Công nghệ

Đua nhau 'xẻ thịt' công viên TP.HCM làm khu vui chơi, nhà hàng

Lãnh đạo UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng đề án di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trên đất công viên, trả lại không gian yên tĩnh, thông thoáng cho tất cả các công viên tại TP.HCM. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại nhiều công viên ở thành phố này cho thấy phổ biến thực trạng "xẻ thịt" để làm địa điểm kinh doanh, nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí, bãi đậu xe.

Những người sống lâu năm ở TP.HCM vẫn còn nhớ trước đây, ngoài cổng chính trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm của Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có một cổng lớn ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau này, vì nhiều lý do, cổng này ít hoạt động, rồi ngưng hẳn, chỉ còn cổng phụ ở gần Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu để khách ra vào gửi xe.

Hiện nay, cổng chào bị dỡ bỏ, phần lớn diện tích mặt tiền phía đường Nguyễn Thị Minh Khai đã bị cho thuê, trở thành khu kinh doanh trò chơi và dịch vụ ăn uống. Nếu đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào Thảo Cầm Viên chỉ thấy toàn bộ mặt tiền phía này là bảng hiệu của hàng chục dịch vụ kinh doanh, từ các trò chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, gian hàng thời trang. 

Đua nhau 'xẻ thịt' công viên TP.HCM làm khu vui chơi, nhà hàng
Khu vui chơi trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn phía đường Nguyễn Thị Minh Khai

Lý giải về việc xẻ mặt bằng Thảo Cầm Viên phía đường Nguyễn Thị Minh Khai để cho thuê, đại diện Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, do gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển từ cơ chế hoạt động bằng ngân sách sang cơ chế tự chủ tài chính, nên công ty đã cho thuê một phần mặt bằng để tạo thêm dịch vụ, vừa có nguồn thu để trang trải, cải tạo Thảo Cầm Viên nhằm thu hút khách tham quan.

“Tuy là công viên nhưng Thảo Cầm Viên không giống với các công viên công cộng khác. Đây là doanh nghiệp nhà nước hoạt động với mục tiêu kinh doanh phải có lãi. Trong khi đó, mọi khoản chi từ chăm sóc, cải tạo khuôn viên, lương của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là tiền thức ăn cho thú và chăm sóc thú vô cùng tốn kém, nếu chỉ trông chờ vào tiền thu vé khách tham quan thì không đủ”, vị này nói.

Tuy nhiên, mới đây UBND TP.HCM đã có Công văn 465/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, yêu cầu sử dụng đúng công năng, mục đích phục vụ công cộng của công viên; không sử dụng diện tích đất của công viên để kinh doanh. 

Tương tự trường hợp Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) phần lớn được sử dụng cho thuê để làm nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là khu vui chơi giải trí Tuổi thần tiên của Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Thỏ Trắng (công ty Thỏ Trắng), chiếm hơn 10.000 m2 phía mặt tiền đường Trường Sơn.

Một số người dân sống gần đây cho biết, phần đất này của công viên trước đây để trồng cây xanh, sau đó chuyển thành khu vui chơi có quy mô nhỏ để tạo sân chơi cho người dân và trẻ em. Tuy nhiên, đến nay đã bành trướng ra diện tích lớn với hàng chục trò chơi từ dân gian đến cảm giác mạnh. Ngay trong công viên, công ty Thỏ Trắng đã lấy hàng trăm mét vuông đất để xây dựng căn nhà 2 tầng làm văn phòng điều hành, khu y tế, bảo vệ…

Đua nhau 'xẻ thịt' công viên TP.HCM làm khu vui chơi, nhà hàng - 1
Công viên 23 tháng 9 được sử dụng làm bãi xe buýt, sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm

Tại Công viên 23 tháng 9 (quận 1, TP.HCM), một phần đất bên trong được sử dụng làm bãi xe buýt, sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm… Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng, kế bên là quán cà phê GM ngay phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Nghĩa, được khai thác triệt từ sáng sớm tới tối khuya.

Ngay sau sân khấu Sen Hồng là trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được tận dụng tối đa với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya. Ở khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời... Với những hoạt động như vậy cho nên Công viên 23 tháng 9 thường xuyên biến thành chợ, không phải là nơi dành cho người dân đi dạo, tận hưởng không khí thoáng mát vốn có.

Những người dân sống gần Công viên Kỳ Hòa, quận 10, cho biết bây giờ nhắc đến công viên này ít người biết, nhưng nhắc đến khu ăn nhậu Kỳ Hòa, thì ai cũng biết. Quả thật, hiện nay đi quanh khu đất trước đây là công viên Kỳ Hòa, cũng phải mất gần 20 phút mới xác định được bảng tên công viên ở đâu, bởi công viên này giờ toàn bảng hiệu nhà hàng, quán nhậu bao vây bốn phía.

Ngoài ra, địa chỉ của Công viên Kỳ Hòa là số 16 Lê Hồng Phong, nhưng đến đúng địa chỉ này lại bắt gặp một cổng chào ghi rõ "Trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hòa". Bên hông chỉ dẫn thông tin tên văn phòng, quán nhậu, cửa hàng, quán cà phê. Ði sâu vào trong, công viên Kỳ Hòa giờ chỉ còn một cụm với mấy chiếc ghế đá và con đường nội bộ hướng từ đường Lê Hồng Phong sang đường Sư Vạn Hạnh.

“Chủ trương của thành phố là giữ gìn nơi nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của người dân. Tại mỗi công viên sẽ rà soát tính pháp lý của các cơ sở nằm trong đó và đưa ra giải pháp để giải quyết triệt để nếu có vi phạm”, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM nhấn mạnh trong một cuộc họp báo mới đây. 

Trong một văn bản cho ý kiến về đầu tư dự án tại công viên Gia Định mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng lưu ý chủ trương của UBND thành phố là không xây dựng công trình gì tại các công viên, trừ khi lắp đặt các dụng cụ thể thao, vui chơi, giải trí phục vụ cho các cháu thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, để những chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trở thành hiện thực, thì vẫn còn là câu hỏi lớn.

Theo Nam Sơn (Dân Việt)