Công nghệ

5G: Còn lâu mới phổ biến

Cuộc đua 5G của các hãng công nghệ hiện chỉ là làm tăng uy tín thương hiệu và chứng tỏ sự sẵn sàng nhập cuộc chơi

Một trong những tiêu chí của cuộc đua trong làng di động thế giới năm 2020 là công nghệ mạng 5G, nền tảng kết nối của cuộc chuyển đổi số. Với nhiều ưu thế hơn hẳn thế hệ 4G về tốc độ, năng lượng…, 5G là môi trường lý tưởng cho hoạt động kết nối mạng. Tuy nhiên, việc triển khai 5G có thật sự hiệu quả còn tùy thuộc nhà mạng viễn thông và nhà sản xuất thiết bị di động.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ

5G tối ưu các nền tảng kết nối công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tự động và thông minh như: ôtô tự lái, in ấn 3D, vạn vật kết nối (IoT), công nghệ sinh học, nano và các ứng dụng VR/AR không dây, điều khiển robot từ xa…

Về lý thuyết, tốc độ 5G lên tới 10 Gbps, gấp 10 - 100 lần 4G, năng lượng giảm tới 90% cho kết nối mạng, băng thông cho phép số lượng thiết bị cùng kết nối nhiều gấp cả 100 lần, độ trễ chỉ 4 ms hay thậm chí 1 ms, so với 75 ms của 4G… Đơn cử, 5G cho phép tải một bộ phim 3D trong 30 giây, trong khi cần tới 6 phút với mạng 4G. Theo thí nghiệm của hãng công nghệ Qualcomm, tốc độ tải phim UHD 8K trên 5G sẽ nhanh gấp 500 lần trên 4G LTE.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết đến tháng 10, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Trước đó, cuộc gọi video đầu tiên qua 5G được thực hiện thành công trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Tập đoàn Viettel tự nghiên cứu và sản xuất. Điều này ghi nhận Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Tập đoàn Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G. Tháng 4, Tập đoàn VNPT công bố thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại Hà Nội và TP HCM. Kết quả thử nghiệm đạt tốc độ hơn 2,2 Gbps, nhanh gấp 10 lần mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0. Trong năm 2019, Bộ TT-TT đã cấp phép thử nghiệm mạng 5G cho 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Đến nay, cả 3 doanh nghiệp này đều đã triển khai thực tế thử nghiệm 5G tại các địa bàn được cấp phép.

Cuộc đua 5G của nhà sản xuất thiết bị di động bắt đầu tăng tốc trong năm 2019 và điều đặc biệt được mong đợi là những chipset di động mới tích hợp modem 5G. Hầu như các thương hiệu lớn đều có lộ trình sản phẩm 5G. Từ đầu năm 2020, có thêm nhiều mẫu smartphone hỗ trợ 5G được đưa ra thị trường thuộc phân khúc cao cấp, cận cao cấp với giá từ 12,5 triệu đến trên 20 triệu đồng như: ASUS (ROG Phone 3, Zenfone 7 Pro); Lenovo (Legion Phone Duel), LG (V50 ThinQ, V60 ThinQ Dual Screen; Motorola (One, Edge+, OnePlus 8 Pro); OPPO (Find X2 Pro, OPPO Reno), Huawei (P40 Pro, Poco F2 Pro); Samsung Galaxy (S10, Note10+, Note20 Ultra, Note20, S20, S20+, S20 Ultra, Fold2…); Sony (Xperia 1 II, Xiaomi Mi 10 Pro…). Ngoài ra, các modem 5G và các chipset tích hợp 5G cho smartphone cao cấp và cận cao cấp, Qualcomm cũng đã bắt đầu "phổ cập 5G" cho những chipset phân khúc tầm trung vào tháng 6 vừa qua. Công ty CP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart với mẫu smartphone Vsmart Aris 5G đã trở thành thương hiệu Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G.

Cuộc triển khai công nghệ mạng 5G ở Việt Nam hiện chỉ ở giai đoạn làm quen nhưng có thuận lợi hơn khi triển khai 4G chủ yếu là do sự chỉ đạo tập trung và sớm hơn của nhà nước, nhất là khi gắn nó với chuyển đổi số toàn diện và toàn quốc.

