Công nghệ

Trung Quốc làm kính nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát

Cảnh sát có thể tham chiếu gương mặt của mọi người với cơ sở dữ liệu quốc gia để tìm kiếm tội phạm tình nghi.

Theo Nikkei Asia, công ty công nghệ Xloong của Trung Quốc đang phát triển và sản xuất một loại kính có tính năng nhận dạng khuôn mặt, dựa theo yêu cầu từ chính quyền nước này.

Với loại kính đặc biệt, nhân viên cảnh sát có thể tham chiếu chéo giữa gương mặt của người tình nghi và cơ sở dữ liệu quốc gia, để phát hiện tội phạm. Thiết bị hoạt động dựa trên công nghệ thực tế tăng cường (AR), cho phép chồng ảnh ảo lên mặt người trong thực tế, tìm kiếm điểm giống nhau rồi gửi thông báo tới người đeo nhờ camera và các con chip tinh vi. Nếu phát hiện kẻ khả nghi, nó sẽ đưa ra báo động đỏ, chiếu ngay trên màn hình của kính để người quan sát nhận thấy.

Hiện sáu văn phòng công an địa phương ở Bắc Kinh, Thiên Tân và khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ đã sử dụng kính AR do Xloong cung cấp.

Trung Quốc làm kính nhận dạng khuôn mặt cho cảnh sát
Cảnh sát ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đang sử dụng một loại kính tương tự như của Xloong, có tính năng nhận diện khuôn mặt. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi sẽ dành 80% năng lực hoạt động của mình để tập trung vào các ứng dụng phục vụ an ninh quốc gia", Shi Xiaogang, người sáng lập kiêm CEO của Xloong chia sẻ. Ông từng là kỹ sư cho hãng sản xuất điện thoại thông minh Huawei.

Được thành lập vào năm 2015, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh đã đưa ra thị trường nhiều mô hình kính AR. Từ loại dành cho thể thao có khả năng hiển thị bản đồ cho người đi xe đạp tới các sản phẩm công nghiệp có tính năng quét và chia sẻ video thời gian thực cho các kỹ sư, để gắn kèm trong mũ bảo hộ. Tuy công ty có doanh thu hơn 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,35 triệu USD) năm ngoái, Xloong vẫn báo lỗ bởi số tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lớn hơn con số này khá nhiều.

"Thị trường và công nghệ không đủ để chấp nhận quy mô phát triển theo hướng mở rộng, ít nhất cần thêm 5 năm nữa để các loại kính AR được người tiêu dùng đón nhận một cách phổ biến", Shi nói.

Một ví dụ điển hình là kính thể thao thông minh của Xloong ra mắt vào năm 2016. Chỉ có khoảng 5.000 sản phẩm được bán ra, với giá 2.999 nhân dân tệ (khoảng 425 USD). Shi cho biết lợi nhuận công ty thu về từ sản phẩm này là rất ít.

Với dự án thiết kế kính AR cho lực lượng cảnh sát, công ty hi vọng hợp đồng này sẽ góp phần mang lại doanh thu đáng kể trong hai hoặc ba năm tới. CEO 27 tuổi cho biết ông tin tưởng của việc sẽ đạt được trên 50% lợi nhuận gộp khi bán hàng cho phía chính quyền.

"Họ không thiếu ngân sách", ông nói và chia sẻ thêm rằng cơ quan chính phủ là một đối tượng đáng tập trung dành cho các công ty khởi nghiệp.

Chi tiêu cho an ninh nội địa đạt 1,24 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 182 tỷ USD) năm ngoái, theo Bộ Tài chính Trung Quốc. Số tiền này chiếm 6,1% tổng chi tiêu chính phủ trong năm 2017, cao hơn so với ngân sách tài trợ cho quân đội tới 20%.

Trong khi các công nghệ giám sát thường tạo ra dư luận ở các nước phương Tây, Shi lại cho rằng vấn đề này không cần phải lo lắng ở Trung Quốc. "Sự hỗ trợ của chính phủ cho các công ty công nghệ cao, cũng như tầm quan trọng trong vấn đề chống khủng bố và ổn định xã hội, là động lực quan trọng để công ty chúng tôi phát triển", ông nói.

Dẫu vậy, chưa tới 10% vốn điều hành của Xloong tới từ phía chính phủ. Công ty đã nhận hơn 50 triệu nhân dân tệ từ các nhà đầu tư bên ngoài. Với hơn 100 nhân sự là kỹ sư và nhà khoa học, CEO này cho biết công ty sẵn sàng phát triển ở thị trường toàn cầu và Mỹ có thể là điểm đến đầu tiên. Trong những năm tới, Xloong sẽ thiết lập một văn phòng ở Silicon Valley và tuyển dụng hàng chục nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở đó.

Công ty cũng đang tìm cách để giới thiệu kính nhận dạng khuôn mặt của mình tới các chính quyền nước khác, những quốc gia có sự quan tam đặc biệt tới vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các cơ quan chính quyền không phải là mục tiêu cuối cùng của Shi.

"Một ngày nào đó, AR sẽ được áp dụng rộng rãi và trở thành một nền tảng điện toán phổ biến như điện thoại thông minh", giám đốc của Xloong nói.

Theo Bảo Nam (VnExpress.net)