Xã hội

Xây dựng không phép 2.000 bậc bêtông lên núi ở Tràng An cổ

Dù chưa được cấp phép, hệ thống bậc thang đồ sộ lên đỉnh núi Huyền Vũ thuộc quần thể di sản Tràng An, Ninh Bình vẫn được xây dựng.

Đầu năm Mậu Tuất, hàng chục nghìn du khách đổ đến tham quan và chinh phục đỉnh núi Huyền Vũ (Cái Hạ), thuộc Tràng An cổ, Ninh Bình thông qua hệ thống bậc thang hơn 2.000 bậc.

Công trình này gồm hàng trăm cột bê tông được khoan, dựng trên đá tai mèo, có lan can uốn lượn, bậc thang trải dài khoảng một km theo chiều cao của núi và bắc từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Đường bê tông dẫn lên một đàn tế lễ trên đỉnh núi. Dọc đường lên còn có các công trình vệ sinh.

Khách đến tham quan, leo núi không mất phí. Nếu đi thuyền khám phá khu Tràng An cổ này, giá vé là 45.000 đồng.

Xây dựng không phép 2.000 bậc bêtông lên núi ở Tràng An cổ
Hàng nghìn khách chinh phục đỉnh núi Huyền Vũ ở Tràng An cổ ngày cuối tuần. Khu vực này cách khu Tràng An đang khai thác khoảng 2 km. Ảnh: Leej Gin.

Khi được hỏi về dự án này, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết hệ thống bậc thang trên là công trình chưa được cấp phép, do Công ty cổ phần du lịch Tràng An, ông Nguyễn Văn Son làm giám đốc, xây dựng.

Trước đó, ông Son đã làm đơn xin cấp phép nhưng Sở Du lịch không đồng ý. "Công trình này nằm trong vùng di sản, thuộc khu dân cư và phát triển du lịch, không phải vùng cấm xây dựng. Nhưng công trình nằm trên tuyến du lịch thuộc dự án đã được tỉnh giao cho một doanh nghiệp khác khai thác từ năm 2003", đại diện Sở Du lịch Ninh Bình nói.

Tuy nhiên, ông Son vẫn tiến hành xây dựng. Khi phát hiện sự việc trên, Sở Du lịch Ninh Bình đã cùng với các ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng xây dựng và tháo dỡ, hoàn trả lại cảnh quan khu di sản. Phía Sở cho rằng công trình xây dựng "gấp rút trong khoảng 3 tháng" giáp Tết nên chưa xử lý kịp. 

Về phía Công ty cổ phần du lịch Tràng An, ông Nguyễn Văn Son cho biết công trình chưa hoàn thiện và mới dừng xây dựng hôm 28 Tết nhưng từ mùng 1 Tết khách đã đổ về đây.

"Tôi xây dựng hệ thống bậc thang này không nhằm để hút khách vì tôi chưa thu đồng phí nào, mà để có lối dẫn lên đàn kính thiên trên đỉnh Cái Hạ, đàn tế từ triều nhà Đinh", ông Son chia sẻ lối này xây xong, ông mới có thể mời đại diện Bộ Văn hoá lên thẩm định và các chuyên gia đến nghiên cứu, thậm chí mở hội thảo khoa học. Ông Sơn cũng khẳng định có đầy đủ giấy tờ, tài liệu để chứng minh về công trình đang xây dựng và nhấn mạnh, Tràng An không chỉ là di sản thiên nhiên mà còn lại di sản văn hoá.

Theo Vy An (VnExpress.net)