Công nghệ

Tổng hợp những thói quen đang giết chết gaming gear của bạn

Sau đây là những thói quen xấu mà anh em cần né ra để giúp bộ gaming gear của mình đỡ chết sớm.

Dùng chất tẩy rửa mạnh

Để đảm bảo vệ sinh cho gaming gear – những thứ mà mình cầm trong tay và đeo trên đầu – thì ai cũng nên có một lịch vệ sinh định kỳ cả. Nhưng mà vệ sinh sai cách thì chỉ làm gear mau xuống cấp thôi. Và một trong thứ sai thường thấy nhất là việc dùng chất tẩy rửa mạnh để lau gear.

Đối với những chất tẩy rửa mạnh như xăng thơm, axeton (nước rửa móng), xăng… thì anh em tuyệt đối không nên dùng nhé. Những chất này có thể ăn mòn lớp sơn trên gaming gear, đặc biệt là làm giòn, vỡ da bọc tai nghe và bào lớp ốp cao su trên chuột. Ngoài ra thì chúng cũng làm phai màu keycap in dye sub nữa.

Tổng hợp những thói quen đang giết chết gaming gear của bạn

Đối với chuột và tai nghe thì mình thường dùng cồn y tế 70 độ để sát trùng và lau vết mồ hôi. Còn bàn phím thì mình chia ra 2 phần là phần bàn phím và phần keycap, bàn phím thì mình vệ sinh với khăn giấy và tăm bông thấm cồn bình thường còn keycap thì mình chà bằng bàn chải đánh răng loại mịn với nước rửa chén pha loãng. Cái đó là keycap double shot nhé, còn keycap dye sub thì mình vẫn chưa thử đủ lâu để xác nhận, tuy nhiên mình nghĩ là không nên vì có thể nó sẽ bị xuống màu.

Anh em lưu ý là không nên dùng cồn có nồng độ cao như cồn 90 độ hoặc nguyên chất nhé. Nếu còn là nguyên chất thì anh em có thể pha 7 phần cồn 3 phần nước là có cồn 70. Còn nếu là cồn 90 thì anh em có thể pha 10 phần cồn với 3 phần nước là được.

Không lau đệm tai nghe sau khi sử dụng

Có bao giờ anh em dùng tai nghe xong mồ hôi mồ kê thấy gớm là quăng đó đi luôn không? Có, chắc chắn là có, khỏi chối thường xuyên là đằng khác, game thủ được mấy ai kỹ lưỡng đâu? Nhưng anh em cần nhớ cho mình rằng nước chính là kẻ thù số một của đồ điện tử, chỉ sại nghịch dại mà thôi.

Tổng hợp những thói quen đang giết chết gaming gear của bạn - 1

Đối với tai nghe bọc da, một khi lớp nhựa tổng hợp chống thấm bên ngoài mà bị rạn thì mồ hôi của anh em sẽ nhanh chóng thấm vào và làm bung lớp ngoài lên. Giống như mấy miếng ván ép mạt cưa vậy đó, rất mất vệ sinh, chưa tính tới chuyện khi lớp ngoài bong ra rồi thì tai nghe sẽ không còn chống thấm nữa và bắt đầu hút mồ hôi vào trong. Tai nghe bọc vải thì không bong nhưng nó sẽ ẩm, dính bụi và mốc meo lên cực kỳ kinh dị.

Thế nên anh em dùng tai nghe xong thì dù là tai nghe gì cũng vậy, lau sạch sẽ mồ hôi cho mình. Có khăn giấy để “weitei” thì cũng phải có để lau tai nghe nhé. Còn một cái mẹo nữa để giữ tai nghe được lâu là mỗi khi sử dụng xong, ngoài việc lau chùi bằng giấy ăn thì anh em có có thể ném vài gói hút ẩm vào củ tai cho nó khô thoáng dịu êm và chống ủ mùi nhé.

Tống hết mọi thứ vào balo

Cái này thì chắc cũng ít người cầm gear đi tới đi lui nhưng có thì vẫn có (điển hình là mình) nên mình sẽ nói luôn.

