Xã hội

Vụ BOT Cai Lậy: Chuyển gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang

Tiền mệnh giá 100 đồng hoàn toàn vẫn còn yếu tố pháp lý để lưu thông trên thị trường.

Vụ BOT Cai Lậy: Chuyển gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang
Một tài xế đang dùng 25.100 đồng để mua vé 25.000 đồng, rồi yêu cầu được thối lại đúng 100 đồng.

Vừa qua, các tài xế đã đồng loạt phản đối việc trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) được đặt trên Quốc lộ 1 thay vì đường tránh. Cụ thể, các tài xế đã dùng số tiền 25.100 đồng để mua vé có mệnh giá 25.000 đồng. Trong khi các nhân viên tại trạm thu phí không thể tìm được 100 đồng để thối cho các tài xế, thì các tài xế lại không muốn nhận nhiều hơn số tiền thừa.

Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với PV chiều 1/12, bà Nguyễn Thị Đậm - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, thực tế đã một thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng tiền 100 đồng. Tuy nhiên, khi phát sinh vụ việc liên quan tới tiền 100 đồng như tại BOT Tiền Giang thì chi nhánh này đã xin lệnh để chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về.

“Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn cung ứng đủ tiền cho nền kinh tế. Riêng tiền 100 đồng, trong một thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng nên chi nhánh để ở kho tiền trung ương tại TP.HCM. Khi phát sinh việc này, chúng tôi đã xin lệnh điều gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang”, bà Đậm nói.

Bà Đậm khẳng định lại một lần nữa là tiền đã có sẵn và đang chuyển về Tiền Giang. “Bây giờ đã hết giờ làm việc nên không rõ tiền có về kịp trong chiều nay (1/12 - PV) hay không. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định là sẽ có tiền cung ứng”, bà Đậm nhấn mạnh thêm.

Vụ BOT Cai Lậy: Chuyển gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang - 1
Thông tin về tiền mệnh giá 100 đồng trên trang web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng theo bà Đậm, nếu doanh nghiệp nào trên địa bàn có nhu cầu sử dụng tiền mệnh giá 100 đồng thì họ phải tới ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản để yêu cầu số tiền cần rút. Sau đó, ngân hàng thương mại sẽ trả lời doanh nghiệp và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang cung ứng.

Cũng trao đổi với PV vào chiều 1/12, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, tiền 100 đồng rất ít được dùng trên thị trường do có mệnh giá quá nhỏ. Tuy nhiên, khi thị trường có nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng cung ứng.

Về việc các tài xế yêu cầu nhân viên tại BOT Cai Lậy phải thối đúng 100 đồng tiền thừa khi mua vé, ông Tú khẳng định: “Về mặt pháp lý thì không có gì sai vì loại tiền 100 đồng hoàn toàn vẫn còn yếu tố pháp lý, nhưng trên thực tế rất ít dùng”.

Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)