Công nghệ

Lý do Bill Gates lo ngại Bitcoin phá hoại môi trường

Bill Gates đã cho rằng "lượng điện Bitcoin sử dụng cho mỗi giao dịch nhiều hơn bất kỳ một loại hình tiền nào con người từng biết đến.

Báo VnExpress lược dịch, trong một cuộc trò chuyện trên ứng dụng Clubhouse, Bill Gates đã cho rằng "lượng điện Bitcoin sử dụng cho mỗi giao dịch nhiều hơn bất kỳ một loại hình tiền nào con người từng biết đến, vì vậy, Bitcoin không phải là điều tuyệt vời với khí hậu Trái đất".

Bitcoin là một loại tiền điện tử, được tạo ra bằng cách xây dựng các liên kết trong một mã blockchain - một bản ghi tập thể (hay sổ cái) nhằm lưu trữ các giao dịch. Bản ghi này được lưu trữ trên máy tính của các "tình nguyện viên". Công việc của họ là chạy phần mềm xác minh nhằm đảm bảo cả bên mua và bên bán đều đã đồng ý và người mua có đủ lượng Bitcoin để thực hiện giao dịch. Những "tình nguyện viên" này được gọi là "thợ đào" và phần thưởng cho họ khi hy sinh phần cứng và điện năng là một lượng Bitcoin.

Nếu có đủ "tình nguyện viên" xác minh một giao dịch là hợp lệ, xác minh đó sẽ được nhóm lại cùng các giao dịch khác trên thế giới dưới dạng một "khối". Để ngăn chặn hành vi tạo ra tiền giả, quá trình xác minh một giao dịch đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán, đến mức không một cá nhân hoặc nhóm nào có thể làm được.

Những người khai thác Bitcoin thường sử dụng card đồ họa hay GPU cao cấp, vì những phần cứng này có khả năng tính toán nhanh và nhiều phép tính cùng một lúc. Tuy nhiên, việc này cũng làm PC nóng lên rất nhanh và đòi hỏi lượng điện năng lớn để chạy quạt tản nhiệt.

Lý do Bill Gates lo ngại Bitcoin phá hoại môi trường

Các nhà khoa học từ Đại học Cambridge gần đây đã xây dựng một công cụ phân tích nhằm tính toán năng lượng được sử dụng trong quá trình khai thác tiền điện tử Bitcoin. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy tổng mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của Bitcoin là khoảng 130 TWh - gần tương đương năng lượng của toàn bộ đất nước Argentina (125 TWh). Công cụ của Cambridge cũng xếp hạng mức tiêu thụ điện của Bitcoin cao hơn Hà Lan (108,8 TWh) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (113,20 TWh).

Tuy nhiên, ông Bill Gates lại đánh giá tích cực về ứng dụng của "tiền kỹ thuật số" trong các chương trình toàn cầu mà ông tham gia. Ông Gates nói: "Có những cách khác để sử dụng tiền kỹ thuật số mà không phải tiêu thụ nhiều điện như vậy, ví dụ nền tảng chúng tôi đang áp dụng ở các nước đang phát triển. Bạn không thể sử dụng nó để đòi tiền chuộc hoặc những thứ tương tự, nhưng phí giao dịch lại thấp đến mức có thể trao cơ hội cho những người nghèo nhất".

Tổ chức Gates Foundation mô tả đây là "các cơ chế mà các cá nhân và doanh nghiệp thực sự mua và bán. Các hệ thống này có thể thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và đẩy nhanh sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ tài chính kỹ thuật số được tùy chỉnh cho nhu cầu của các cộng đồng có thu nhập thấp".

Ngay từ giai đoạn đầu, những lo ngại về vấn đề môi trường xung quanh đồng Bitcoin đã được đề cập đến bởi Hal Finney, người đi tiên phong trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Theo Zing.vn, vào ngày 27/01/2009, Hal Finney đã đăng một tweet về khả năng tăng khí thải CO2, chỉ hai tuần sau khi giao dịch đầu tiên bằng đồng Bitcoin được thực hiện bởi nhà sáng lập với cái tên Satoshi Nakamoto.

Trước năm 2017, mức năng lượng mà mạng lưới Bitcoin sử dụng tăng không đáng kể. Sau một lần tăng giá mạnh vào năm 2017 đã đẩy mức năng lượng tiêu thụ lên ngang một quốc gia nhỏ. Vài năm sau đó, thị trường dần hạ nhiệt và mức năng lượng cũng xuống theo. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đồng Bitcoin liên tục phá đỉnh giá cũ, tăng gấp đôi so với hơn ba năm trước. Và dĩ nhiên mức năng lượng tiêu thụ cho mạng lưới này tăng mạnh.

"Mức năng lượng mà đồng Bitcoin tiêu thụ đã tăng gấp 4 lần kể từ lần giá thị trường đạt đỉnh vào năm 2017 và nó sẽ còn tồi tệ hơn vì số năng lượng không hiệu quả sẽ tích tụ trong đồng Bitcoin. Lượng khí thải carbon mà đồng Bitcoin tạo ra sẽ tăng theo cấp số nhân vì giá trị của đồng tiền này ngày càng cao, ngày càng có nhiều sự cạnh tranh hơn và vì vậy nó sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn", Charles Hoskinson, CEO của công ty mật mã hàng đầu IOHK, trả lời tờ The Independent.

Tác động của đồng Bitcoin đến môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn vì trên thực tế, đại đa số "thợ đào" Bitcoin xây dựng "mỏ" tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm đến 2/3 tổng nguồn cung cấp điện của quốc gia này.

Quá trình khai thác (hay còn được gọi là "đào") Bitcoin cần giải quyết các phương trình toán học phức tạp và ngẫu nhiên. Quá trình này cần tập hợp rất nhiều máy tính để xử lý.

Theo H.H (Nguoiduatin.vn)