Công nghệ

Vướng nghi án đánh cắp công nghệ, nỗ lực cạnh tranh với Boeing, Airbus của máy bay 'made in China' gặp khó

Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phát triển mẫu máy bay thương mại C919 nhằm cạnh tranh với Airbus và Boeing đang phải chịu tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung.

Vướng nghi án đánh cắp công nghệ, nỗ lực cạnh tranh với Boeing, Airbus của máy bay 'made in China' gặp khó
Máy bay C919 dự kiến cạnh tranh với Boeing 737 MAX và Airbus A320neo. Ảnh: EPA.

Nghi án đánh cắp công nghệ?

Vào tuần trước, báo cáo được công ty an ninh công nghệ CrowdStrike công bố cáo buộc Comac thông qua chi nhánh Giang Tô của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc nhằm đánh cắp các công nghệ từ những nhà cung cấp nước ngoài để đẩy nhanh quá trình phát triển C919.

Yaung Zhigang, chuyên gia làm việc tại Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac), đã bác bỏ báo cáo cho rằng Comac đã sử dụng gián điệp và tấn công mạng nhằm ăn cắp các công nghệ để phát triển C919.

"Comac, giống như Boeing, sẽ cần rất nhiều nhà cung cấp, ví như việc chúng tôi mua động cơ máy bay từ GE", Yang nói.

"Chúng tôi đưa ra các yêu cầu đối với các nhà cung cấp và sau đó tập hợp để phát triển mẫu máy bay. Nếu nói về một bộ phận cụ thể của một hệ thống cụ thể, đó là công việc của nhà cung cấp, chứ không phải của Comac. Đơn giản là chúng tôi làm theo cách thức Boeing đang thực hiện, đó là thực hiện việc thiết kế về tổng thể và dựa vào các nhà cung cấp để hiện thực hoá mẫu thiết kế".

Yang cũng thừa nhận Comac không phát triển C919 từ đầu, mà dựa vào các công nghệ có sẵn từ các nhà cung cấp.

Tuyên bố của Yang là phản hồi chính thức đầu tiên từ Comac đối với cáo buộc của CrowdStrike về cáo buộc ăn cắp công nghệ.

CrowdStrike cũng cho rằng văn phòng của Bộ An ninh Trung Quốc tại Giang Tô đã giao 2 nhân viên an ninh đứng đầu 2 nhóm thực hiện việc lấy cắp các công nghệ. Một nhóm chịu trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công mạng, nhóm khác, dưới sự dẫn dắt của một người mang tên Xu Yanjun, có nhiệm vụ tuyển dụng những nhân viên đang làm việc trong các công ty hàng không ở nước ngoài.

Xu, người được biết đến dưới cái tên Qu Hui và Zhang Hui, đã bị dẫn độ đến Mỹ vào tháng 10/2018 với sự giúp đỡ từ nhà chức trách Bỉ sau cáo buộc gián điệp. Tại phiên toà xử vào tháng 10 năm ngoái, Xu đã khẳng định vô tội và hiện vẫn đang bị giam ở nhà tù thuộc bang Ohio trước khi chờ phiên tòa kế tiếp.

Trung Quốc chưa thể sản xuất động cơ thay thế

Trong bối cảnh thương chiến gay gắt, những nhà cung cấp nguyên vật liệu chính từ Mỹ sẽ bị cấm hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Đại diện Comac cho rằng, nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, và chính phủ Trung Quốc đưa các nhà cung cấp của chúng tôi vào danh sách cấm, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động.

"Hiện nay, Comac đang sử dụng các động cơ của General Electric, và tôi không nghĩ rằng hiện Trung Quốc có thể sản xuất các động cơ thay thế," Yang Zhigang, chuyên gia làm việc tại Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) nói trên tờ South China Morning Post.

Một trong những đối tác tiềm tàng bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại là Honeywell International, hiện đang cung cấp một loạt các bộ phận cho C919, bao gồm hệ thống điện và bộ phận hạ cánh. Một quan chức báo chí Trung Quốc từng nhận định vào tháng 7 rằng Honeywell International có thể bị cấm bởi các bộ phận do công ty này sản xuất đang được sử dụng trong hệ thống vũ khí trị giá 2 tỷ USD mà Mỹ bán cho Đài Loan.

"Một nhà cung cấp được chúng tôi lựa chọn sẽ thường phải thay đổi một số yếu tố trong sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu cần thay thế họ bằng một nhà cung cấp khác, điều này sẽ tốn khá nhiều thời gian", Yang nói thêm.

Chiếc máy bay 2 động cơ thân hẹp C919 được thiết kế với sức chứa lên tới 168 hành khách và kì vọng sẽ là đối thủ cạnh tranh của Boeing 737 Max và Airbus A320neo, trong đó Comac kì vọng sẽ bàn giao hợp đồng máy bay thương mại đầu tiên vào 2021 cho hãng hàng không China Eastern Airlines.

Theo Minh Khôi (Soha/Trí Thức Trẻ)