Xã hội

Vụ đứa trẻ bị bạn ép nuốt 9 viên bi nam châm: Hãy dạy trẻ cách yêu bản thân

Vụ cháu bé bị bạn ép nuốt 9 viên bi ở TP HCM nếu không sẽ không chơi cùng đã khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng vấn nạn bạo lực học đường. Phải dạy trẻ thế nào để khi bị bạn dọa nghỉ chơi, con vẫn ngẩng cao đầu không sợ sự bỏ rơi?

Vụ đứa trẻ bị bạn ép nuốt 9 viên bi nam châm: Hãy dạy trẻ cách yêu bản thân
Cậu bé 10 tuổi phải cắt ruột vì bị ép nuốt 9 viên bi. Ảnh: TL

Hoại tử ruột, cắt ruột vì bạn ép nuốt bi

Những ngày gần đây, câu chuyện về một cậu bé 10 tuổi phải cắt ruột vì bị bạn học ép nuốt 9 viên bi nam châm gây chú ý. Hiện tại, cháu L phải nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Sau phẫu thuật, cháu L đã tỉnh táo, đi lại bình thường. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn theo dõi tình hình sức khỏe nhằm kiểm soát nhiễm trùng ruột nếu có.

Mới đây, đại diện nhà trường khẳng định, không có hiện tượng bạo lực học đường trong trường học, “không có việc bạn đánh hoặc có hành vi bạo lực để ép bé trai 10 tuổi nuốt bi, chỉ là lời nói dọa nạt giữa những đứa trẻ”. Cháu L cũng từng bị bạn bè cho rằng đã ăn đồ dơ khi mồm cháu bị dính mực. Bị bạn bè trêu chọc nên cô giáo của cháu L đã từng khuyên cháu đừng ăn đồ dơ…

Còn theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 (Hà Nội) thì đây là một dạng bạo lực xảy ra trong trường học, là bạo lực từ bạn bè.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa có kể một câu chuyện tương tự mà chị đã từng trực tiếp tư vấn cho khách hàng. Khách hàng là chị H.M, một người mẹ trẻ có con đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Chị gọi điện đến trung tâm tư vấn để nhờ chuyên gia tìm cách can thiệp việc con mình bị một đứa bạn trong lớp bắt nạt.

Theo câu chuyện chị H.M kể với chuyên gia tư vấn, con chị bị một bạn trong lớp bảo nuốt giấy vệ sinh và cháu đã nuốt. Một phụ huynh trong lớp đến đón con ở trường đã nhìn thấy việc con chị H.M nuốt giấy vệ sinh do bạn học kia bảo, nếu không nuốt thì sẽ không được chơi cùng. Cậu bạn xúi con chị H.M nuốt giấy vệ sinh là một cậu bé nghịch ngợm, đầu têu nhiều trò trong lớp. Sau khi biết việc này, chị H.M đã gặp phụ huynh cậu bé kia, thậm chí nói nặng nhẹ, dọa dẫm đủ cách nhưng cuối cùng con chị vẫn bị cậu bé đó bắt nạt. Sau đó vì sự an toàn của con, chị H.M đã chuyển trường cho con.

