có phẩm trật cao thì con gái khi vào cung cũng sẽ được ban phẩm trật cao và ngược lại.

Trong cung vua có hàng trăm cung tần mỹ nữ nên những người đã ở lâu nơi đó thường đem lòng ghen tuông, đố kỵ là chuyện không thể tránh khỏi. Còn với những cung phi mới vào thì việc này xảy ra ít hơn. Và trong những lần xảy ra xích mích như vậy, Hoàng quý phi thường nhận được sự thiên vị của vua.

Bí mật đời sống của các cung phi triều Nguyễn: Cảnh cá chậu chim lồng với những quy định hà khắc từ trang phục đến lời ăn tiếng nói - 5
Ân phi Hồ Thị Chỉ.

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ về cuộc sống của các cung tần mỹ nữ thời nhà Nguyễn. Còn lại, cuộc sống của họ như thế nào, 24 giờ mỗi ngày ra sao một cách chi tiết thì vẫn mãi là điều còn nằm trong vòng bí mật.

Bài viết có tham khảo tư liệu của các sách: 

- Đời sống cung đình triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, năm 1993)

- Đời sống trong Tử Cấm Thành (NXB Đà Nẵng, năm 1996)

- Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn của tác giả Lưỡng Kim Thành (NXB Thế giới, năm 2017)

Theo Mộc Lan (Pháp luật & Bạn đọc)




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bi-mat-doi-song-cua-cac-cung-phi-trieu-nguyen-canh-ca-chau-chim-long-voi-nhung-quy-dinh-ha-khac-tu-trang-phuc-den-loi-an-tieng-noi-162212302200030657.htm