Xã hội

Vụ bảo vệ BV Nhi T.Ư chặn xe cấp cứu: Kiếm chác trên nỗi đau người bệnh

Những ngày qua, dư luận bức xúc về việc bảo vệ của Bệnh viện Nhi T.Ư gây khó khăn cho người nhà bệnh nhân đưa trẻ hấp hối rời bệnh viện khiến trẻ tử vong trên xe. Sự việc cũng hé lộ nhiều khuất tất trong cung ứng dịch vụ xe chuyên chở bệnh nhân tại bệnh viện này.

Những ngày qua, dư luận bức xúc về việc bảo vệ của Bệnh viện Nhi T.Ư gây khó khăn cho người nhà bệnh nhân đưa trẻ hấp hối rời bệnh viện khiến trẻ tử vong trên xe. Sự việc cũng hé lộ nhiều khuất tất trong cung ứng dịch vụ xe chuyên chở bệnh nhân tại bệnh viện này.

Chị Hoàng Thị Soa (mẹ cháu bé) gào khóc, bức xúc trước những hành vi cản trở không cho xe cấp cứu ra khỏi bệnh viện vào sáng ngày 2/7 (ảnh chụp từ clip).

Bao che sai phạm?

Trả lời báo chí, bà Lê Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, nói: “Theo nguyên tắc, xe cấp cứu có chở bệnh nhân trên xe, tài xế phải xuất trình giấy tờ thì mới được cho vào bệnh viện. Bệnh viện bé, xe nào cũng cho vào đỗ bên trong thì không được”. 

Tuy nhiên, anh Nguyễn Cảnh Toàn, người lái xe cứu thương bị chặn tại Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 2/7, khẳng định, lúc lái xe vào bệnh viện, anh không hề gặp bất cứ sự cản trở nào của bảo vệ, chỉ đến khi định đưa bệnh nhân ra khỏi viện thì mới gặp phản ứng dữ dội của đội ngũ bảo vệ bệnh viện như clip hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Phản ứng trước thông tin bà Hương nói rằng: “Sau khi di chuyển được khoảng 20m thì lái xe dừng lại, không đi nữa và tự gọi điện thoại cho lực lượng 113. Phía bảo vệ cũng mời ngay công an phường Láng Thượng đến giải quyết”, anh Toàn khẳng định, không có chuyện khi bệnh nhân đã ra xe cứu thương, bảo vệ bệnh viện cho xe đi mà anh chỉ đi 20m rồi dừng lại. 

Anh Toàn kể lại, hôm đó, khi đang đỗ xe vào trước sảnh cấp cứu để đón bệnh nhân thì có hai người lạ mặt đến nói anh không được phép đón bệnh nhân ra. Một lát sau, bảo vệ của bệnh viện đến cũng nói là không được đón bệnh nhân ra. Giữa hai bên có nói nhau qua lại, phía bảo vệ mang xích dây ra dọa xích xe của anh Toàn lại, dọa đóng cổng không cho xe ra khỏi viện.

Anh Toàn nói: “Lúc đó trên xe có một nhân viên y tế đang bóp bóng cho bệnh nhi, cháu bé sức khỏe đã rất yếu và sợ ảnh hưởng việc đi lại cấp cứu bệnh nhân khác nên tôi đã đánh xe xuống phía đường dừng lại và gọi cho bên 113 đến giải quyết. 

Tôi cũng không bóp còi inh ỏi như bà phó giám đốc bệnh viện nói, tôi lái xe cứu thương là loại xe đặc biệt, tôi biết lúc nào nên bóp còi và không nên, nhất là khi đang ở trong bệnh viện chứ không phải ngoài đường”.

 Anh Toàn chia sẻ thêm, trong 6 năm làm lái xe cứu thương, anh từng đưa đón rất nhiều bệnh nhân đến các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai và đây là lần đầu tiên anh gặp trường hợp đáng tiếc như thế này khiến trẻ tử vong trên xe mà không kịp về nhà như mong muốn của gia đình.

Hưởng lợi trên nỗi đau người bệnh

Theo anh Toàn, bảo vệ bệnh viện không cho xe của anh chở bệnh nhân ra khỏi viện vì muốn ép người nhà bệnh nhân dùng xe “dù” vận chuyển với giá 7 triệu đồng, trong khi anh Toàn chỉ lấy tiền xe là 2,5 triệu đồng cho quãng đường khoảng 400km.

Đại diện HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, với hàng vạn lượt xe ra vào hằng ngày tại các bệnh viện lớn thì số tiền thu được không hề nhỏ. Dịch vụ trông giữ xe tại đây đang rất cần được tăng cường kiểm tra giám sát. Nguyên nhân là với cơ chế “khoán trắng” cho các doanh nghiệp thì rõ ràng là doanh thu thực tế thu được từ trông giữ xe là rất khó kiểm soát. “Sắp tới, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành việc giám sát đối với các hoạt động này”, vị đại diện HĐND thành phố khẳng định.

