Công nghệ

Hơn 200 nghiên cứu và thí nghiệm chứng minh mạng 5G an toàn với sức khỏe con người

Những lo ngại về sự an toàn của sóng 5G đã được thúc đẩy bởi nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Chúng ta biết để đạt được tốc độ cũng như sự ổn định cao, mạng điện thoại 5G phải khai thác một dải tần số sóng vô tuyến trên 6 GHz. Đó là dải tần thường dùng cho radar, thiết bị y tế và an ninh như máy quét ở sân bay. Đã có những lo ngại rằng sóng điện từ ở dải tần số này có thể gây hại cho sức khỏe con người. 

Nhưng báo cáo mới của Cơ quan Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân (ARPANSA) và Đại học Công nghệ Swinburne, Australia bây giờ đã khẳng định trong dải tần vô tuyến thấp (low-level radio), ngay cả các sóng trên 6GHz cũng đủ tiêu chuẩn an toàn với cơ thể sinh học của chúng ta.

Báo cáo được thực hiện bằng cách khảo sát và đánh giá lại toàn bộ 138 nghiên cứu cùng hơn 100 thí nghiệm về sóng 5G mà các nhà khoa học đã được thực hiện trước đó trên toàn thế giới.

"Sau khi xem xét lại tất cả các nghiên cứu này, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sóng vô tuyến tần số thấp, giống như sóng được sử dụng trong mạng 5G, tạo ra nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người", phó giám đốc Ken Karipidis của ARPANSA cho biết.

Hơn 200 nghiên cứu và thí nghiệm chứng minh mạng 5G an toàn với sức khỏe con người

Những nghiên cứu nói mạng 5G gây hại có chất lượng chuyên môn thấp

Để đưa ra kết luận, các nhà nghiên cứu tại ARPANSA và Đại học Công nghệ Swinburne đã kiểm tra tất cả các báo cáo về độc tính gen (đột biến), tăng sinh tế bào, biểu hiện gen, tín hiệu tế bào, chức năng màng và các hiệu ứng sinh học khác xảy ra với cơ thể sinh học dưới tiếp xúc với sóng 5G.

Mặc dù có một số ít các thử nghiệm ghi nhận một số tác động sinh học của sóng tần số thấp trên 6 GHz, tuy nhiên, các thử nghiệm này hầu như không thể được sao chép. Có nghĩa là khi một nhà khoa học khác lặp lại thí nghiệm để kiểm tra kết quả của nhóm nghiên cứu trước đó, họ đã thấy kết quả của nó không đúng.

Thường thì các nghiên cứu nói mạng 5G gây hại đều là các nghiên cứu có chất lượng chuyên môn thấp, có sai sót trong phương pháp thực hiện và kiểm soát kết quả không nghiêm ngặt.

"Chúng tôi khuyến nghị thiết kế thử nghiệm trong các nghiên cứu trong tương lai nên được cải thiện, đặc biệt, các nhà khoa học [có ý định chỉ ra sự nguy hiểm của mạng 5G] nên chú ý đến việc đo liều lượng và kiểm soát nhiệt độ [mà sóng điện thoại gây ra cho tế bào sinh học]", Karipidis nói.

Nếu các thử nghiệm này được thiết kế đủ tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học thì kết quả của chúng mới được công nhận. Ngoài ra, Karipidis cho biết chúng ta cũng nên triển khai các nghiên cứu dịch tễ học để theo dõi tác động lâu dài [nếu có] của mạng 5G đến sức khỏe của người dân tiếp xúc với nó.

Hơn 200 nghiên cứu và thí nghiệm chứng minh mạng 5G an toàn với sức khỏe con người - 1
Mạng 5G sử dụng dải tần trên 6 GHz nhưng vẫn trong ngưỡng sóng dải tần thấp.

Sóng Wifi an toàn hơn 100 triệu lần ngưỡng gây hại, sóng điện thoại an toàn hơn 500.000 lần

Nhìn chung, hai nghiên cứu mới được công bố có kết quả phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn do Ủy ban Bảo vệ Bức xạ Không Ion hóa Quốc tế (ICNIRP) đưa ra và được áp dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

ARPANSA nhấn mạnh các loại hình sóng điện từ sử dụng cho kết nối không dây mà con người sử dụng đang thấp hơn rất nhiều ngưỡng gây hại tới sức khỏe. Chẳng hạn, mức độ tiếp xúc với Wifi hiện chỉ bằng một phần một trăm triệu ngưỡng gây hại. Trong khi đó, các tháp phát sóng điện thoại di động cũng chỉ phát ra sóng thấp hơn 1/500.000 lần ngưỡng gây hại.   

Các nhà nghiên cứu cho biết không khó hiểu khi mọi người có những lo ngại về sự an toàn của mình trước các thiết bị công nghệ mới. Nhưng không giống như những gì bạn có thể dễ dàng đọc thấy trên mạng xã hội, tất cả bằng chứng khoa học được tổng hợp lại từ hàng trăm nghiên cứu công phu đến nay đều cho thấy mạng 5G rất an toàn.

Thậm chí, càng về sau này công nghệ càng được cải tiến và đánh giá chặt chẽ. Điều đó có nghĩa là mạng 5G còn an toàn hơn cả các mạng điện thoại không dây trước đây như mạng 2G đã bị nhiều quốc gia khai tử.

Hơn 200 nghiên cứu và thí nghiệm chứng minh mạng 5G an toàn với sức khỏe con người - 2

Tại sao mọi người vẫn còn lo ngại mạng 5G?

"Một trong những điểm khác biệt chính mà chúng ta thấy bây giờ là sự lo lắng thái quá, thậm chí cuồng loạn của nhiều người đã được tiếp sức bởi các nguồn lực như mạng xã hội. Đó là thứ mà chúng ta không có ở thời điểm mà mạng 2G ra mắt", giám đốc ARPANSA Sarah Loughran cho biết.

Các thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng tốt như các nghiên cứu khoa học thực hiện bởi các tổ chức lớn có uy tín. Thế nhưng, chúng lại xuất hiện tràn lan hơn và sử dụng ngôn ngữ, thuyết âm mưu dễ tạo niềm tin hơn đối với người đọc.

Trong số này có không ít những thông tin sai lệch về mạng 5G mà chúng ta thấy thường ngày. Do đó, không khó để giải thích tại sao nhiều người lại quá lo lắng đến công nghệ viễn thông mới này trong khi các nhà khoa học đã nói mạng 5G an toàn.

Theo Thanh Long (Pháp Luật & Bạn Đọc) 




https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/hon-200-nghien-cuu-va-thi-nghiem-chung-minh-mang-5g-an-toan-voi-suc-khoe-con-nguoi-16221230320531082.htm