Công nghệ

'Sắc thái' của bộ tứ CEO công nghệ khi điều trần

CEO Facebook dùng camera góc rộng quay sát gương mặt để che khuyết điểm về tay, trong khi CEO Amazon ăn vặt trong khi đợi được hỏi.

Mark Zuckerberg của Facebook, Jeff Bezos của Amazon, Tim Cook của Apple và Sundar Pichai của Alphabet (công ty mẹ của Google) đã có phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 29/7 (rạng sáng ngày 30/7 giờ Việt Nam) theo hình thức trực tuyến. Phiên điều trần đã diễn ra trong hơn 6 giờ đồng hồ.

Mở đầu buổi điều trần, chủ tọa David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, yêu cầu cả bốn CEO giơ tay tuyên thệ rằng, những phát biểu sắp đưa ra đều là sự thật.

'Sắc thái' của bộ tứ CEO công nghệ khi điều trần
Bốn CEO công nghệ Mỹ tại phiên điều trần. Ảnh: Reuters.

Cả bốn CEO đều ngồi trong phòng riêng với camera và micro để họp trực tuyến. Sundar Pichai của Google được Washington Post đánh giá chỉn chu hơn cả. Ông xuất hiện với bộ vest xám đen thanh lịch, cà vạt cùng màu và phía sau là phông nền và các đồ vật được sắp xếp chỉn chu. Ông ngồi xa ống kính với tư thế thoải mái. Khi nói, CEO Google không quá mạnh mẽ nhưng vẫn gây chú ý, có xu hướng giơ các ngón tay lên nếu gặp câu hỏi khó.

Trong khi đó, Bezos của Amazon ngồi trước một kệ sách màu mật ong, nhưng mọi thứ phía sau hơi lệch, đồng thời căn phòng bị ám vàng khiến khuôn mặt tỷ phú này không được tươi vui.

Tim Cook của Apple chọn nền trung tính, được tô điểm bởi một hàng cây xanh phía sau. Riêng Zuckerberg ngồi trong căn phòng có nền trắng đơn giản nhưng ánh sáng mạnh, đến nỗi Washington Post ví rằng trông như thể CEO Facebook đang trả lời chất vấn "từ bên trong lò phản ứng hạt nhân".

Trong quá trình trả lời, biểu cảm của mỗi người cũng không giống nhau. "Việc ngồi ở nhà điều trần thay vì đến tòa nhà Quốc hội là lợi thế để che đi khuyết điểm của bốn CEO công nghệ", Washington Post nhận xét.

Bắt đầu buổi điều trần, các CEO nói về những gì họ đã trải qua. Trong lần đầu xuất hiện trước Quốc hội Mỹ, Bezos khiêm tốn giới thiệu mình như một ví dụ may mắn về sự thành công của nền dân chủ Mỹ. Ông bắt đầu với câu chuyện về tuổi thơ sóng gió, sau đó khẳng định sự tăng trưởng của Amazon mang lại lợi ích cho người Mỹ và thành công của mình đến từ sự nhạy bén và tôn chỉ nhất quán trong việc phục vụ khách hàng.

Bezos cũng là người trả lời câu hỏi đầu tiên, sau đó đợi gần hai giờ "ngồi chơi xơi nước" và ăn bánh. Các câu hỏi dành cho tỷ phú giàu nhất hành tinh được đánh giá không quá khó, giúp ông giữ được sự điềm tĩnh.

Trong khi đó, CEO Google thường xuyên phải xin trả lời sau khi gặp các câu hỏi khó nhằn từ phía các nghị sĩ. Ông một phần tỏ ra lúng túng dù không phải là lần đầu bị điều trần.

Chủ tọa Cicilline yêu cầu tất cả phải trả lời trung thực và không được dựa vào nội dung cung cấp bởi các trợ lý phía sau hậu trường. Tuy nhiên, trước những câu hỏi khó, Pichai liên tục nhìn về phía trái camera trong lúc chuẩn bị đưa ra câu trả lời. Theo Politico, điều đó cho thấy ông có thể đang nhìn vào màn hình phụ để tham khảo nội dung từ trợ lý.

Đối với Zuckerberg, ông vẫn có thói quen liên tục uống nước các trong phiên điều trần và lần này cũng không ngoại lệ. Khác với ba CEO còn lại, ông sử dụng camera cận cảnh hơn, che đôi bàn tay lúng túng - điểm yếu mà CEO Facebook thường bộc lộ mỗi khi gặp câu hỏi khó. Thực tế, Zuckerberg trả lời trơn tru các câu hỏi, nhìn thẳng vào camera và thậm chí không đảo mắt. Dù vậy, khuôn mặt của ông vẫn bị nhận xét là "lập dị" do quá trắng.

CEO Apple Tim Cook được đánh giá là thoải mái hơn cả, khi số câu hỏi nhằm vào công ty ông không nhiều. Vấn đề các nghị sĩ thắc mắc chủ yếu liên quan đến chính sách App Store cho các nhà phát triển và một số vấn đề liên quan đến sản phẩm của hãng.