Mình có một bộ gear thôi, vừa để làm việc vừa để chơi game, khi nào hãng cho mượn đồ thì mới dùng đồ của hãng. Mỗi sáng đi làm là mình lại rút gear ra, nhét hết vào balo rồi xác lên công ty.

Và sau vài tháng đầu như vậy thì mình nhận ra rằng cái cách làm này nó làm gear của mình mau tã vờ lờ ra anh em ạ, chuột phím thì trông cũ và bị bóng các cạnh, tai nghe mới dùng mấy tháng bắt đầu có vết xước trên phần đệm da.

Tổng hợp những thói quen đang giết chết gaming gear của bạn - 2

Nguyên nhân là khi bỏ vào balo, mình đã để chúng chung ngăn với những thứ khác như tài liệu, bút viết, đồ chơi, laptop… làm chúng va vào nhau trong quá trình mình di chuyển.

Sau đó mình có mua cái balo nhiều ngăn hơn để phân ra riêng hết nhưng mà chỉ hết được vụ trầy xước thôi, vẫn bị bóng và mòn cạnh do cọ sát với balo như thường. Cái này thì phải chịu thôi, anh em có thể hạn chế bằng cách cho từng món gear vào một ngăn riêng trong balo, và không gian của ngăn đó càng vừa vặn với chúng càng tốt để ít bị xóc qua xóc lại khi di chuyển.

Đối với bàn phím thì anh em có thể mua túi đựng bàn phím, còn tai nghe thì cũng có một số mẫu có hộp chống sốc, chống trầy xước nhưng mà hầu hết là bên audio và giá khá chát chứ không phải như tai nghe gaming. Chuột thì anh em nếu kỹ có thể cho vào cái khăn lông lau mặt rồi ném vào balo cũng được, nhưng mà đừng làm vậy vì người khác nhìn kỳ lắm, cho nó vào ngăn nhỏ nhất được rồi.

Đập đồ khi thua game

Thường thì bàn phím là thứ chịu trận đầu tiên, cào vài cái, sau đó đến đập chuột cộp cộp rồi giật tai nghe ra quăng. Đừng nha anh em, dù gì gaming gear cũng là tiền do mình cực khổ làm ra (hoặc ba mẹ mình cực khổ làm ra) nên mỗi khi định ngược đãi nó, hãy nhớ khi có được nó chúng ta đã vui như thế nào. Đập đồ thì đồ sẽ hỏng hoặc ít nhất là cũng xuống cấp, mà hỏng thì lại tốn tiền.

Gaming gear, không có tội, thằng có tội nó ngồi ở màn hình bên kia kìa. Nếu nó là đồng đội thì anh em có thể chửi nó có bỏ ghét, nếu nó là địch thì anh em camp mà giết nó. Còn nếu bắt buộc phải đập phá thứ gì đó thì cứ như mình, mình toàn đấm bàn thôi. Mà bàn mình mặt gỗ 25mm mặc sức mà đấm. Anh em có muốn xả giận thì sắm cái bàn cứng một chút tha hồ xả nhé

Không chịu dùng pad chuột

Tương tự như cái tai nghe, feed chuột không được thiết kế để anh em có thể thoải mái mài nó dưới mặt bàn. Thế nên nếu anh em trân trọng con chuột của mình, thì hãy kiếm cho nó một cái pad chuột tử tế. Để dưới mặt bàn không chỉ làm mòn feet chuột nhanh hơn mà còn làm sốc các linh kiện trong con chuột nhiều hơn khi nhấc lên đặt xuống nữa.

Tổng hợp những thói quen đang giết chết gaming gear của bạn - 3
Pad chuột hàng chợ cỡ siêu bự bằng cả cái bàn thì tầm 100K là có, và dù nó có dỏm thì cũng ngon hơn anh em dùng mặt bàn nhiều. Đối với pad xịn của các hãng gear lớn thì nó còn được tối ưu để anh em có các giác di chuột tốt hơn nữa. Nhiều loại nhiều size, nhiều kiểu bề mặt di chuột và nhiều mẫu mã để lựa chọn. Mà anh em cũng nhớ vệ sinh bề mặt pad chuột thường xuyên nhé, cát mà nó dính trên đó thì bào feet thôi rồi luôn.

Duy Anh (Nguoiduatin.vn)