Đời sống

6 điều khiến khách Tây không muốn trở lại Việt Nam

Nữ du khách Đức thất vọng khi gặp nhiều người kém thân thiện, thấy những bãi biển đông đúc và ngập rác...

Gudrun Brandenburg, đến từ Berlin (Đức), có niềm đam mê xê dịch khắp thế giới và từng đến Việt Nam. Dưới đây là 6 lý do khiến Brandenburg không muốn trở lại mảnh đất hình chữ S được chia sẻ trên chuyên trang du lịch Travel Book. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Brandenburg, dựa trên những trải nghiệm trong chuyến khám phá Việt Nam kéo dài 3 tuần.

Quá tải du lịch

"Hội An là một thị trấn tĩnh lặng với nhịp sống chậm" - tôi đã đọc thông tin này trong vô số bài viết hướng dẫn du lịch trước khi đến Việt Nam. Có lẽ phố cổ Hội An từng rất yên tĩnh, cho tới khoảng ba đến bốn năm trước.

Ngày nay, Hội An xinh đẹp chật kín khách du lịch. Hàng ngày, những đoàn xe nối đuôi nhau chở các đoàn khách tới phố cổ. Bất kỳ ai muốn tới Chùa Cầu trứ danh cần thật nhiều kiên nhẫn để được đặt chân lên đây. Hy vọng cây cầu hàng trăm năm tuổi này có thể trụ vững khi dòng người nườm nượp bước qua mỗi ngày.

Tình trạng quá tải tại thành phố biển Đà Nẵng không hề thua kém. Khi ngồi trên một chiếc taxi, tôi thấy một khách sạn lớn sang trọng vụt qua cửa sổ và tự hỏi liệu nơi này có đủ khách cho lượng phòng khổng lồ như vậy hay không. Tôi có ngay câu trả lời khi lướt qua những website đặt phòng, rất nhiều khách sạn đã kín chỗ. 

Sau hai tuần khám phá miền bắc và miền trung Việt Nam, tôi mong chờ những ngày thư thái trên bờ cát trải dài tại đảo Phú Quốc. Nhưng tôi biết mình không thể tìm thấy bình yên ngay khi vừa đặt chân tới Bãi Dài, nơi khách sạn, nhà hàng mọc lên san sát. Bãi Sao thậm chí còn đông đúc hơn. Bãi biển nên thơ với bờ cát trắng, hàng dừa nghiêng và làn nước xanh ngọc ken đặc du khách, môtô nước ồn ào và tiếng karaoke ầm ĩ.

6 điều khiến khách Tây không muốn trở lại Việt Nam
Bãi Sao tại Phú Quốc. Ảnh: Travel Book.

Ô nhiễm

Chuyến khám phá sông Mekong ở miền nam Việt Nam thực sự đáng suy ngẫm với tôi. Túi nhựa chứa rác thải gia đình, bao bì xốp, hộp nhựa và chai nhựa trôi nổi trong làn nước. Rác thải chất đống hai bên bờ. Ngoài ra, dòng sông còn có những đoạn bốc mùi chất thải xả trực tiếp từ nhà dân.

Những con đường hay bờ biển tại Việt Nam cũng không khác biệt quá nhiều. Bãi rác nối tiếp bãi rác. Ví dụ, bãi biển Mũi Né ngổn ngang rác thải nhựa, thức ăn thừa và đủ loại chất thải. Một phần không nhỏ trong đó là rác thải sinh hoạt của những ngư dân sống ven biển.

Hỗn loạn

Dường như bạn cần có niềm tin khi sang đường tại những thành phố lớn ở Việt Nam. Đèn giao thông hay vạch kẻ cũng không thể đảm bảo an toàn khi bạn qua đường tại Hà Nội hay Sài Gòn. Vỉa hè cũng nguy hiểm như lòng đường, bởi người đi xe máy sẽ dùng nó làm làn khẩn cấp khi tắc nghẽn. Hãy giơ cao cánh tay, dứt khoát tiến lên - đó là kim chỉ nam dành cho bạn. 

