Xã hội

Vụ dinh thự 'Vua Mèo': Công nhận di sản không phải quốc hữu hóa

Việc công nhận quyền sở hữu hợp pháp dinh thự "vua Mèo" không chỉ phù hợp với pháp luật mà còn tôn trọng lịch sự, giữ được tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Chiều 29-8, ông Vương Duy Bảo (người nhận là cháu nội ông Phùng Chí Sình) cho biết vẫn chưa nhận được thông báo nào từ tỉnh Hà Giang về việc sẽ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu di tích dinh thự "vua Mèo".

Nên tôn trọng lịch sử

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận phải cấp lại giấy tờ đất dinh thự "vua Mèo" cho con cháu dòng họ Vương.

Theo ông Thắng, chính quyền nên cầu thị, đã sai thì phải sửa. Bước thứ nhất, tỉnh Hà Giang đã kịp thời nhận sai khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dinh thự "vua Mèo" cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn nên đã thu hồi. Bước thứ hai là phải cấp lại cho đúng đối tượng có quyền sở hữu dinh thự này, đó là gia tộc họ Vương.

Hiện gia đình họ Vương phải làm hồ sơ thủ tục đầy đủ nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang. Sau đó, cơ quan này phải trả lời cho người dân hướng xử lý. Tùy từng trường hợp cụ thể, vướng mắc vấn đề gì ở đâu thì các cơ quan có thẩm quyền ở lĩnh vực đó sẽ giải quyết.

Đồng quan điểm, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng trong trường hợp này, luật đất đai cũng đã nói rõ, đất đai hay di sản mà tổ tiên để lại thì thuộc thẩm quyền của dòng họ đó. Những người trong bộ máy công quyền nên tôn trọng vấn đề này cũng như tôn trọng lịch sử nhằm giữ được tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Vụ dinh thự 'Vua Mèo': Công nhận di sản không phải quốc hữu hóa
Ông Vương Duy Bảo, người làm đơn đề nghị xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dinh thự “vua Mèo”

"Trường hợp này tỉnh Hà Giang đã thừa nhận việc cấp sổ đỏ sai thì phải sửa. Trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm quyền lợi của con cháu dòng họ Vương, không nên chỉ vì những lợi ích trước mắt mà làm sai luật và đặc biệt làm sai với những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước" - ông Tiến nhấn mạnh.

Nói về hướng giải quyết tiếp theo, ông Tiến đề nghị khi trùng tu bảo tồn di tích thì nhất định không được phá bỏ những giá trị nguyên thủy của di sản. Gia đình họ Vương hãy bắt tay với các cơ quan nhà nước để cùng nhau bảo tồn khu di tích "vua Mèo", bắt tay ở đây là hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan để cùng phát triển.

Theo ông Tiến, ở nhiều nước, nhà nước giao các khu di tích cho con cháu dòng họ đó trông coi, khai thác và con cháu các dòng họ đó có nghĩa vụ chia sẻ lợi ích với nhà nước. Vì vậy, giải quyết trường hợp này phải dựa trên pháp lý và cả đạo lý.

Chỉ quản lý về mặt nhà nước

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định hiện dinh thự "vua Mèo" chưa có xáo trộn, điều chỉnh lần nào nên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2003.

Trước đó, năm 2002, tỉnh Hà Giang hỗ trợ 500 triệu đồng cho các gia đình con cháu họ Vương ra ngoài ở để tu bổ, tôn tạo lại khu di tích thì phải làm rõ đây chỉ hỗ trợ hay còn mục đích khác? Nếu là hỗ trợ thì phải công nhận quyền sở hữu dinh thự đó cho con cháu "vua Mèo", tỉnh Hà Giang chỉ quản lý về mặt nhà nước.

"Luật Di sản văn hóa quy định nếu di sản đó của tư nhân thì phải công nhận quyền sở hữu của tư nhân. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, trợ giúp để bảo vệ di sản. Công nhận di sản không đồng nghĩa với quốc hữu hóa" - GS Võ khẳng định.

Theo Duy Thanh (Nld.com.vn)