Công nghệ

Từng gây ngạc nhiên cho thế giới, vì sao LG phải từ bỏ cuộc chơi smartphone?

Không thể tiếp tục đương đầu với sức ép cạnh tranh, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc cuối cùng đã từ bỏ cuộc chơi smartphone...

Từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ ba thế giới, LG Electronics ngập trong thua lỗ ở mảng kinh doanh này những năm gần đây. Không thể tiếp tục đương đầu với sức ép cạnh tranh, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc cuối cùng đã từ bỏ cuộc chơi smartphone.

Quyết định đưa ra vào đầu tuần này không hẳn là bất ngờ, bởi giới quan sát đã có một thời gian dài đồn đoán về sự rút lui của LG khỏi thị trường smartphone - lĩnh vực đang nằm dưới sự thống trị của hai "ông lớn" Apple và Samsung và chứng kiến sự nổi lên của hàng loạt thương hiệu Trung Quốc như Oppo hay Xiaomi.

Hồi tháng 1/2012, Tổng Giám đốc (CEO) Kwon Bong-seok của LG tuyên bố, đang cân nhắc tất cả mọi lựa chọn liên quan đến số phận của mảng smartphone. Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 5/2, 100% thành viên Hội đồng quản trị LG nhất trí chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất và bán smartphone, có hiệu lực từ ngày 31/7.

Từng gây ngạc nhiên cho thế giới, vì sao LG phải từ bỏ cuộc chơi smartphone?

SMARTPHONE LG TỪNG CÓ THỜI GIAN HOÀNG KIM 

Nhiều nhà phân tích tin rằng đây là một quyết định đúng đắn của LG, bởi mảng điện thoại của hãng này đã thua lỗ 23 quý liên tiếp, với tổng số lỗ là hơn 4,4 tỷ USD.

Có mặt trên thị trường điện thoại di động từ năm 1995, LG rơi vào một vị thế khó khăn khi ngành công nghiệp smartphone có sự phân nhánh rõ rệt trong cuộc dịch chuyển sang công nghệ 5G. Ở phân khúc cao cấp, Apple và Samsung - dựa vào thương hiệu hùng mạnh của mình - có thể bán những thiết bị mới nhất với giá lên tới hơn 1.000 USD mỗi chiếc.

Ở phân khúc thấp, các nhà sản xuất tung ra những sản phẩm chỉ có giá vài trăm USD, nhưng kiếm lời thông qua thuê ngoài việc thiết kế và chế tạo, bỏ qua tất cả những kênh quảng cáo tốn kém và chỉ tập trung vào những chiến dịch quảng cáo online.

Ông Tom Kang, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research nói rằng sự phân nhánh rõ rệt của ngành smartphone đặt LG vào thế đứng giữa ngã ba đường. Trong khi các sản phẩm khác của LG như TV màn hình phẳng, thiết bị nhà bếp...được định hướng đi theo phân khúc cao cấp để thu hút tầng lớp người tiêu dùng có khả năng tài chính tốt, smartphone LG lại không thuộc về một phân khúc tương tự.

Khoảng 90% sản phẩm smartphone của LG vẫn được thuê ngoài về thiết kế và chế tạo, tương tự như cách làm của các nhà sản xuất ở phân khúc cấp thấp. Cứ 10 mẫu smartphone của LG thì mới có một mẫu có giá từ 300 USD trở lên.

"Các sếp lớn của LG bắt đầu nghĩ rằng: tại sao chúng ta lại ở trong lĩnh vực kinh doanh này khi mà tất cả những gì mà chúng ta làm chỉ là gắn thương hiệu của mình lên đó?", ông Kang nói với tờ Wall Street Journal.

Trước khi smartphone chiếm lĩnh thế giới, LG từng gây ấn tượng mạnh trên thị trường điện thoại di động truyền thống bằng những sản phẩm như Chocolate hay enV. Nhưng rồi hệ điều hành iOS và Android đã thay đổi mọi thứ và khả năng thích nghi của LG dường như không đủ nhanh để nắm bắt.

Những sản phẩm điện thoại Android đời đầu của LG không gây được tiếng vang. Chiếc Nitro HD mà LG tung ra vào năm 2011 là một ví dụ. Đây là sản phẩm smartphone quan trọng (flagship) của hãng sau một thời gian dài, nhưng được trang bị phần mềm lỗi thời, chưa kể tuổi thọ pin ngắn. Sau đó, những mẫu smartphone LG khác như G-series có sự cải thiện đáng kể và cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của Samsung và HTC.

