Công nghệ

Mark Zuckerberg từ chối điều trần trực tiếp trước Nghị viện Anh

Thay vào đó, CEO Facebook muốn cử một lãnh đạo cao cấp khác của công ty đến tham dự cuộc điều trần này.

Mark Zuckerberg đã từ chối xuất hiện trực tiếp trước Nghị viện Anh để lý giải về vai trò của công ty này trong vụ bê bối liên quan đến việc Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng để làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Thay vào đó, ông muốn cử một lãnh đạo cao cấp khác đi thay, theo Business Insider.

Mark Zuckerberg từ chối điều trần trực tiếp trước Nghị viện Anh
Mark Zuckerberg vướng phải rắc rối lớn nhất từ trước đến nay sau scandal lộ thông tin của 50 triệu người dùng. Ảnh: Business Insider.

Rebecca Simon - Giám đốc chính sách công chúng của Facebook tại Anh - là người trả lời cuộc gọi từ nghị sĩ Đảng Bảo thủ Damian Collins, khẳng định điều này.

Trong lá thư gửi đến ông Collins, bà này viết: “Facebook nhận thức đầy đủ mức độ quan tâm của công chúng và Nghị viện về vấn đề này và ủng hộ quan điểm cho rằng vấn đề cần phải được giải quyết ở cấp lãnh đạo cao nhất của công ty bởi những người có thẩm quyền để trả lời thắc mắc của ngài. Do đó, ông Zuckerberg đã yêu cầu một trong những Phó chủ tịch của ông ấy có mặt để giải thích với Hội đồng”.

Vị Phó chủ tịch được nhắc đến ở đây có thể là một trong 2 lãnh đạo lâu năm của Facebook: Phó chủ tịch phụ trách công nghệ Mike Schroepfer hoặc Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm Chris Cox.

Collin trả lời lá thư của Facebook trong một phát biểu hôm nay (27/3). Ông nói “chúng tôi rất mong muốn được gặp ông Zuckerberg” nhưng khẳng định Hội đồng “vẫn rất hạnh phúc được mời ông Cox đến gặp mặt”.

Ông nói thêm: “Có rất nhiều câu hỏi cần trả lời từ Facebook, thứ mà lãnh đạo của họ chưa đưa ra trong các lần xuất hiện trước Hội đồng. Với chức vụ là Phó chủ tịch của Mark Zuckerberg, chúng tôi hy vọng Chris Cox có đủ thẩm quyền và trách nhiệm để trả lời những câu hỏi đó”.

Mark Zuckerberg từ chối điều trần trực tiếp trước Nghị viện Anh - 1
Tóm lược sự việc dẫn đến scandal của Facebook. Đồ họa: Nhân Lê.

“Với mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chúng tôi vẫn tin rằng Mark Zuckerberg là người phù hợp để điều trần và muốn ông ta xác nhận nếu ông ta có thể xuất hiện trước Hội đồng. Ông ta mở đầu các bài phỏng vấn rằng nếu ông ta là người phù hợp để xuất hiện, ông ta sẽ xuất hiện. Chúng tôi nghĩ ông ta là người phù hợp và vẫn chờ đợi tin tức từ ông ta”, nghị sĩ Damian Collins nói thêm.

Theo đại diện Facebook ở Anh, cả 2 vị Phó chủ tịch Facebook đều sẵn sàng điều trần, sau đó báo cáo trực tiếp cho Zuckerberg.

Hôm qua, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng công bố sẽ điều tra Facebook sau vụ bê bối để lộ thông tin của người dùng này. Giá cổ phiếu của hãng tiếp tục giảm 5% sau khi FTC xác nhận vụ việc. Tính từ thời điểm vụ việc bùng phát, giá trị vốn hóa của công ty đã bị thổi bay 75 tỷ USD, bản thân Mark Zuckerberg cũng thiệt hại 10 tỷ USD.

Trong khi đó, phong trào tẩy chay mạng xã hội này đang lên cao hơn bao giờ hết với hashtag @deletefacebook. Elon Musk - CEO của Tesla và SpaceX - là người nổi tiếng mới nhất ủng hộ trào lưu này. Ông đã xóa bỏ fanpage của cả 2 công ty, với tổng cộng 2,6 triệu người theo dõi.

Bản thân Mark Zuckerberg đã phải xuất hiện trên các mặt báo, gửi lời xin lỗi tới người dùng Facebook. Công ty này sau đó còn mua bài đăng nguyên trang trên nhiều tờ báo giấy của Mỹ và Anh để đăng thông tin xin lỗi, điều gần như chưa từng xuất hiện trong lịch sử công ty.

Theo Thành Duy (Tri Thức Trực Tuyến)