Công nghệ

Màn hình dẻo cuộn được sẽ là xu hướng thiết kế điện thoại của tương lai

Tại CES 2021, đã có hai công ty giới thiệu đến người xem những concept điện thoại màn hình cuộn. Và theo nhiều nhận định, loại thiết bị này sẽ bùng nổ trong năm nay.

Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà thiết kế smartphone đã trung thành với những thiết bị dạng tấm chữ nhật. Gần đây, họ bắt đầu thử nghiệm những dạng máy mới, khác lạ hơn. Chúng ta đã thấy sự xuất hiện của những mẫu smartphone với đủ kích cỡ. Năm ngoái, Samsung và Motorola tung ra những chiếc điện thoại gập hình vỏ sò, mà khi mở ra sẽ trông như những chiếc smartphone bình thường. Kể cả Microsoft cũng bị cuốn theo trào lưu với Surface Duo, một chiếc điện thoại hình cuốn sách với hai màn hình kết nối với nhau thông qua một bản lề chạy dọc ở chính giữa.

Và đầu năm 2021, một xu hướng thiết kế điện thoại mới đang dần định hình: những thiết bị với màn hình dẻo, có thể cuộn ra để trở nên lớn hơn. Tuần qua, tại CES 2021, TCL và LG đều vén màn những mẫu điện thoại concept như vậy.

Chính xác thì "cuộn" là gì? Hình dạng thiết bị có thể khác nhau, nhưng chúng đều có khả năng mở rộng màn hình bằng cách kéo theo chiều dọc hoặc chiều ngang để tăng diện tích hiển thị. Hãy hình dung điều này giống như bạn lấy màng bọc thực phẩm ra khỏi hộp của nó vậy. Đó chính là thứ TCL và LG đã giới thiệu. Thiết kế này có nhiều lợi ích. Không như điện thoại màn hình gập, vốn khá dày khi ở trạng thái đóng bởi các màn hình lúc này sẽ nằm đè lên nhau, điện thoại cuộn có thể khá mỏng. Một chiếc điện thoại siêu gọn nhẹ với màn hình cuộn có thể tăng kích cỡ lên ngang ngửa một chiếc smartphone truyền thống và sau đó thu nhỏ lại chỉ với một thao tác đẩy hoặc kéo nhẹ bằng hai tay.

Thời đại của màn hình cuộn

Màn hình dẻo cuộn được sẽ là xu hướng thiết kế điện thoại của tương lai
Concept điện thoại màn hình cuộn của TCL

Màn hình cuộn trên thực tế đã được phát triển trong nhiều năm, nhưng chỉ lộ diện ở thời điểm mà doanh số smartphone đang trên đà suy giảm. Một phần của lý do có lẽ là sự thiếu vắng những nâng cấp phần cứng có ý nghĩa qua từng năm, chưa kể người tiêu dùng hiện nay đang giữ điện thoại lâu hơn trước. Để đối phó với sự trì trệ này, các nhà sản xuất điện thoại phải tìm ra những cách để khiến bạn hào hứng mua điện thoại mới, và thử nghiệm công nghệ màn hình mới có vẻ là giải pháp hợp lý. LG từng khẳng định điều đó trong buổi giới thiệu dự án Explorer hồi cuối năm ngoái, một sáng kiến nhằm "khám phá những ý tưởng sử dụng mới mẻ trong một nỗ lực nhằm mở rộng ngành công nghiệp di động".

"Chúng tôi tin 100% rằng tất cả những công nghệ màn hình mới này - gập, dẻo, uốn, cuộn - đều mang tính cải tiến cao" - Stefan Streit, tổng giám đốc tiếp thị toàn cầu của TCL nói. "Nếu bạn nhìn lại 10 hay 12 năm qua, chúng ta đều sử dụng những chiếc điện thoại giống nhau; form factor (hình thái thiết bị) không hề thay đổi. Người tiêu dùng muốn có màn hình lớn nhất có thể với một form factor nhỏ nhất có thể, nhưng màn hình cố định có nhiều hạn chế".

Rào cản lớn nhất trong việc phổ biến những mẫu điện thoại với thiết kế mới là mức giá cao của chúng. ĐIện thoại màn hình gập đầu tiên của Samsung, ra mắt năm 2019, có giá 1.980 USD. Chiếc Z Flip năm ngoái có giá 1.380 USD, và Surface Duo của Microsoft thì có giá 1.400 USD. Tuy nhiên, những công nghệ này sẽ bắt đầu tiếp cận được nhiều người hơn trong năm nay, theo nhà phân tích công nghiệp Patrick Moorhead, nhà sáng lập và chủ tịch Moor Insights & Strategy.

"Có vấn đề về giá cả. Tôi nhận định vấn đề này sẽ giảm bớt trong năm nay" - Moorhead nói. "Nếu một số hãng đưa ra mức giá đột phát để giá khởi điểm còn 1.000 USD, số lượng thiết bị bán ra sẽ tăng lên đáng kể". Moorhead còn kỳ vọng rằng chúng ta sẽ được thấy thêm nhiều thiết kế gập như vậy tại MWC vào tháng 6 (MWC thường diễn ra vào cuối tháng 2 ở Barcelona, nhưng nay bị dời sang tháng 6 vì COVID-19).

