Công nghệ

Thật mỉa mai khi Google muốn... chữa tình trạng nghiện điện thoại của chúng ta

Google đã giúp chúng ta gắn chặt với công nghệ, và giờ nó muốn kéo chúng ta ra - bằng cách sử dụng nhiều công nghệ hơn. Đó phải chăng là vì mục đích kinh doanh chứ chẳng phải vì sự an toàn của khách hàng?

Thật mỉa mai khi Google muốn... chữa tình trạng nghiện điện thoại của chúng ta

Bạn lo lắng về hàng giờ liền vuốt điện thoại, chìm vào nỗi tuyệt vọng, nhìn chằm chằm vào các Instagrammer quyến rũ đứng dựa những cây cọ trong khi bạn thì đang cố lê thân ra khỏi giương?

Bạn không cần lo lắng nữa, vì trợ giúp đang đến. Và nó đến từ... Google. Bạn không nghe nhầm đâu. Google đang tìm cách cải thiện "hạnh phúc số" của chúng ta bằng cách khiến điện thoại trở nên kém hấp dẫn hơn. Phiên bản mới nhất của hệ điều hành Android của hãng bao gồm một loạt các tính năng với mục tiêu giữ chúng ta cách xa điện thoại của mình.

Trong số rất nhiều thứ mới, có một ứng dụng tên là "dashboard" với khả năng cho bạn biết bạn sử dụng điện thoại ra sao và thường xuyên như thế nào. Nó sẽ cho phép bạn đặt các giới hạn thời gian thông qua một trình hẹn giờ, và phát ra cảnh báo khi bạn dùng điện thoại quá lâu.

Google đang làm điều mà họ luôn làm: cố gắng trở thành giải pháp cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Nó đã muốn là thư viện, bách khoa toàn thư, từ điển, bàn đồ, người định hướng, ví, nhân viên thư tín, lịch, báo, và bây giờ là nhà trị liệu. Nó muốn chúng ta tin rằng nó đứng về phía chúng ta.

Thật đáng nghi ngờ khi Google triển khai nhiều công nghệ hơn để sử dụng ít công nghệ hơn (?!) Và thật mỉa mai khi một công ty đã góp phần vào chứng nghiện điện thoại của chúng ta, lại nói với chính chúng ta rằng nó đang nắm giữ chiếc chìa khóa giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Một mũi tên bắn trúng hai đích: vừa PR hoàn hảo, vừa đánh phủ đầu bất kỳ chỉ trích nào về sự vô trách nhiệm của công ty trong tương lai.

Google có lẽ là thương hiệu có giá trị nhất thế giới, nhưng hãng cũng thường xuyên chống chọi với vô số chỉ trích về các vấn đề như quyền riêng tư, minh bạch tìm kiếm, và thuế. Giữa một thời kỳ mới của chủ nghĩa hoài nghi về những hành động coi thường quyền riêng tư của những ông lớn ở Thung lũng Silicon, cũng như lo ngại về tác hại tiềm tàng của công nghệ tới sức khoẻ tinh thần của chúng ta, thì động thái của Google chẳng khác gì một nỗ lực kinh điển để đón đầu trò chơi. Mọi người không còn muốn một sự cân bằng giữa cuộc sống - công việc nữa, họ muốn sự cân bằng giữa cuộc sống - công nghệ. Và Google sẽ là người trợ giúp.

Thật mỉa mai khi Google muốn... chữa tình trạng nghiện điện thoại của chúng ta - 1

"70% mọi người muốn có thêm sự trợ giúp để đạt được sự cân bằng này" - Sameer Samat, phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Google cho biết. Do đó, hành động của Google có vẻ như đang làm theo ý chí của mọi người, một bước đi thông minh đối với một công ty có đến hơn một tỷ người dùng dù chỉ mới xét riêng bộ máy tìm kiếm của nó mà thôi.

Vấn đề ở đây là trong khi Google tuyên bố biết rõ những nguy hiểm của việc công nghệ đang ngày một kiểm soát cuộc sống của chúng ta, nó lại tìm thêm nhiều phương thức mới để... công nghệ có thể kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Tại I/O 2018, công ty này đã vén màn một thứ khác: một Google Assistant mới như bước ra từ phim khoa học viên tưởng, một loại AI có thể gọi điện thoại thay cho con người!

Cả khán phòng gồm toàn những fan công nghệ đã theo dõi màn trình diễn này với sự thích thú không hề che giấu, khi mà CEO Google Sundar Pichai trình diễn Google Assistant đặt lịch làm tóc qua điện thoại. Khoảnh khắc khiến họ ồ lên là khi "cô trợ lý" này phát ra tiếng "mmm-hmm" (ừmmmm...) ngay giữa cuộc gọi. Pichai nói với mọi người rằng, "điều tuyệt vời ở đây là Assistant có thể thực sự hiểu được các sắc thái của cuộc trò chuyện". Hãng cũng giới thiệu Google Lens, một công cụ tìm kiếm trực quan với khả năng tìm kiếm các thông tin liên quan các vật thể xung quanh bạn, và cũng biểu diễn một màn demo khác, trong đó Google Lens xác định được mọi thứ trong căn hộ, thậm chí cả lời tựa của một tiểu thuyết của tác giả Zadie Smith!

Rõ ràng, Google đã sẵn sàng để giúp chúng ta "dứt bỏ" chứng nghiện điện thoại, bởi công nghệ bây giờ không còn gói gọn trong điện thoại và laptop nữa rồi. Phần thưởng tuyệt đối của Google là nó đã can thiệp vào mọi khía cạnh của cuộc đời bạn. Giống như một bậc phụ huynh chăm con thái quá, nó muốn bạn ngồi xuống và thả lỏng, bởi nó sẽ làm mọi thứ cho bạn, kể cả gọi điện cho thợ làm tóc. Nó muốn biết mọi thứ về bạn. Nó muốn, theo nghĩa đen, nằm ngay bên trong tròng mắt của bạn. Và nó sẽ bán cho bạn điều đó, giống như cách nó bán mọi thứ khác: trong khi chúng ta chẳng hề hay biết gì. Nó sẽ khiến mọi thứ tiện lợi đến mức bạn sẽ tự hỏi "làm thế quái nào chúng ta sống được nếu không có nó đây?"

Nhân danh sự tiện lợi, Google không chỉ âm thầm gặm nhấm dữ liệu của chúng ta, nó còn đang làm xói mòn nhân tính độc nhất của chúng ta. Chúng ta cần một khoảng ngắt. Công nghệ đã và đang tiến hoá nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta cần hỏi Google những coi hỏi lớn hơn là "Bạn có thể đặt lịch làm tóc cho tôi không?". Những câu hỏi như: nếu công nghệ có thể làm mọi thứ chúng ta có thể làm, thì chúng ta có ý nghĩa gì?

Theo Minh.T.T (Vnreview.vn)