Xã hội

Vụ băng trộm đâm chết 2 hiệp sĩ Sài Gòn: Xuất hiện nhiều facebook giả mạo chủ xe SH

Video: Chủ nhân chiếc SH trong vụ cướp làm 3 hiệp sĩ tử vong lên tiếng

Ngay sau vụ việc 2 "hiệp sĩ bắt cướp" ở Sài Gòn thiệt mạng tối 13/5 do truy bắt băng trộm xe SH, một số Facebook giả mạo chủ xe SH xuất hiện với những bình luận vô cảm, gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 13/5, hai "hiệp sĩ bắt cướp" và 3 người khác bị thương sau sự việc nhóm 7 "hiệp sĩ" đường phố đuổi bắt nhóm trộm bẻ khóa xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM.

Sau đó, trên mạng xuất hiện nhiều tài khoản Facebook mang tên D.T - người được cho là chủ nhân chiếc SH trong vụ án băng trộm đâm chết 2 "hiệp sĩ" giữa Sài Gòn.

Một số trang facebook cá nhân lập ra giả mạo có nội dung đăng tải cách đây vài tiếng đồng hồ và được chỉnh sửa ngày đăng với thời gian xa thực tế để đánh lừa lòng tin của mọi người. Những facebook giả mạo này cũng có rất ít bạn bè.

Mục đích các tài khoản này lập ra thường để câu like và hu hút lượng tương tác cao từ những ai đang quan tâm, sau đó sẽ đổi tên để bán hàng hoặc bán lại tài khoản. Được biết, các trang cá nhân, fanpage sở hữu hàng trăm nghìn lượt theo dõi có thể có giá vài chục triệu đồng.

Vụ băng trộm đâm chết 2 hiệp sĩ Sài Gòn: Xuất hiện nhiều facebook giả mạo chủ xe SH

Vụ băng trộm đâm chết 2 hiệp sĩ Sài Gòn: Xuất hiện nhiều facebook giả mạo chủ xe SH - 1

Vụ băng trộm đâm chết 2 hiệp sĩ Sài Gòn: Xuất hiện nhiều facebook giả mạo chủ xe SH - 2
Rất nhiều facebook giả mạo tên ''D.T" được lập ra sau vụ việc.

Đáng nói, để "thỏa mãn'' mục đích cá nhân, những tảng facebook "fake'' này còn chia sẻ, đăng tải những bình luận phản cảm, thiếu văn hóa về sự việc những ''hiệp sĩ'' đường phố phải bỏ mạng. Sự vô cảm này khiến dân mạng vô cùng bất bình và bức xúc, lên tiếng chỉ trích gay gắt về phía chủ nhân chiếc xe SH suýt bị mất trộm.

Vụ băng trộm đâm chết 2 hiệp sĩ Sài Gòn: Xuất hiện nhiều facebook giả mạo chủ xe SH - 3
Bình luận vô cảm từ tài khoản D.T giả. Ảnh chụp màn hình.

Trong khi đó, chủ chiếc xe SH bị bẻ khóa là anh Lỗ Hoài Phương, 32 tuổi, đang làm quay phim cho một kênh truyền hình.

Sáng 14/5, tại trang cá nhân, "hiệp sĩ" đường phố Nguyễn Việt Sin đăng tải đoạn clip nói chuyện trực tiếp với anh Lỗ Hoài Phương, anh Phương cũng nói về việc bị mạo danh Facebook, dùng lời lẽ vô cảm với những người đã giúp đỡ mình.

Theo đó, anh Phương cho biết vào khoảng 20h10 tối 13/5, anh để xe SH ở ngoài cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM), 10 phút sau không thấy xe đâu.

Anh chạy ra ngoài, tưởng hai bên giang hồ đang đánh nhau, thấy một người bị thương nằm đó, khi hỏi mới biết đó là "hiệp sĩ" bắt cướp đã giúp lấy lại chiếc xe SH của anh.

Người đàn ông 32 tuổi khẳng định những bình luận vô cảm trên Facebook không phải của mình. Vào thời điểm đó, anh còn đang ở đồn công an làm việc tới 2h sáng. Anh Phương cũng cho biết, sau khi làm việc với cơ quan công an trong buổi sáng nay (14/5), anh sẽ đến nhà các nạn nhân trong vụ việc: ''Một lần nữa tôi xin cảm ơn và chia buồn với các anh hiệp sĩ. Chiều nay, tôi sẽ qua thăm nhà các nạn nhân".

Để tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận trên Facebook, người dùng cần để ý kĩ thời gian lập Facebook, theo dõi các bài viết đăng tải trước đó… để xác định đâu là tài khoản thật và đâu là giả mạo nhằm tránh bị dắt mũi trên mạng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP. Hà Nội), việc lập facebook giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006, cụ thể, theo Điều 77, Luật Công nghệ thông tin như sau:

"1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

2. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật"

Trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (điểm đ, khoản 3, Điều 64, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/ 11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).

Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo facebook cùa người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự, cụ thể:

Nếu dùng facebook giả mạo xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

Theo Minh Khôi (Thời Đại)