Một rào cản khác là độ ổn định. Hầu hết các điện thoại màn hình đơn cao cấp ngày nay có lớp kính bảo vệ siêu bền phía trên màn hình, cùng với chỉ số kháng nước IP68 giúp bảo vệ máy khỏi các tai nạn ngấm nước. Ấy thế mà chiếc Galaxy Fold năm 2019 lại bị "đốn gục" sau khi một đám bụi tìm được đường lọt vào bên trong bản lề máy, khiến Samsung phải trì hoãn ngày bán ra để tinh chỉnh lại cơ chế bản lề. Đó là một cú trượt chân đáng xấu hổ, nhưng mọi thứ đã tiến một đoạn đường khá xa chỉ trong vòng 1 năm.

"Khi Lenovo tung ra Yoga, mất nhiều năm ngành công nghiệp mới tìm ra những giải pháp tốt hơn để giải quyết những vấn đề như bản lề" - Moorhead nói. "Chúng ta thậm chí còn thấy những thay đổi được đưa ra qua từng năm, điển hình là Samsung với phiên bản Fold thứ hai sử dụng cơ chế chổi thay vì bản lề truyền thống như phiên bản trước đó. Có thể đây không phải là vấn đề người dùng quan tâm nhiều, nhưng trong thế giới kỹ thuật cơ khí, điều đó rất quan trọng".

Cơ chế chổi sẽ quét sạch sẽ phần bên trong của bản lề mỗi lần điện thoại đóng hay mở, giúp ngăn bụi lọt vào bên trong Fold 2. Moorhead kỳ vọng những mẫu điện thoại gập năm nay sẽ có độ bền tương tự với những thiết kế tấm chữ nhật mà chúng ta thường thấy. Streit nhắc lại nhận định của Moorhead và nhấn mạnh rằng kỹ thuật cơ khí đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong thiết kế smartphone. "Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp này không cần đến quá nhiều thành phần di chuyển. Điện thoại cuộn sẽ cần phải mang lại một trải nghiệm cơ khí thực sự tốt, có khả năng ngăn bụi lọt vào trong" - ông nói.

TCL cho biết họ dự định tung ra một chiếc điện thoại gập hoặc cuộn trong năm 2021, và LG đã xác nhận rằng LG Rollable sẽ bán ra trong năm nay. Tất cả những điều này không đồng nghĩa trải nghiệm điện thoại màn hình đơn truyền thống sẽ sớm biến mất. Suy cho cùng, Streit nói rằng hiện nay, mọi người vẫn mua điện thoại gập. Ông còn nói rằng đối với TCL, những công nghệ màn hình mới là "một chiến lược lâu dài".

Chờ thời gian trả lời

Màn hình dẻo cuộn được sẽ là xu hướng thiết kế điện thoại của tương lai - 1
LG Rollable

Chúng ta có thể đoán rằng làn sóng thiết bị đầu tiên sở hữu màn hình cuộn sẽ không được trang bị quá nhiều tính năng mới. Nếu không, các nhà sản xuất điện thoại sẽ phải đối mặt với nguy cơ làm người tiêu dùng - những người đã quen thuộc với các thiết kế smartphone truyền thống - bị "choáng".

"Mọi thứ không nên quá điên rồ; đó là những gì chúng tôi hình dung về ý tưởng điện thoại cuộn" - Streit nói. "Nó có độ dày giống một chiếc smartphone thông thường, nó có cùng form factor, thứ mà mọi người có thể sử dụng mỗi ngày. Nhưng khi bạn cần một màn hình lớn hơn, bạn có thể cuộn nó ra, đó là một concept đơn giản và tự nhiên".

Về phần những mẫu smartphone truyền thống với màn hình cứng cố định, đừng kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi. Viền quanh màn hình sẽ mỏng hơn. Màu sắc và các chi tiết sẽ ngày càng táo bạo hơn. Nút bấm và cổng có thể biến mất. Tai thỏ chứa camera trước có thể sẽ biến mất (Năm ngoái, ZTE "khoe" một chiếc điện thoại với camera selfie ẩn dưới màn hình, đặt dấu chấm hết cho những phần khoét màn hình để chứa camera, tuy nhiên chiếc điện thoại này không được chào đón nhiệt tình cho lắm). Nhưng nhìn chung, những chiếc điện thoại dạng tấm chữ nhật sẽ vẫn là một thứ quen thuộc, an toàn, và có thể có phần...nhàm chán.

"Một khi bạn đã quen với tấm kính đó, sẽ chẳng còn gì nhiều thứ làm bạn thấy thú vị. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất có động lực đi tìm một form factor mới đến vậy. Nếu bạn hết lý do để mua thứ gì đó, thì ngành công nghiệp sẽ tạo ra lý do mới".

Theo Tấn Minh (Pháp Luật & Bạn Đọc)

 




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/man-hinh-deo-cuon-duoc-se-la-xu-huong-thiet-ke-dien-thoai-cua-tuong-lai-16221180119381690.htm