Xã hội

Vụ 'chống trượt' tại ĐH Công Nghiệp: Bộ Công Thương yêu cầu kiểm điểm

Thâm nhập lớp học ngoại ngữ Đại học Công nghiệp, lật tẩy chiêu trò "chống trượt" bằng tiền

Sau loạt bài phóng sự điều tra của Báo Lao Động điện tử, Bộ Công Thương đã lập tổ xác minh sai phạm tại khoa Ngoại ngữ- Đại học Công nghiệp Hà Nội và đã có kết luận.

Vụ 'chống trượt' tại ĐH Công Nghiệp: Bộ Công Thương yêu cầu kiểm điểm

"Đạo diễn" sai phạm

Ngày 20.12, Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố kết luận về nội dung phản ánh trong loạt phóng sự: "Tiền tỉ chống trượt đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội", đăng tải trên Báo Lao Động cách đây một tháng.

Theo đó, ngay sau khi có thông tin phản ánh trên Báo Lao Động, Bộ Công Thương thành lập tổ xác minh vụ việc tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Vụ 'chống trượt' tại ĐH Công Nghiệp: Bộ Công Thương yêu cầu kiểm điểm - 1
Cảnh đóng tiền "chống trượt" diễn ra nườm nượp tại khoa Ngoại ngữ.

Căn cứ nội dung phản ánh, kết quả xác minh, các tài liệu chứng cứ, giải trình của tập thể, cá nhân có liên quan, đối chiếu quy định của pháp luật, Bộ Công Thương đưa ra kết luận như sau:

Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngoại ngữ tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong khi Đề án, chương trình học bổ sung kiến thức chưa được Hiệu trưởng phê duyệt, Trưởng khoa Ngoại ngữ đã tự quyết định thành lập lớp, sử dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của nhà trường, đưa ra mức thu không có cơ sở, thu tiền của sinh viên không có phiếu thu.

Khoản tiền đã thu được quản lý tại Khoa Ngoại ngữ chưa nộp về Nhà trường theo quy định và tự quyết định một số chi phí; tổ chức kiểm tra không tuân thủ Quy định của trường về tổ chức hoạt động đánh giá kết quả học tập sinh viên.

Việc phát ngôn của một số giáo viên thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, Quy chế làm việc của trường, lãnh đạo nhà trường chưa kịp thời kiểm tra, giám sát, không có biện pháp xử lý về các vi phạm trên.

Xử lý tập thể, cá nhân liên quan

Bộ Công Thương đã yêu cầu trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có biện pháp khắc phục triệt để các vi phạm trên. Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm khắc hoặc đề nghị hình thức xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra những sai phạm nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 10.1.2019.

Đồng thời rà soát và tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý tài chính...; chấm dứt việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không đảm bảo quy định của pháp luật.

Vụ 'chống trượt' tại ĐH Công Nghiệp: Bộ Công Thương yêu cầu kiểm điểm - 2
Giảng viên khoa ngoại ngữ hướng dẫn cách gian lận cho sinh viên trước ngày thi.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho viên chức quản lý, giảng viên, nhân viên, người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật, các quy định hiện hành trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý và chấp hành nền nếp, kỷ cương của cơ sở giáo dục đào tạo.

Ngoài ra, một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến vụ việc phản ánh trên Báo Lao Động điện tử. Hiện nay, Đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thanh tra tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về công tác tổ chức học và thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn đầu ra trình độ đại học theo Quyết định số 101/QĐ-TTr ngày 22.11.2018 của Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Loạt phóng sự "Tiền tỉ chống trượt đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội" đăng tải trên Báo Lao Động, cách đây 1 tháng, đã bóc trần những mánh khóe gian lận thi cử tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Theo đó, thay vì nâng cao chất lượng để đáp ứng chuẩn đầu ra môn tiếng Anh được quy định khắt khe bởi Bộ GDĐT, tại trường đã để diễn ra các kỳ thi cấp chứng chỉ đầy gian dối.

Sinh viên nào không chịu đóng khoản phí “chống trượt” 1,9 triệu đồng/người thì sẽ “auto trượt” – như cách nói của sinh viên, hoặc sẽ “bị chấm theo cách khác” – như thừa nhận của chính các giảng viên.

Theo Nhóm PV (Lao Động)