6 điều khiến khách Tây không muốn trở lại Việt Nam - 1
Giờ cao điểm tại Sài Gòn. Ảnh: Travel Book.

Thức ăn

Ẩm thực Việt Nam thuộc top đầu thế giới - bất kỳ ai tuyên bố như vậy hẳn từng dùng bữa trong những nhà hàng sang trọng. Tiêu chuẩn của những quán ăn bình dân để lại một nỗi thất vọng trong tôi. Bắt đầu với phở bò, món ăn truyền thống của Việt Nam, tôi thường khó có thể dùng đũa hay thậm chí lấy dao dĩa để gỡ những sợi phở cứng kết thành cục, thịt bò hoặc cứng ngắc hoặc đầy gân. Nước dùng thường ít hương vị.

Tất nhiên, tôi đã thử nhiều món ăn khác tại Việt Nam ngoài phở bò nhưng vẫn không khỏi thất vọng. Bánh bao hoa hồng trắng ngập mỡ, hệt như nem rán hay sò nướng, nộm đu đủ nồng mùi tỏi, sườn xào chua ngọt dai, cơm rang trứng kèm rau sũng nước... 

6 điều khiến khách Tây không muốn trở lại Việt Nam - 2
Món phở bò gây thất vọng với du khách Đức. Ảnh: Travel Book.

Người dân kém thân thiện

Tôi không mong chờ bất kỳ ai tại Việt Nam mỉm cười với mình. Nhưng khi đặt chuyến xe giá 125 USD, tôi hy vọng ít nhất tài xế riêng có thể niềm nở chào đón mình hơn. Tuy nhiên, bác tài cau có mở cửa xe cho tôi và thậm chí không thèm đáp lời chào của khách. 

Đó không phải trường hợp duy nhất. Trong suốt ba tuần tại Việt Nam, tôi từng gặp nhiều lái xe taxi kém thân thiện, một hướng dẫn viên không biết tôn trọng khách tại Hội An, người soát vé tàu khó tính trên đường từ Đà Nẵng tới Ninh Bình, vô số gương mặt khó đăm đăm của những người bán hàng trong siêu thị hay nhân viên bồi bàn.

'Chặt chém'

Tại Hà Nội, tôi ngồi xích lô ngắm cảnh trong một tiếng. Người lái xích lô chào giá 150.000 đồng, nhưng khi kết thúc chuyến đi, ông ấy đòi thêm 100.000 đồng nữa. Khi từ chối trả thêm mức thỏa thuận ban đầu, tôi bị chửi bới thậm tệ.

Trong chuyến đi Tam Cốc (Ninh Bình), tôi trả tiền đò trước tại phòng bán vé. Nhưng khi tour ngồi thuyền còn chưa kết thúc, cô lái đò với một cánh tay bó bột nói rằng muốn nhận thêm tiền tip. Tôi biết những người phụ nữ chèo đò ở đây không được trả quá nhiều cho công sức bỏ ra, nên đã chuẩn bị sẵn tiền tip từ đầu. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không gửi thêm tiền cho cô lái đò của mình, vì không muốn khiên cưỡng.

Khi tới Hạ Long, tôi cũng đặt tour du thuyền trên vịnh. Thông thường, khách sẽ được tặng đồ uống khi ghé thăm quầy bar trong nhà hàng, hoặc cocktail với giá khuyến mãi 50% vào giờ vàng buổi tối. Nhưng cuối cùng tôi và bạn đồng hành vẫn phải trả toàn bộ đồ uống theo gói "mua hai tặng một", thay vì nhận ưu đãi "mua một tặng một". Liệu tôi có khó khăn quá không? Tôi đoán là không, bởi hơn 30 hành khách khác trên thuyền cũng bất ngờ hệt như vậy.

Theo VnExpress.net