Đẹp

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo

Nhiều bác sĩ da liễu cũng đã lên tiếng cảnh báo về tác dụng phụ của những phương pháp làm đẹp được nhiều chị em quan tâm.

Đã là phụ nữ, hẳn ai cũng muốn mình ngày 1 trở nên xinh đẹp, trẻ trung và rạng rỡ. Chính vì lẽ đó, mà những phương pháp làm đẹp như làm trắng da hay làm trẻ hóa da cấp tốc luôn được rất nhiều chị em quan tâm tìm hiểu.

Thậm chí, có nhiều phương pháp dù đã bị nhiều bác sĩ da liễu cảnh báo là có thể gây hại, phá hủy làn da, gây lên những hậu quả khó có thể cứu chữa, thì vẫn còn rất nhiều chị em mù quáng tin theo. Điển hình là 1 số sản phẩm làm đẹp "lợi bất cập hại" dưới đây.

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo
Sở hữu 1 làn da trắng mịn không tì vết vốn là niềm ao ước của nhiều chị em. Chính vì vậy, nhiều người đã mù quáng tin theo những phương pháp làm đẹp "lợi bất cấp hại".

1. Các loại treatment như AHA, BHA, Tretinoin, peel da hóa học…

Sử dụng treatment trong chu trình dưỡng da vốn là xu hướng rất "hot" trong vài năm nay ở Việt Nam. Những loại treatment này đều hứa hẹn có thể cải thiện các vấn đề của da như mụn, lỗ chân lông to, vết thâm, giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa, hình thành nếp nhăn… Tuy nhiên, dù có nhiều tác dụng nhưng những loại treatment cũng đi kèm rất nhiều tác dụng phụ như khiến da bị khô, bóng tróc, dễ bắt nắng, làm tổn hại màng da nếu không được chăm sóc, dưỡng ẩm kĩ lưỡng sau đó. Chưa kể, với nhiều làn da nhạy cảm thì da còn dễ bị kích ứng, dẫn đến việc nổi mụn liên miên không dứt.

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo - 1
Các loại treatment như AHA, BHA, Tretinoid… tuy không xấu, nhưng lại có thể làm tổn hại làn da nếu sử dụng không đúng cách.

Cũng bởi vậy, nếu làn da không có quá nhiều vấn đề, thì bạn không nhất thiết phải sử dụng các loại treatment. Còn nếu đã quyết định sử dụng treatment trong chu trình dưỡng da thì bạn nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng về mỗi loại và những tác dụng phụ đi kèm. Với những loại AHA, BHA, Tretinoin… thì khi mới bắt đầu bạn chỉ nên sử dụng 1 hoặc 2 lần/tuần, ở nồng độ thấp để da quen với hoạt chất, sau đó mới bắt đầu tăng tần suất và liều lượng. Còn với peel da hóa học tại nhà thì nên canh thời gian để tránh da bị bỏng do peel. Ngoài ra, khi đã sử dụng treatment trong chu trình dưỡng da thì bạn càng cần chú ý vào việc dưỡng ẩm và chống nắng đầy đủ cho da.

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo - 2

2. Rượu rễ cây, thuốc Đông Y

Làm đẹp với các sản phẩm từ rượu rễ cây hay thuốc Đông Y bí truyền vốn không phải là xu hướng làm đẹp mới ở Việt Nam. Chúng được nhà sản xuất hay các chuyên viên spa quảng cáo có thể giúp bạn làm sạch mụn, khiến da hồng hào trắng trẻo, căng bóng khỏe mạnh, tác dụng tốt không thua kém gì những sản phẩm dưỡng da đắt đỏ từ các thương hiệu lớn trên thế giới. Tuy nhiên, lợi ích đâu chưa thấy, mà người dùng chỉ thấy làn da ngày 1 bị tàn phá, da bong tróc, đỏ rát thậm chí còn làm bỏng, phá hủy da nặng nề.

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo - 3
Vì tin theo lời quảng cáo về tác dụng thần kỳ của cơ sở lột da Đông Y mà làn da của cô gái này đã bị bỏng nặng nề, "cảm giác như bị dội nước sôi vào mặt".
Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo - 4
Các loại rượu rễ cây hay thuốc Đông Y không có nguồn gốc xuất xứ, bao bì sơ sài cẩu thá vẫn cứ vô tư bày bán trên mạng xã hội.

Sự thật thì, rượu rễ cây hay thuốc Đông Y vốn không phải là xấu. Những chiết xuất của chúng vẫn được ứng dụng trong nhiều loại mỹ phẩm ngày nay của các thương hiệu lớn, nhưng đều sử dụng ở nồng độ rất thấp và việc thu chiết phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Còn với những sản phẩm trôi nổi, sản xuất ở những cơ sở kém chất lượng thì không ai có thể đảm bảo tính vệ sinh hay liều lượng nồng độ của chúng.

Theo lý thuyết thông thường, những loại rượu thuốc được sản xuất bằng cách ngâm thảo dược, rễ cây, hoa cỏ… vào dung dịch cồn trong 2 đến 3 tuần rồi tách lấy phần chiết xuất. Khi ứng dụng trong mỹ phẩm thì các hãng uy tín chỉ sử dụng 1 liều lượng chiết xuất rất nhỏ, và phối hợp thêm các thành phần khác; còn với những sản trôi nổi trên thị trường, khi bạn thoa trực tiếp dung dịch thì nó không khác gì việc bạn bôi cồn nồng độ cao lên mặt. Điều này sẽ làm tổn hại màng tế bào da, khiến da mẫn cảm, nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, da trở nên yếu, bong tróc, mỏng, dễ lên mụn.

3. Kem trộn

Kem trộn dùng để ám chỉ những sản phẩm dưỡng da trôi nổi, thành phần không rõ ràng. Phần lớn chúng đều có chứa những hoạt chất như hydroquinone, corticoid, hydrogen peroxyde…giúp làm đẹp da nhanh chóng nhưng cũng phá hủy làn da nặng nề. Chỉ cần sử dụng những loại kem này trong 2,3 ngày là người dùng đã nhận thấy sự thay đổi hoàn toàn khác biệt, da trở nên căng mịn, trắng sáng, mụn và vết thâm giảm hẳn. Tuy nhiên, khi sử dụng trong thời gian dài, thì những loại kem này lại đồng thời khiến da bị mỏng, yếu, đen xạm, giãn tĩnh mạch, thậm chí là bị lệ thuộc vào kem và không thể ngừng sử dụng.

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo - 5
Làn da của cô gái bị tàn phá nặng nề do sử dụng nhầm sản phẩm kem trộn trôi nổi kém chất lượng.

Dù đã bị cảnh báo từ vài năm nay, rất nhiều nạn nhân cũng đã lên tiếng tố giác những tác hại của kem trộn mà họ gặp phải. Tuy nhiên đến giờ, vẫn còn rất nhiều loại kem trộn trôi nổi tồn tại trên thị trường và được nhiều chị em tìm mua. Để tránh mua phải những loại kem trộn kém chất lượng thì bạn nên tìm mua những loại kem dưỡng da được sản xuất bởi những công ty uy tín, đã được nghiên cứu, kiểm nghiệm đàng hoàng.

Dù có rất nhiều 'tác dụng phụ', nhưng những phương pháp làm đẹp này vẫn được nhiều người tin tưởng làm theo - 6
Các loại kem trộn có thể làm da đẹp lên tức thì nhưng lại gây nên những tổn hại về lâu về dài khó có thể cứu chữa.

Theo Twus (Trí Thức Trẻ)