Bài học cho phụ huynh về việc dạy trẻ biết tự tôn

Đề cập đến vấn đề trẻ bị bạn học bắt nạt đến mức nuốt viên bi nam châm vào người suýt mất cả tính mạng như vụ việc chúng tôi đã nêu ở trên, hay nuốt cả giấy vệ sinh để được bạn cho chơi cùng, nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ cho rằng, lỗi ở đây không phải chỉ riêng ở phía nhà trường mà còn ở phụ huynh học sinh. Nhà văn Hàn Băng Vũ kể một câu chuyện về nhân vật Lư Tô Vĩ trong cuốn sách “Con không ngốc con chỉ thông minh theo một cách khác”. Hiện tại Lư Tô Vĩ đã là người trưởng thành, có khoảng 50 cuốn sách khoa học và rất nhiều phát minh. Lúc nhỏ, Lư Tô Vĩ bị viêm não Nhật Bản dẫn đến mất trí tuệ. Cậu được gia đình bao bọc nhưng bạn bè lại không muốn chơi cùng. Lư Tô Vĩ đã phải đánh đổi để có được tình bạn. Cậu đem tất cả đồ ăn ngon cho bạn, quỳ xuống làm ngựa cho bạn cưỡi… Khi mẹ Lư Tô Vĩ phát hiện ra đã mắng những đứa trẻ và ngay lập tức những đứa trẻ đó liền không chơi với cậu nữa. Lư Tô Vĩ nói rằng, thực ra phải làm ngựa cho bạn cưỡi hay bị bắt nạt không đáng sợ. Điều đáng sợ hơn cả mà mẹ không biết đó chính là nỗi cô đơn. Không ai bắt nạt để cậu thiệt thòi mà cậu chỉ muốn có người chơi cùng vì cô đơn quá đáng sợ. Tâm lý của con trẻ là vậy, chúng sợ nhất là không được ai chú ý đến, sợ bị bỏ rơi.

Những vụ việc trẻ bị bạn bè bắt nạt như ở trên, lỗi một phần do giáo dục từ cả phía gia đình và nhà trường. Về phía gia đình, các bậc bố mẹ chưa chú ý đến phát triển nhân cách cho con trẻ. Không phải vấn đề ở những trẻ bắt nạt mà vấn đề ở trẻ bị bắt nạt. Những trẻ bị bắt nạt như vậy chúng thường chưa được dạy sự tự tôn, tự tin vào chính mình. Chúng tự ti nhút nhát, sợ bị chê bai như vậy nhiều khả năng là do bố mẹ hay chê bai nó, hoặc là kì vọng quá cao vào nó. Cũng có thể, do bố mẹ hay khen ngợi con nhà người ta trước mặt trẻ, khiến cho đứa trẻ sợ bị thua cuộc. Những đứa trẻ bị bắt nạt thường là những trẻ không có cái tôi, nhân cách yếu, kém tự tin.

Quay lại câu chuyện của cháu L, ở đây là do người lớn quan tâm đến trẻ không đầy đủ, không chỉ là bố mẹ cháu L mà còn là phía cô giáo chủ nhiệm cũng như nhà trường. Ví dụ, trong trường hợp cháu L bị nghi ngờ uống mực, đáng lẽ cô giáo phải hỏi tại sao và giải thích với cả lớp là bạn chỉ gặp tai nạn nên bẩn miệng nhưng cô giáo lại khuyên trẻ không nên ăn đồ bẩn. Khuyên cháu L như vậy là đồng nghĩa với việc kết tội cho trẻ.

Ngoài hai nguyên nhân kể trên thì vấn đề còn lại vẫn là ở cháu L và gia đình cháu. Vấn đề cần phải giải quyết không phải tìm ra lỗi tại ai gây ra sự việc đó mà là tìm cách giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến cháu L thiếu tự tôn, nhân cách yếu. “Vấn đề của bố mẹ em L bây giờ không phải là bảo vệ con hay dạy mấy đứa kia một bài học mà phải dạy cho con lòng tự tôn, thuyết phục cho cháu thấy rằng “con là người xứng đáng, đáng yêu và được yêu thương. Bố mẹ tự hào vì con như thế, để nếu lần sau có ai đó dọa không chơi với con thì con có thể ngẩng cao đầu đáp: Không chơi thì thôi, tớ không cần. Đó là cách dạy trẻ biết yêu bản thân, không chỉ bây giờ mà ngay cả sau này lớn lên đứa trẻ đó sẽ không sợ bị lợi dụng, không sợ bị phụ bạc rằng: “Anh không yêu tôi thì người khác sẽ yêu tôi, tôi đâu cần phải quỵ lụy gì anh”.

Qua vụ việc này, các bậc phụ huynh cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc dạy con, nếu không giáo dục từ bé để có sự tự tôn thì cả cuộc đời sẽ bị người ta điều khiển, điều khiển mà không cần đến một phương pháp bạo lực hay sự đe dọa nào”, nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ nói.

Theo Ngân Khánh- Tuệ San (Giadinh.net.vn)