Công nghệ >> COVID-19 (nCoV)

Fake news thời COVID-19: Bóp méo thông tin có thể gây ra tội ác

Khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mạng xã hội "nảy nở" nhiều thông tin giả mạo, bịa đặt ăn theo. Chuyên gia cho rằng, việc thông tin bóp méo trên mạng xã hội có thể gây ra tội ác dù có thể bạn vô tình không để ý.

Có thể gây tội ác vì hùa theo thông tin xấu

Hiện nay, mạng xã hội có ảnh hưởng đến đời sống là điều khó phủ nhận. Chẳng hạn, nhờ cộng đồng mạng mà việc kêu gọi chung tay ủng hộ với những hoàn cảnh khó khăn hay sự lan truyền của những thông tin tốt, những tấm gương tốt trên phạm vi rộng lớn và tốc độ "chóng mặt"… Nhưng ngược lại, giữa bạt ngàn thông tin, mạng xã hội ngày càng bị lợi dụng để phát tán những thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng, lôi kéo đông đảo người tham gia bởi sự hiếu kỳ, tò mò.

Theo một khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cũng đã phản ánh bức tranh người dùng trên mạng xã hội: Tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7%; vu khống, bịa đặt thông tin chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc chiếm 37,01%...

Fake news thời COVID-19: Bóp méo thông tin có thể gây ra tội ác
Mạng xã hội là ảo, diễn biến nhanh, thông tin đa dạng đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của chúng lên bản thân. Ảnh: TL

Trong thời gian qua, khi dịch COVID-19 ở nước ta phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh COVID-19, trên mạng xã hội lập tức "nảy nở" nhiều thông tin giả mạo, bịa đặt về dịch bệnh này. Nhiều người dân bị hoang mang, lo lắng trước các thông tin này và các chuyên gia đã phải lên tiếng bác bỏ tin đồn thất thiệt đó.

Đơn cử như việc nhiều trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân lan truyền thông tin bịa đặt cái chết của cô gái vì bệnh viêm cơ tim, suy đa cơ quan nhưng bị loan tin rằng tử vong vì COVID-19. Bức ảnh được chia sẻ nhanh chóng, trước thông tin này, đám tang của cô mọi người cũng "né" đến, còn người nhà bị kì thị. Chỉ vì tin giả mà người chết không yên, người sống chẳng được an.

Hay cô gái K.L.A ở Hà Nội cũng đã bị nhầm lẫn với bệnh nhân 17. Bức ảnh của A đeo khẩu trang, ngồi trong xe ô tô đã bị rất nhiều người chia sẻ và một mực khẳng định là bệnh nhân 17. Cô gái đã nhận rất nhiều chỉ trích, thóa mạ dữ dội. Sự việc đã khiến cô không dám ra ngoài, chỉ đóng cửa ở trong nhà để đính chính thông tin cho bản thân.

Rõ ràng một thông tin thiếu kiểm chứng, đám đông thiếu ý thức "trên thế giới ảo" đã gây hậu quả với đời thực. Không chỉ dừng lại ở đó, việc tung tin giả số người chết, số ca dương tính đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống người dân khu vực đó, khiến họ bất an, cuộc sống bị đình trệ, thậm chí bị khu vực khác kỳ thị, xa lánh vì sợ nhiễm bệnh.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, trên mạng xã hội hiện có thể thấy rõ 3 nhóm sử dụng. Thứ nhất, có bản lĩnh, ý thức tốt, tiếp nhận và xử lý thông tin có văn hóa. Nhóm thứ hai, cố tình bóp méo, hiểu sai vì động cơ xấu hay lợi ích cá nhân của mình. Và một nhóm thứ 3 là dễ bị tác động, a dua, không biết chắc nguyên nhân nhưng vẫn đồng loạt chia sẻ thông tin thiếu cơ sở, giật gân.

Thực tế, hiện thế giới ảo đang phản ánh một bức tranh nhiễu loạn của xã hội. Ở đó, các giá trị văn hóa đang dần đảo lộn, sự vô cảm, ích kỉ lên ngôi. Mọi người tự do phát ngôn, chia sẻ thông tin một cách vô ý thức. Rất nhiều người có xu hướng thích tin giật gân, tin hot cho dù vô lí vẫn tiếp nhận chia sẻ để thể hiện mình biết thông tin, lôi kéo sự hiếu kỳ của người khác. Đây là trào lưu xấu, thể hiện thiếu trách nhiệm xã hội và gây ra những nguy hiểm nhất định. Việc "hùa theo" thông tin bóp méo trên mạng xã hội còn có thể gây ra tội ác khi làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết…

Mạng ảo đã không còn "ảo"

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, mạng ảo giờ đã không còn ảo. Những tác động của nó đã tác động lớn đến đời sống thực. Đã có rất nhiều những hệ quả đau lòng xảy ra từ những bình luận, chia sẻ thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

Về hệ quả của việc chia sẻ, hùa theo những thông tin bóp méo trên mạng xã hội một cách thiếu trách nhiệm trước hết sẽ gây ra sự hồ nghi, mất lòng tin của con người đối với xã hội, với các cá nhân, tổ chức. Từ đó, nó gây nhiễu loạn khiến xã hội mất ổn định, cộng đồng có cái nhìn tiêu cực về xã hội. Lâu dài, nó ảnh hưởng đến tính cấu kết bền vững của xã hội làm cho con người mất đi nhiệt tình trong chung tay xây dựng xã hội tốt hơn. Sự nhiễu loạn của tin giả, gây bất an trong xã hội, cho rằng những điều tốt đẹp dường như không còn tồn tại nữa mà chỉ thấy những mặt tệ hại, xấu xa.

Để ngăn chặn các thông tin này, các chuyên gia cho rằng phải dùng biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, gốc vấn đề vẫn nằm ở giáo dục con người từ gia đình và nhà trường, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Mạng xã hội là ảo, diễn biến nhanh, thông tin đa dạng đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của chúng lên bản thân. Bởi vậy, người trẻ khi tham gia hãy có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm xã hội mỗi khi phát ngôn, chia sẻ thông tin.

"Mỗi khi nhấp chuột hay ấn nút like, bình luận, chia sẻ cần suy nghĩ kỹ. Hùa theo đám đông phần nào đó cũng thể hiện sự mất lập trường, không có chính kiến và mất kiểm soát hành vi nhưng phần nào cũng là tội ác khi có để lại hậu quả", PGS.TS Trịnh Hòa Bình khuyên.

Theo Hà My (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/fake-news-thoi-covid-19-bop-meo-thong-tin-co-the-gay-ra-toi-ac-2020031317585971.htm