Xã hội

Vụ ly hôn nghìn tỷ giữa ông Vũ và bà Thảo: 'Không ai có quyền đuổi bà Thảo ra khỏi công ty của chính mình góp phần lập nên'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã lên tiếng về bản án sơ thẩm vụ ly hôn giữa vợ chồng chủ Tập đoàn Trung Nguyên.

Vụ ly hôn nghìn tỷ giữa ông Vũ và bà Thảo: 'Không ai có quyền đuổi bà Thảo ra khỏi công ty của chính mình góp phần lập nên'
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trong đó ông Giang nhấn mạnh đến sự vô lý của việc tòa sơ thẩm bắt một người nhận cổ phần quy đổi bằng tiền và đi khỏi công ty do chính mình góp phần sáng lập nên.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang nói: “Thời gian qua tôi có nhận được đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, khiếu nại về việc TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bản án dân sự về hôn nhân gia đình giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trong hồ sơ bà Thảo gửi kèm kháng nghị của Viện KSND TP.HCM và bản kháng cáo của bà Thảo đối với bản án sơ thẩm. Dưới góc độ pháp luật, việc gửi kháng nghị và kháng cáo đúng thời gian quy định, trình tự thủ tục.

Theo quy định của tố tụng dân sự, thì TAND cấp cao tại TP.HCM phải thụ lý và xem xét bản án sơ thẩm. Dưới góc độ dân sự, theo quy định của Bộ Luật Dân sự và Luật Hôn nhân Gia đình, quyền tài sản của vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định rất rõ.

Trong trường hợp vụ ly hôn này, liên quan đến việc xác định giá trị quyền sở hữu ở Trung Nguyên. Công ty này được hình thành và phát triển trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng.

Vụ ly hôn nghìn tỷ giữa ông Vũ và bà Thảo: 'Không ai có quyền đuổi bà Thảo ra khỏi công ty của chính mình góp phần lập nên' - 1
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, không ai có quyền đuổi bà Thảo ra khỏi công ty của chính mình góp phần lập nên, trừ trường hợp bà Thảo tự nguyện rút và nhận lại giá trị bằng tiền.

Trong các bộ luật và luật vừa nêu, có một nguyên tắc rất quan trọng: Việc dân sự cốt ở hai bên. Tức là phán quyết của tòa phải dựa vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, thì có những nguyên tắc phân chia rất rõ ràng.

Không thể cho rằng nếu như người này tiếp tục ở trong công ty thì ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công ty. Điều này giống như việc hai vợ chồng có một căn nhà, thì không thể bắt một người nhận tiền để đi ra khỏi ngôi nhà của chính họ, nếu như người đó không tự nguyện.

Sau khi li hôn, hai vợ chồng ở cùng nhà đó có thể phát sinh mâu thuẫn nhưng luật pháp tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên. Và luật pháp về dân sự không tước quyền của bất cứ người nào liên quan đến khối tài sản đó. Người ta không thỏa thuận, thì không tòa nào có quyền đuổi họ ra khỏi ngôi nhà đó được.

Tương tự như vậy, trong việc phân chia khối tài sản ở Trung Nguyên, tòa không thể cho rằng là việc bà Thảo ở công ty sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của công ty đó.

Không ai có quyền đuổi bà Thảo ra khỏi công ty của chính mình góp phần lập nên, trừ trường hợp bà Thảo tự nguyện rút và nhận lại giá trị bằng tiền.

Quyền về tài sản của công dân, các cá nhân, được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật, đó là nguyên tắc tối thượng. Quyền đó chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp (chỉ 4 trường hợp) rất hy hữu vì lý do quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng... thì nhà nước có quyền trưng dụng tài sản đó để phục vụ mục tiêu chung của cộng đồng.

Và được quy định rất chặt chẽ và chi tiết trong Hiến pháp và luật. Điều này phải quy định bằng hiến pháp và luật, chứ cũng không được phép quy định trong nghị định.

Dưới góc độ tố tụng, tòa đã thụ lý đơn kháng nghị của bà Thảo. Về nguyên tắc, hội đồng xét xử sẽ phải xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không ai có quyền can thiệp.

Dưới góc độ một Đại biểu Quốc hội, khi có cử tri gửi đơn đến thì chúng tôi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình xử lý, và sau khi xử lý, chúng tôi có quyền giám sát quyết định của tòa án, đặc biệt là quyết định khi xét xử phúc thẩm của tòa án.

Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. (Trích Điều 32 Hiến Pháp năm 2013).

Theo Minh Anh (Giadinh.net.vn)




http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-ly-hon-nghin-ty-giua-ong-vu-va-ba-thao-khong-ai-co-quyen-duoi-ba-thao-ra-khoi-cong-ty-cua-chinh-minh-gop-phan-lap-nen-20190615200738707.htm