Công nghệ

Meta đang đối mặt với những khó khăn gì?

Meta đang phải vật lộn với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng mà chưa có lối thoát, dù vẫn là một trong những công ty quyền lực nhất thế giới.

Giá trị cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook, giảm hơn 50% trong một năm qua. Công ty cũng thừa nhận doanh thu và lợi nhận đi xuống trong quý II/2022. CEO Mark Zuckerberg cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình suy thoái kinh tế dẫn tới giảm chi tiêu cho quảng cáo trên mạng.

Tuy nhiên, theo New York Times, lý do chính dẫn tới sự tuột dốc của Meta bắt nguồn từ bốn vấn đề lớn mà công ty đang đối mặt và chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Tính sáng tạo

"Meta dường như không còn biết cách tạo ra các yếu tố mới lạ và thành công. Những sản phẩm nổi bật nhất của họ như Instagram và WhatsApp, cùng hàng loạt tính năng được dùng thường xuyên nhất như Stories đều được sáng tạo ở nơi khác. Facebook sở hữu chúng bằng cách mua lại hoặc ngang nhiên sao chép", nhà báo Mỹ Farhad Manjoo nhận xét.

Việc này khác xa 10 năm đầu tiên của Facebook, khi họ biến đổi hoàn toàn truyền thông xã hội. Tính năng đặc biệt nhất mà Facebook sáng tạo khi đó là News Feed, giúp người dùng không phải tìm kiếm tài khoản bạn bè để cập nhật bài đăng của họ. Facebook đã trở nên kém sáng tạo hơn nhiều kể từ khi IPO vào năm 2012.

Meta đang đối mặt với những khó khăn gì?

Độ tuổi của người dùng

Giới trẻ hiện ưu tiên tìm đến những nền tảng mạng xã hội mới mẻ. Họ cho rằng Facebook dành cho người lớn tuổi, hạn chế đáng kể khả năng phát triển người dùng. Không ít người trẻ dùng Instagram, một trong các sản phẩm chủ lực của Meta, nhưng mạng xã hội này cũng phải chật vật để theo kịp đối thủ.

"TikTok đang áp đảo hoàn toàn Instagram cả về số lượng người dùng và mức độ ảnh hưởng văn hóa. Các nhà quảng cáo luôn muốn hiện diện ở nơi có đông đảo người trẻ. Ngay cả khi Meta tìm cách sao chép những tính năng thành công nhất của TikTok và nhồi nhét vào Reels, họ vẫn phải hứng chịu sự phản ứng của người dùng trước các thay đổi bất thường", New York Times nhận xét.

Kylie Jenner, có 361 triệu người theo dõi trên Instagram, hồi tháng trước kêu gọi trả lại những yếu tố cốt lõi và làm nên mạng xã hội này, mở đầu phong trào phản đối Instagram.

Metaverse

Zuckerberg tin tưởng metaverse, thế giới dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR), sẽ trở thành tương lai của Internet đến mức đổi tên công ty.

"Đã gần một năm từ khi Facebook đổi thương hiệu thành Meta và công bố nỗ lực thúc đẩy metaverse, nhưng không có nhiều chiến thắng rõ ràng. VR vẫn kén người dùng và không rõ lưu lượng sử dụng các ứng dụng như Horizon Worlds là bao nhiêu", Kevin nói.

Vũ trụ ảo Horizon Worlds của Meta bị người dùng phàn nàn ngay từ khi ra mắt vì chất lượng đồ họa thua cả game từ năm 1989. Vài ngày sau, Zuckerberg phải lên tiếng thanh minh đồ họa trong Horizon sẽ đẹp hơn thế nhiều và Horizon đang nỗ lực để cải thiện các vấn đề.

Điểm tích cực với Meta là họ đã bán được hơn 10 triệu bộ kính VR, cho thấy lượng người dùng vẫn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, chưa rõ liệu VR có đủ sức thu hút thị trường như mạng xã hội trước đây hay không.

Chống độc quyền

Những người ủng hộ Meta cho rằng khó khăn gần đây của công ty cho thấy nó không phải thế lực kiểm soát toàn bộ thị trường như nhiều ý kiến trái chiều trước đó, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ nới lỏng những biện pháp kiểm soát doanh nghiệp này.

Quan điểm này bị nhiều người phản đối, khi cho rằng Meta ít thống trị hơn là nhờ quan điểm cứng rắn, chống những thương vụ sáp nhập được chính quyền cựu tổng thống Donald Trump và Tổng thống Mỹ Joe Biden áp dụng.

"Nếu Mark Zuckerberg có thể đổ tiền để giải quyết các vấn đề như cách mua lại Instagram năm 2012, chắc chắn ông ta sẽ làm vậy. Nhưng các nhà quản lý sẽ không để điều đó xảy ra. Thật mỉa mai khi Facebook thống trị thị trường bằng các hành động chống cạnh tranh suốt nhiều năm và giờ đây lại khiến Meta mất lợi thế", Kevin nhận xét.

Theo Như Khánh (Saostar.vn)




https://saostar.vn/cong-nghe/meta-dang-doi-mat-voi-nhung-kho-khan-gi-202208270804510156.html