Xã hội

Xe buýt 2 tầng ở TP.HCM chỉ còn chạy đến hết năm nay

Cuối năm nay, hai chiếc xe buýt 2 tầng duy nhất đang hoạt động ở TP.HCM sẽ không còn trên đường và sẽ được bán đi với giá 100 triệu đồng/xe.

Cuối năm nay, hai chiếc xe buýt 2 tầng duy nhất đang hoạt động ở TP.HCM sẽ không còn trên đường và sẽ được bán đi với giá 100 triệu đồng/xe.

Xe buýt 2 tầng chạy tuyến Nông Lâm TP.HCM - bến xe Chợ Lớn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phùng Đăng Hải - giám đốc HTX Quyết Thắng, đơn vị đầu tư hai chiếc xe buýt 2 tầng tại TP.HCM - cho biết cuối năm nay sẽ dừng hoạt động hai chiếc xe này.

Xe buýt 2 tầng có sức chở 120 người, được đưa vào hoạt động từ tháng 2-2005 đến nay. Đây là loại xe có sức chở lớn nên được cho là sẽ giải quyết ngay nhiều khách chờ đón xe ở trạm và còn thu hút khách du lịch.

Vậy tại sao đơn vị đầu tư xe lại có ý định dừng hoạt động? Trả lời câu hỏi này, ông Phùng Đăng Hải cho biết giá mua xe buýt 2 tầng cao gần gấp đôi xe buýt thường, nhưng tiền trợ giá cho xe buýt này chỉ cao hơn chút ít so với xe buýt thường.

Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức với xe buýt 2 tầng. Ông Hải nêu dẫn chứng sau 4 năm hoạt động, đến năm 2009 đơn vị bỏ ra 600 triệu đồng thay máy Trung Quốc bằng máy Hàn Quốc thì tiền trợ giá bị giảm vì cơ quan chức năng cho rằng xe lắp máy mới ít hao tốn nhiên liệu.

Đó là chưa kể chi phí sửa chữa xe buýt 2 tầng cao hơn xe buýt thường, các vật tư phụ tùng thay thế phải nhập từ nước ngoài... Và sau khi cải tạo thay máy mới thì niên hạn sử dụng xe chỉ còn 15 năm, thay vì 20 năm. Bình quân một chiếc xe buýt sau 7 năm hoạt động đủ khấu hao, nhưng xe buýt 2 tầng đủ 13 năm hoạt động mới hết khấu hao.

“Do đó, cuối năm nay hợp tác xã sẽ cho dừng hoạt động hai chiếc xe buýt 2 tầng và bán với giá 100 triệu đồng/xe” - ông Hải cho biết.

Liên quan việc này, ông Trần Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết trong tuần này sẽ họp với đơn vị vận tải để xem xét lại việc trợ giá cho xe buýt 2 tầng.

Như vậy liệu sẽ còn phát triển loại xe buýt 2 tầng ở TP.HCM? Ông Trung cho biết hiện nay có đến 70% đường sá ở TP.HCM rộng dưới 7m, không đủ điều kiện cho xe buýt 2 tầng hoạt động. Tuy nhiên, trong đề án phát triển xe buýt TP.HCM đến năm 2025-2030 sẽ xem xét cụ thể việc phát triển xe buýt 2 tầng.

Ông Nguyễn Bá Hoàng (Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng TP.HCM nên khảo sát, thống kê lại số lượng hành khách đi xe buýt 2 tầng thời gian qua. Nếu lượng hành khách lớn, chứng tỏ xe buýt 2 tầng có khả năng vận tải hành khách, giảm áp lực kẹt xe, nên đầu tư phát triển.

Còn ngược lại, lượng hành khách không cao và có xu hướng sụt giảm thì không nên đầu tư thêm, tránh lãng phí. “Chúng ta cũng có thể chuyển qua thí điểm xe 2 tầng trên tuyến có đông hành khách hơn” - ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, ông Hoàng cho rằng hiện nay TP.HCM có nhiều con đường lồi lõm, hư hỏng. Trong khi đó, xe buýt 2 tầng lại cao, chỉ cần nghiêng nhẹ cũng có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, muốn phát triển loại xe này cần phải nâng cấp hệ thống đường sá.

Xe chỉ đông 
giờ cao điểm

7h sáng 17-7, chúng tôi lên xe buýt 2 tầng tuyến số 6 đi từ Đại học Nông lâm TP.HCM về bến xe Chợ Lớn. Đang giờ cao điểm, lượng hành khách trên xe đông đúc, đa số là học sinh, sinh viên.

Mặc dù hành khách lên xe nhiều, nhưng học sinh và người lớn tuổi đều có ghế ngồi. Nhân viên bán vé cho biết xe này chỉ đông khách vào giờ cao điểm, các khung giờ còn lại xe ít khách hơn.

Nhiều hành khách tỏ ra hài lòng khi đi lại bằng xe buýt 2 tầng. Bạn Nguyễn Thị Bích Thanh (sinh viên) cho biết thường xuyên đi học bằng xe buýt 2 tầng. Theo bạn Thanh, xe có 2 tầng nên vận chuyển lượng khách gấp đôi xe buýt thông thường, góp phần giảm ùn tắc, kẹt xe.

Theo N.Ẩn - T.Dung - T.Đức (Tuổi Trẻ)