Trong buổi điều trần, các CEO được khuyến khích dùng ứng dụng gọi video WebEx của Cisco thay vì một trong các phần mềm do bốn công ty này phát triển. Tuy nhiên, hệ thống này thi thoảng gặp trục trặc. Bezos đã ngồi không hơn một giờ đồng hồ và khi đến phiên ông trả lời, hệ thống lại gặp sự cố. Khi hình ảnh được kết nối trở lại, cả khán phòng và người xem trực tuyến thấy ông đang ăn bánh.

Trên Twitter, không ít người theo dõi sự kiện than phiền rằng hình ảnh quá nhỏ, quá mờ, chất lượng kém, âm thanh không rõ ràng... Thậm chí, có người còn chế giễu, đòi "đuổi" đội ngũ kỹ thuật phục vụ phiên điều trần.

Ngoài ra, không ít ý kiến trên mạng xã hội chỉ trích các nhà lập pháp có mặt tại buổi điều trần về vấn đề khẩu trang. Đa phần những người này đều đeo khi ngồi không, nhưng lại cởi ra khi đặt câu hỏi.

Theo đại diện Hội đồng chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, phiên điều trần đã thu được một số kết quả nhất định. "Những gì chúng tôi nghe từ các nhân chứng tại phiên điều trần đã xác nhận bằng chứng mà chúng tôi thu thập được trong năm qua", Cicilline nói với Reuters.

Cicilline đã "làm nóng" buổi điều trần với cáo buộc Google trộm cắp. "Tại sao Google ăn cắp nội dung từ các doanh nghiệp làm ăn chân chính?", ông đặt câu hỏi. Nghị sĩ này lấy ví dụ Google đã đánh cắp các kết quả đánh giá từ nền tảng đánh giá địa điểm Yelp và dọa sẽ không cho nội dung từ công ty này hiển thị lên kết quả tìm kiếm nếu phản đối.

Pichai đáp trả một cách mơ hồ. Ông liên tục nói sẽ tìm hiểu vấn đề và trả lời lại sau. Đối với nội dung do Cicilline cáo buộc, ông không đồng tình và "muốn biết chi tiết cụ thể lời buộc tội".

Nghị sĩ Jim Jordan của đảng Cộng hòa lại cáo buộc Google cản trở những người bảo thủ tiếp cận người ủng hộ họ. Chẳng hạn, ông cho rằng Google đang ủng hộ ứng viên Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới. Đáp lại, Pichai khẳng định nền tảng của ông hoạt động theo tinh thần "phi đảng phái".

Zuckerberg cũng nhận lượng câu hỏi nhiều không kém Pichai, chủ yếu về việc Facebook mua Instagram năm 2012. Trong số đó, có chất vấn rằng liệu có phải Facebook muốn thâu tóm Instagram vì nhận ra đây là "mối đe dọa tiềm tàng" hay không. Đáp lại, Zuckerberg nói Instagram khi đó mới là một ứng dụng chia sẻ ảnh nhỏ, hơn là một hiện tượng truyền thông xã hội.

Nghị sĩ Pramila Jayapal của đảng Dân hỏi Facebook có sao chép các tính năng của đối thủ hay không. Đáp lại, Zuckerberg nói: "Tôi không biết".

Trong khi đó, Bezos được hỏi những câu "nhẹ nhàng" hơn. "Amazon có sử dụng dữ liệu từ người bán bên thứ ba để đưa ra quyết định kinh doanh hay không?", Jayapal chất vấn. Đáp lại, Bezos cho biết công ty có chính sách cấm sử dụng dữ liệu thu được để phục vụ mục đích kinh doanh riêng, dù không thể đảm bảo nhân viên không vi phạm.

Bezos từng "thề" sẽ luôn trả lời trung thực, nhưng các bài điều tra của báo chí sau đó cho thấy không ít lần ông không nói thật. Theo Reuters, lần này ông chủ Amazon có vẻ thận trọng hơn. Tỷ phú giàu nhất hành tinh nói Amazon sẽ chống lại các hành động như vậy và "nếu ai đó vi phạm, công ty sẽ có biện pháp trừng phạt".

Với Cook, các nghị sĩ tập trung vào đơn khiếu nại của các nhà phát triển. Trong đó, không ít người tố Apple áp đặt những quy định khắc nghiệt, chẳng hạn phải đóng phí lên đến 15-30% doanh thu nếu muốn ứng dụng có mặt trên App Store.

Cook bác bỏ: "Tôi không đồng ý với điều đó. Các nhà phát triển có thể viết ứng dụng cho Android, Windows, Xbox hoặc PlayStation. Chúng tôi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ cả phía nhà phát triển lẫn phía khác hàng. Về cơ bản tính cạnh tranh rất cao, tôi nghĩ nó như một cuộc chiến đường phố vậy".

Theo một trợ lý của Hội đồng chống độc quyền Hạ viện Mỹ, báo cáo chi tiết về các cáo buộc chống độc quyền đối với Apple, Facebook, Amazon và Alphabet cùng với khuyến nghị về cách chế ngự sức mạnh của bốn công ty này sẽ được công bố cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu.

Theo Bảo Lâm (VnExpress.net)




https://vnexpress.net/sac-thai-cua-bo-tu-ceo-cong-nghe-khi-dieu-tran-4138421.html