Xã hội

Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây: Không thể nghiêm cấm người dân đốt đồng

Khói đốt đồng khiến 10 ôtô đâm nhau trên cao tốc như thế nào?

Chiều 4.4, bà Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Cty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) đã thông tin về sự cố tai nạn liên hoàn xảy ra trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vào ngày 3.4.

Vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây: Không thể nghiêm cấm người dân đốt đồng
Khói nghi ngút trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VEC-E.

Theo đó, ban đầu ghi nhận nguyên nhân do hạn chế tầm nhìn vì ảnh hưởng của khói khi người dân đốt đồng bên phải tuyến cao tốc, cháy lan vào trong hành lang an toàn.

Đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây cho rằng:

“Chúng tôi nhìn nhận công việc đốt rơm rạ khô trên đồng sau mỗi mùa vụ để lấy nguồn phân bón tự nhiên là tập quán canh tác ngàn đời của người nông dân, không phải chỉ trên tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây mà còn ở nhiều tuyến đường khác trên cả nước.

Với tư cách là đơn vị khai thác tuyến đường ngang qua phần đất ruộng của dân, chúng tôi không thể nghiêm cấm hoặc yêu cầu địa phương nghiêm cấm công việc này. Chúng tôi đã phối hợp cùng địa phương để tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt khi đốt đồng ở các vị trí gần hành lang an toàn đường cao tốc, cần đốt đồng có kiểm soát.

Trong trường hợp bà con đốt đồng ở các vị trí có nguy cơ cháy lan cao, chúng tôi tăng cường gác trực và chuẩn bị đầy đủ các thiết bị, lực lượng phòng cháy chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Đồng thời, chúng tôi siết chặt quy chế phối hợp hiện tại với các đơn vị dọc tuyến cao tốc trong công tác ứng phó phòng cháy chữa cháy. Việc đốt rơm rạ khô trên đồng được diễn ra trong thời gian nhất định trong năm và hoàn toàn có thể lên kế hoạch trước. Do vậy, chúng tôi kính đề nghị địa phương dọc tuyến phối hợp chặt chẽ với chúng tôi để tránh sự cố đáng tiếc như đã xảy ra".

Ngoài ra, về hệ thống camera quan sát trên cao tốc, đơn vị quản lý đường cao tốc cho biết, tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được trang bị 16 camera tại các vị trí nút giao, trạm thu giá và cầu Long Thành, chứ không phải được bố trí trên toàn tuyến. Do vậy, có rất nhiều vị trí trên tuyến không thể có được hình ảnh hoặc nắm được tình trạng thực tế để có thể cảnh báo.

Đơn vị quản lý đường cao tốc này cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét tăng tần suất và khu vực phát quang hai bên hành lang an toàn cao tốc để tránh sự cố tương tự về sau. Hiện nay, việc phát quang dọc tuyến hai bên hành lang an toàn và phát thực bì được phê duyệt với tần suất còn chưa phù hợp thực tế. Khu vực phát quang được duyệt mới đến chân mái taluy, chưa ra đến mép hàng rào của hành lang an toàn cao tốc.

Theo Hà Anh Chiến (Lao Động)