Xã hội

Vụ hổ cắn chết người: Do nhân viên sơ suất trong lúc cho ăn?

Đó là giả định ban đầu của ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với Dân Việt chiều 24.9 về vụ việc nhân viên bị hổ cắn chết trong lúc cho ăn xảy ra ở tỉnh Bình Dương.

 
Đó là giả định ban đầu của ông Trần Thế Liên – Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) khi trao đổi với Dân Việt chiều 24.9 về vụ việc nhân viên bị hổ cắn chết trong lúc cho ăn xảy ra ở tỉnh Bình Dương.

- Đối với sự việc vừa mới xảy ra vào chiều ngày 23.9 tại trại nuôi thuộc Công ty Thái Bình Dương – Pacific, khi nhân viên cho hổ ăn thì bị con hổ nặng 120 kg cắn chết, theo phán đoán của cá nhân tôi có thể nhân viên đó đã sơ suất trong lúc cho ăn. Chuồng hổ có 2 cửa nuôi nhốt đóng mở để hổ ra ngoài và để cho hổ ăn. Vì vậy có thể nhân viên của trại nuôi thuộc Công ty Thái Bình Dương – Pacific trong quá trình cho ăn đã gặp sơ suất và đã bị hổ cắn.

vu ho can chet nguoi: do nhan vien so suat trong luc cho an? hinh anh 1
Nhân viên chăm sóc bị hổ nuôi nhốt cắn chết khi đang cho chính con vật này ăn (Ảnh minh họa)

Nhiều người đặt câu hỏi về tính an toàn cũng như quy cách của chuồng nuôi này sau khi để xảy ra sự việc trên, quan điểm của ông thế nào?

- Hiện nay cả nước có trên 7.000 trang trại nuôi 1,5 triệu cá thể kể cả quý hiếm và vật nuôi thông thường, trong đó có các loài nguy cấp quý hiếm. Tất cả các trại nuôi (kể cả nuôi hổ) đều được Chi cục Kiểm lâm địa phương cấp phép, đây cũng là đơn vị tiến hành kiểm tra các trại nuôi, có thể kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tùy thuộc tính chất sự việc.

Những trang trại nuôi có thay đổi biến động về số lượng cá thể (nhập thêm cá thể, chuyển cá thể đó đi nơi khác) hoặc có vấn đề gì liên quan đến sự thay đổi của trại nuôi đều phải báo cáo lên cơ quan chức năng là Chi cục Kiểm lâm. Lúc đó Chi cục Kiểm lâm sẽ kiểm soát những sự thay đổi và kiểm tra quy cách chuồng trại có đúng quy định và đảm bảo an toàn không, nếu chưa đảm bảo an toàn thì cơ quan chắc năng sẽ yêu cầu chủ trại nuôi phải làm lại đúng quy cách. Mỗi trại nuôi có thể có nhiều loài khác nhau và mỗi loài đều có quy cách chuồng trại riêng, ví dụ chuồng trại cho gấu khác hổ và khác các loài khác. Tất cả đều được quy đinh rất rõ ràng.

Tôi nghĩ rằng với sự kiểm tra thường xuyên của Chi cục Kiểm lâm địa phương, và với tính chất đặc thù khi nuôi hổ, một loài nguy hiểm và có thể cắn chết người thì đơn vị nuôi phải đảm bảo quy cách chuồng nuôi.

Sau khi sự việc xảy ra, Tổng cục Lâm nghiệp có chỉ đạo gì về vấn đề này không thưa ông?

- Sự việc này diễn ra ở địa phương, vừa mới xảy ra hôm qua, đây là điều đáng tiếc, xảy ra ngoài ý muốn, hiện nay Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đang phối hợp với cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc. Sau khi có kết quả ban đầu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương sẽ có báo cáo gửi lên tổng cục Lâm nghiệp về sự việc trên, và nếu trong quá trình xử lý có gặp vướng mắc gì thì họ cũng có những kiến nghị trong bản báo cáo và Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có những chỉ đạo cụ thể sau đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đình Thắng (Dân Việt)