Công nghệ

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19

Lợi dụng dịch COVID-19, các đối tượng xấu gửi tin nhắn lừa đảo đến các chủ thuê bao, yêu cầu họ đăng nhập tên và mật khẩu ngân hàng để được hưởng tiền trợ cấp.

Đây là một hình thức lừa đảo tuy không mới nhưng cực kỳ đáng lên án bởi đối tượng mà kẻ xấu nhắm vào lại là những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cần tới trợ cấp từ Chính phủ. Thông qua tin nhắn SMS, kẻ xấu cho biết chủ thuê bao đã đủ điều kiện nhận trợ cấp từ Chính phủ và gửi kèm một đường link để đăng ký.

Lừa đăng ký nhận trợ cấp để chiếm đoạt tài sản

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19
Đoạn tin nhắn lừa đảo được gửi tới số điện thoại của người dân (Ảnh: H.P.N.)

"Bộ Y tế xin thông báo: Bạn đã đủ điều kiện đăng ky xin trợ cấp. Vui lòng hoàn thành thủ tục đăng ky trực tuyến ngay bay giờ. Thời hạn đến 17:30 hôm nay.

(Kèm link đăng ký)", nội dung tin nhắn mà anh H.P.N. ở Hà Nội vừa nhận được.

Khi click vào đường link đính kèm trong tin nhắn, anh H.P.N. được chuyển tới một trang web giả mạo thông tin của Bộ y tế, giao diện rất giống với website của bộ. Tại đây, người dùng được yêu cầu nhập các thông tin cá nhân (mà theo các đối tượng lừa đảo là để đăng ký nhận trợ cấp), đặc biệt có yêu cầu cả tên đăng nhập và mật khẩu truy cập internet banking.

Một khi người dùng nhập đầy đủ các thông tin được yêu cầu tại website giả mạo này, các đối tượng sẽ sử dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. 

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19 - 1

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19 - 2

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19 - 3
Trang web giả mạo Bộ Y tế để lừa đảo (Ảnh: H.P.N.)

Dấu hiệu nhận biết

Từ vụ việc trên, người dân cần lưu ý những điểm sau để tránh bị lừa đảo:

1. Các tổ chức của Chính phủ, các bộ, ban, ngành một khi nhắn tin tới người dân đều hiển thị tên chứ không phải số điện thoại thông thường (Ví dụ: Chính phủ, Bộ Y tế...)

2. Các website của các cơ quan, tổ chức nhà nước đều có "đuôi" là ".gov".

3. Không có bất cứ tổ chức, đơn vị minh bạch nào bao gồm cả ngân hàng yêu cầu tên đăng nhập, mật khẩu internet banking và OTP của bạn. Khi bạn được yêu cầu làm việc này, nghĩa là bạn đang có nguy cơ bị lừa đảo.

4. Các trường hợp được nhận trợ cấp của Chính phủ, của các tỉnh, thành phố do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đều được lập danh sách, đăng ký thông qua các đơn vị hành chính cấp phường, quận... Không thực hiện qua hình thức trực tuyến.

Những thủ đoạn này tuy không mới, nhưng với sự giả mạo tinh vi như ở trên, những người hiện đang gặp khó khăn vì dịch sẽ rất dễ bị đánh lừa.

Người dân cần tự nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình và người thân

Trước đó, đã có rất nhiều đối tượng lợi dụng dịch COVID-19 để kiếm chác bằng những thủ đoạn tinh vi. Như giả mạo danh là nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về cập nhật tình hình lây nhiễm của COVID-19.

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19 - 4
Một số đường link ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro lan truyền nhanh và rộng tới người dùng Việt Nam hòng lừa đảo lấy thông tin cá nhân.

Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.

Cùng với đó, lợi dụng tâm lý hoảng loạn lo sợ lây nhiễm COVID-19, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virút như vắc-xin để lừa nạn nhân hoặc tuyên truyền các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng.

Phẫn nộ: Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn nhắm vào những người khó khăn, cần tới trợ cấp vì dịch COVID-19 - 5
Caption

 

Các đối tượng lừa đảo còn lập nên các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như đã thỏa thuận.

Các nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ như mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng cũng được các đối tượng xấu áp dụng để lừa đảo người dùng..., rồi xâm nhập hệ thống thông tin cá nhân của họ.

Mọi người cần cảnh giác, tỉnh táo khi tiếp cận thông tin. Không nên tin tưởng thông tin từ các trang web không chính thức.

Tránh xa các địa chỉ trang web hoặc địa chỉ email mà KHÔNG kết thúc bằng .gov. Đồng thời, báo ngay sự việc cho cơ quan chức năng sở tại.

Theo Minh Khôi (Nhịp Sống Việt)




http://nhipsongviet.toquoc.vn/phan-no-xuat-hien-thu-doan-lua-dao-qua-tin-nhan-nham-vao-nhung-nguoi-kho-khan-can-toi-tro-cap-vi-dich-covid-19-222021297173345944.htm