Bà Hương cho rằng, khuôn viên bệnh viện chật hẹp nên không thể cho taxi hay xe của người nhà bệnh nhân tự ý ra vào. Nhưng theo nguồn tin của phóng viên, từ vài năm nay, khu vực  sân của bệnh viện này đã được cho chính Công ty AZ, đơn vị có đội ngũ bảo vệ liên quan đến vụ việc trên, “thầu” để cho người nhà bệnh nhân gửi xe ô tô suốt ngày đêm.Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, anh Lê Minh (nhà tại 102 Trường Chinh) khẳng định, anh từng gửi xe ô tô qua đêm nhiều ngày trong bệnh viện với giá 120 nghìn đồng/đêm. “Nhân viên trông xe nói gửi từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng giá 90 nghìn đồng. Nhưng có ai lấy xe ra đúng 6 giờ sáng được đâu nên đành nghiến răng nộp thêm 1 ca nữa là 30 nghìn đồng/lần gửi. Nếu gửi cả ngày và đêm thì phải trả hơn 200 nghìn đồng/xe. Bãi xe tại đây luôn rất đông người gửi”, anh Lê Minh nói. 

Qua tìm hiểu được biết, Bệnh viện Nhi đấu thầu việc trông xe này và Công ty AZ là đơn vị trúng thầu hằng tháng nộp một khoản cho bệnh viện, lợi nhuận còn lại Công ty AZ hưởng. Tại đây cũng hình thành cơ chế đặc quyền, ngoài những xe của bệnh viện và taxi đã “hợp tác” với bệnh viện thì không có bất kỳ xe dịch vụ nào vào đây để đón khách và bệnh nhân cùng người nhà đương nhiên không có lựa chọn nào khác. 

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thường xuyên có khoảng 10 ô tô của hãng taxi ACB đậu đón khách trong khuôn viên bệnh viện. Ngoài hãng taxi ACB thì không có bất kỳ hãng xe taxi nào có thể lọt vào cổng viện này để đón trả khách. Những hình ảnh trong 2 clip lan truyền trên mạng xã hội những ngày vừa qua cho thấy, xe cứu thương ngoại tỉnh, không có hợp đồng với bệnh viện này muốn chở bệnh nhi hấp hối về đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía đội ngũ bảo vệ của Bệnh viện Nhi T.Ư.

Trước sự việc xảy ra tại Bệnh viện Nhi T.Ư, ngày 8/7, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Nhi T.Ư báo cáo chi tiết và trả lời báo chí. Ngay trong chiều 7/7, Ban giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư quyết định: Yêu cầu Công ty AZ đình chỉ hoạt động của kíp bảo vệ bị phản ánh, chấn chỉnh lại toàn bộ đội ngũ bảo vệ. Nếu Công ty AZ không đảm bảo được chất lượng đội ngũ nhân viên thì sau 1 tuần, Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp này.

Giám đốc BV Nhi T.Ư Lê Thanh Hải cho biết, bệnh viện đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ có hay không việc công ty bảo vệ liên kết với các xe cứu thương “dù” để ép người bệnh với giá cao.

Bệnh viện và Công ty AZ xin lỗi gia đình bệnh nhi

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chị Hoàng Thị Soa, mẹ bệnh nhi, cho biết, chiều 8/7, đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư, Công ty AZ đến thắp hương cho cháu bé và xin lỗi gia đình vì sự việc đáng tiếc vừa qua. Đại diện bệnh viện cũng trao cho bố mẹ bệnh nhi số tiền 35 triệu đồng trong tổng số 40 triệu đồng do nhà tài trợ tài trợ cho bé trong quá trình nằm viện.

Chấn chỉnh công tác vận chuyển người bệnh

Ngày 8/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ký công văn gửi giám đốc các bệnh viện, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố về công tác vận chuyển người bệnh ra, vào tại các cơ sở khám chữa bệnh. Ông Khuê cho biết, trước thực trạng hoạt động thiếu kiểm soát của dịch vụ vận chuyển người bệnh ra, vào tại một số cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương rà soát và gỡ bỏ ngay (nếu có) các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về… trong trường hợp không cần trợ giúp y tế.

Đối với các trường hợp chuyển viện, cấp cứu cần sự trợ giúp y tế, phải giải thích cho người bệnh cần sử dụng xe chuyên dụng (xe cứu thương bệnh viện, xe vận chuyển cấp cứu 115). Trường hợp người bệnh tự chọn dịch vụ vận chuyển phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm về an toàn người bệnh. Các trường hợp vận chuyển thi thể người bệnh thuộc loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đề nghị thực hiện theo Điều 18 Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm. Đào tạo nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ nhân viên bệnh viện, bao gồm cả nhân viên bảo vệ. Quy định rõ trong hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo về điều khoản về giao tiếp ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh. Giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên bảo vệ có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh ra vào cơ sở khám chữa bệnh.

Thái Hà

 
Theo Thái Hà (Tiền Phong)