5G: Còn lâu mới phổ biến
Một số dự đoán trên thế giới cho thấy rằng vào năm 2023, 5G chỉ chiếm hơn 10% kết nối di động Ảnh: internet

Chưa phủ rộng do chi phí cao

Mạng 4G bắt đầu được các nhà mạng cung cấp tại Việt Nam từ giữa năm 2016, 2017. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), tốc độ 4G dù được phủ sóng toàn quốc nhưng hiện chưa đạt tốc độ tiêu chuẩn do bị giới hạn bởi độ rộng băng tần và số người sử dụng.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), tốc độ truyền tải dữ liệu của 4G phải cao hơn 3G hàng chục lần, chuẩn là 100 Mbps. Trong khi đó, tại Việt Nam, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G là 35-37 Mbps, chỉ cao gấp 3,5 - 4,5 lần tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại. Với người dùng di động, tốc độ mạng vẫn là chủ yếu và với nhu cầu phổ cập hiện nay, tốc độ 4G đã quá đủ để "lướt". Tại Việt Nam, theo thống kê của Viettel công bố vào tháng 8, số lượng thiết bị đầu cuối 5G có rất ít. Hà Nội và TP HCM cũng chỉ mới có khoảng 2.000 thiết bị/TP. Tới cuối năm 2020, số lượng smartphone 5G chắc chắn tăng lên do có nhiều mẫu và thương hiệu hơn nhưng vẫn khó có số lượng hấp dẫn… nhà mạng. Chi phí triển khai hệ thống trạm phát 5G không hề nhỏ ắt khiến các nhà mạng phải cân nhắc. Chắc chắn trong thời gian đầu, họ cũng sẽ chỉ dám cung cấp 5G tại những thành phố lớn, thậm chí khoanh vùng nhất định tại từng địa phương. Nhà mạng AIS của Thái Lan, nước Đông Nam Á đầu tiên triển khai 5G rộng rãi, phải chi tới 1,2 tỉ USD mà cũng chỉ đưa 5G đến 13% dân số. Một số dự đoán trên thế giới cho thấy rằng vào năm 2023, 5G chỉ chiếm hơn 10% kết nối di động.

Thực tế là không hãng smartphone nào dám kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ các sản phẩm 5G. Hiện họ đưa vào thị trường một số ít sản phẩm để xây dựng thương hiệu là chính. Bởi lẽ, người dùng sẽ cân nhắc rất kỹ khi phải đầu tư thêm vài ba triệu đồng để mua phiên bản 5G. Dù đi nước ngoài du lịch hay công tác thì cũng chưa nhiều nơi có sóng 5G. Cho nên, có thể khá lâu nữa, việc mua smartphone 5G vẫn là điều xa xỉ chứ không phải để đón đầu. Mặt khác, cước dữ liệu 5G chắc chắn sẽ cao hơn 4G nhiều. Theo Mobile World Live, giá cước bình quân tháng của 5G khoảng 89 USD so với 68 USD của 4G. Do cũng giống như 3G - 4G, cước tính theo dung lượng dữ liệu nên cách giải thích cước cao nhưng thời gian tải nhanh suy ra cước rẻ chỉ là nói theo thời 2G. Vì thế, cuộc đua 5G trong làng di động hiện chỉ là làm tăng uy tín thương hiệu và chứng tỏ sự sẵn sàng nhập cuộc chơi của các hãng công nghệ. Muốn hấp dẫn nhiều người dùng, nhà mạng 5G phải mở rộng vùng phủ sóng, bảo đảm chất lượng cao và mức cước hợp lý. Các nhà sản xuất thiết bị cũng không thể cứ coi 5G như một tùy chọn trị giá nhiều triệu đồng. 

Theo trang Investopedia, tính tới đầu năm 2020, thế giới có 34 nước đã triển khai 5G tại 378 thành phố; trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc - phủ sóng tại 85 thành phố, Trung Quốc 57 thành phố, Mỹ 50 thành phố. Các nhà mạng viễn thông trên thế giới, trong đó nổi trội có AT&T Inc. (Mỹ), KT Corp (Hàn Quốc), China Mobile (Trung Quốc)... đang chạy đua xây dựng công nghệ 5G. Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới mở băng thông cho 5G, từ tháng 7-2016, Ủy ban Viễn thông Liên bang FCC đã bắt đầu hình thành các quy định, luật lệ cho 5G.

Theo Phạm Hồng Phước (Người Lao Động)

 




https://nld.com.vn/cong-nghe/5g-con-lau-moi-pho-bien-20200915201701528.htm