Blogger công nghệ Austin Evans nhận xét rằng "Smartphone LG chưa bao giờ hoàn hảo, nhưng trong thế giới của những chiếc điện thoại dạng phiến nhàm chán, LG đã mang đến vài trong số những thiết kế, ý tưởng và tính năng độc đáo nhất từng có".

Vào năm 2013, LG trình làng mẫu smartphone màn hình cong, trở thành một trong những nhà sản xuất đầu tiên ở thời điểm đó đưa công nghệ màn hình này ra thị trường đại chúng. Hai năm sau, hãng khiến giới mộ điệu trầm trồ với tính năng chụp hình đỉnh cao của mẫu smartphone G4.

Năm ngoái, LG ra mắt chiếc smartphone Wing 5G có hai màn hình, bao gồm một màn hình có thể xoay 90 độ, cho phép người dùng sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng và thực hiện cùng lúc nhiều tác vụ một cách dễ dàng hơn.

Mới đây nhất, vào tháng 1/2021, LG giới thiệu một mẫu điện thoại có thể mở rộng màn hình để trở thành một máy tính bảng, có tên Rollable. Ngoài ra, LG còn có giai đoạn hợp tác với Google để sản xuất dòng smartphone Nexus. Khoảng năm 2013 chính là giai đoạn hoàng kim của LG, thể hiện qua vị trí của hãng trong top 3 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

LG HẬU SMARTPHONE SẼ RA SAO?

Các sản phẩm điện thoại LG sau đó dần mất khách, nhất là khi những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Xiaomi và Oppo xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh phân khúc smartphone bình dân. Năm ngoái, LG rớt xuống vị trí thứ 9 trong xếp hạng doanh số của các hãng sản xuất smartphone trên thế giới, chiếm thị phần chỉ khoảng 2%.

Trái lại, các thương hiệu smartphone Trung Quốc, trong đó bao gồm Huawei, Xiaomi, Vivo và Oppo, chiếm tỷ trọng kỷ lục 57% thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2020, theo dữ liệu của Strategy Analytics. Trong khi hai thập kỷ trước, các nhà sản xuất Trung Quốc mới chỉ đạt tổng thị phần 1%.

Cuộc ra đi của LG khỏi lĩnh vực smartphone để lại niềm tiếc nuối lớn cho người dùng ở Hàn Quốc - thị trường quê hương của hãng, và ở Mỹ - nơi smartphone LG chiếm thị phần khoảng 10%.

Trên một diễn đàn có hơn 300.000 người dùng thuộc Naver - cổng tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc - nhiều thành viên tha thiết kêu gọi LG đưa ra thị trường sản phẩm smartphone Rollable trước khi ngừng hoạt động mảng này. Nhiều thành viên khác hoài niệm những thiết kế điện thoại độc đáo của LG.

Nhưng theo giới chuyên gia, rút khỏi mảng smartphone là một điều đúng đắn đối với LG. Smartphone chiếm 8,2% tổng doanh thu của LG trong năm 2020, nên việc chấm dứt mảng này sẽ gây thiệt hại doanh thu trước mắt, nhưng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn. Thậm chí, có nhà phân tích còn cho rằng việc này giống như "rút chiếc gai khỏi bàn chân" của LG.

Theo một số ước tính, việc "khai tử" mảng smartphone có thể cải thiện lợi nhuận hàng năm của LG một khoản lên tới 800 tỷ Won, tương đương 708 triệu USD, trong những năm sắp tới. Cùng với đó, LG có thể dồn nguồn lực cho các lĩnh vực khác được xem là đầu tàu tăng trưởng của hãng trong tương lai, như linh kiện ôtô điện và robot, cũng như tập trung vào mảng thiết bị gia dụng - lĩnh vực đặc biệt ăn" nên làm ra" trong thời gian đại dịch.

LG cho biết quyết định ngừng sản xuất và bán smartphone không đồng nghĩa với việc hãng "đoạn tuyệt" hoàn toàn với công nghệ trong lĩnh vực này. Hãng sẽ  tiếp tục phát triển các công nghệ di động, như công nghệ viễn thông thế hệ thứ 6 (6G) và camera dành cho smartphone.

Một chiến lược quan trọng mà LG đang theo đuổi là phát triển mảng linh kiện ôtô điện thông qua một liên doanh với công ty Magna International. Kinh nghiệm của LG trong lĩnh vực công nghệ di động có thể giúp ích nhiều cho hãng ở mảng này, chẳng hạn trong công nghệ phát hiện ý định của người dùng, phát hiện tình trạng buồn ngủ, hay tương tác điệu bộ.

Theo Kiều Oanh (Vneconomy)




https://vneconomy.vn/tung-gay-ngac-nhien-cho-the-gioi-vi-sao-lg-phai-tu-bo-cuoc-choi-smartphone-20210408234324013.htm