Xã hội

Xác minh cá lạ nghi là cá mập xuất hiện ở Vịnh Hạ Long

Liên quan đến hình ảnh cá lạ (đã chết) xuất hiện trên bờ Vịnh Hạ Long nghi là cá nhám hoặc cá mập đang được lan truyền trên mạng xã hội, UBND tỉnh Quảng Ninh tối qua, ngày 19/9, đã phát đi thông báo chính thức về thông tin này.

Liên quan đến hình ảnh cá lạ (đã chết) xuất hiện trên bờ Vịnh Hạ Long nghi là cá nhám hoặc cá mập đang được lan truyền trên mạng xã hội, UBND tỉnh Quảng Ninh tối qua, ngày 19/9, đã phát đi thông báo chính thức về thông tin này.

 Hình ảnh cá nghi là cá nhám hoặc cá mập, được cho là chụp ở Vịnh Hạ Long (ảnh Facebook)

Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông tin trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp Phòng Bảo tồn và Đa dạng Sinh học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành xác minh ban đầu, đồng thời gửi thông tin đến các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về cá mập thuộc Đại học Tổng hợp Hokkaido Nhật Bản để xác minh thêm.

Kết quả cho thấy, do mới chỉ mới chỉ căn cứ vào hình ảnh chứ chưa được tiếp xúc trực tiếp, chưa xác định được địa điểm đánh bắt nên các chuyên gia bước đầu nhận định, xác suất bắt gặp loài cá Mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchoides) - loài cá dữ đã gây ra hàng loạt các vụ tấn công người tắm biển tại Quy Nhơn vào những năm 2010 – 2012 - tại vùng biển ven bờ Vịnh Hạ Long là rất thấp.

Theo số liệu điều tra trong nhiều năm của Viện Tài nguyên và Môi trường biển và Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản về đa dạng sinh học cá biển, tại vùng biển thuộc Vịnh Hạ Long, về họ cá Mập Carcharhinidae chỉ có 2 đại diện thường bắt gặp ở vùng nước ven bờ là loài cá Mập đuôi đốm Carcharhinus sorrah (vốn phân bố chủ yếu ở vùng ven đảo và cửa vịnh, ăn cá và giáp xác tầng đáy) và loài cá Nhám răng chếch đầu nhọn Scoliodon laticaudus (phân bố ở vùng nước nông ven bờ ở khu vực cửa vịnh với thức ăn chính là cá và giáp xác). Cả 2 loài này đều hoàn toàn không tấn công, không gây hại cho con người.

Mặt khác Vịnh Hạ Long cũng rất ít khả năng phân bố của các loài cá mập ăn thịt, gây nguy hiểm cho con người như đã từng biết do đây là vùng vịnh nông, nằm ở khu vực cận nhiệt đới có mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp so với các vùng biển khác nên.

Chưa kể chưa có ghi nhận bất cứ thông tin nào về tai nạn do cá mập gây ra từ trước đến nay trên vùng ven biển Quảng Ninh.

Trước đó trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh một người đàn ông đang ôm một con cá dài khoảng 1.5m, nghi là loại cá nhám hoặc mập (đã chết) được cho là tại khu vực ngay trên bờ Vịnh Hạ Long. Con cá này sau đó được người đàn ông buộc lên xe máy chở đi.

Hình ảnh này đã nhanh chóng lan truyền và thu hút nhiều bình luận, thậm chí gây hoang mang.

Theo An Nhiên (Dân Trí)