Xã hội

"Vô tư" mua bán giấy tờ tùy thân

Giấy chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp, tuy nhiên loại giấy tờ này đang được mua bán công khai ở các tiệm cầm đồ, cửa hàng đồ cũ trên địa bàn TPHCM, trở thành phương tiện để kẻ xấu sử dụng vào mục đích lừa đảo.

 
Giấy chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp, tuy nhiên loại giấy tờ này đang được mua bán công khai ở các tiệm cầm đồ, cửa hàng đồ cũ trên địa bàn TPHCM, trở thành phương tiện để kẻ xấu sử dụng vào mục đích lừa đảo.
 

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng CMND của người khách để làm thẻ ATM, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo diễn ra khá phổ biến.

Qua nhiều ngày tìm hiểu, PV Dân trí phát hiện tình trạng mua bán giấy CMND trên địa bàn TPHCM diễn ra khá nhộn nhịp. Người bán hoàn toàn không quan tâm đến việc người mua sử dụng loại giấy tờ này vào mục đích gì.

Tại các tiệm cầm đồ ở vùng ven TPHCM, khi có người hỏi mua CMND, đa số nhân viên đều đáp ứng.

Chỉ cần bỏ ra từ 150-200 ngàn đồng, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu ngay một giấy CMND mang tên người khác.

1-1469804881558
 
Nhân viên tiệm cầm đồ C.P. lấy xấp chứng minh nhân dân cũ cho khách chọn lựa
Nhân viên tiệm cầm đồ C.P. lấy xấp chứng minh nhân dân cũ cho khách chọn lựa

Trưa 27/7, trong vai người cần tìm mua CMND cũ, chúng tôi ghé tiệm cầm đồ C.P (trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp). Thấy khách, nhân viên tiệm cầm đồ tên P. hỏi “Cần gì”?.

Khi biết chúng tôi cần tìm mua giấy chứng minh, P. mở tủ lấy ra một túi nilon chứa hơn chục loại giấy tờ như: CMND, bằng lái, giấy đăng ký xe… đưa khách xem.

P. cho biết, giá CMND là 150 ngàn đồng, ngoài ra P. còn bán các loại giấy tờ khác như: bằng lái 200 ngàn đồng, giấy đăng ký xe 300 đồng.

Thấy khách có vẻ không vừa ý, P. lấy thẻ chứng minh nhân dân của người quê Đắk Lắk sinh năm 1994 ra giới thiệu, “Người này tầm tuổi anh nè, chỉ cần lột ảnh ra dán lại là sử dụng được thôi”.

Khi được hỏi về nguồn gốc của số giấy tờ này, P. cho biết do khách cầm cố và bỏ.

Tương tự, tại một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Văn Nghi (phường 5, quận Gò Vấp), T. (36 tuổi), nhân viên của tiệm cầm đồ cũng vô tư giới thiệu CMND khi có khách hỏi mua.

Tiệm cầm đồ C.P đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, nơi diễn ra hoạt động mua bán giấy tờ tùy thân
Tiệm cầm đồ C.P đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, nơi diễn ra hoạt động mua bán giấy tờ tùy thân

T. cho biết, trước đây cửa hàng có rất nhiều CMND cũ nhưng vừa bán hết, hiện chỉ còn duy nhất một tấm chứng minh của nữ quê Tiền Giang và ra giá 100 ngàn đồng.

Khi nhắc đến nguồn gốc của các loại giấy tờ tùy thân này, T. cho biết khách cầm rồi bỏ luôn. “Họ bỏ rồi thì mình có quyền thanh lý để thu hồi vốn chứ”, T. giải thích.

“Các loại bằng lái, chứng minh này dân nghiện đem đến bán nhiều lắm, anh cứ cho em số điện thoại, khi nào có hàng em gọi đến lấy, chỗ em cứ vài ngày có người mang đến bán”.

Tiếp tục ghé một tiệm cầm đồ trên đường Dương Quảng Hàm (phường 6, quận Gò Vấp), phóng viên nhận thấy, tình trạng mua bán giấy tờ tùy thân ở đây cũng diễn ra công khai.

Thấy chúng tôi hỏi mua CMND, lúc đầu nam nhân viên có chút dò xét nhưng rồi cũng đem ra một xấp khoảng 20 giấy chứng minh, bằng lái, giấy đăng ký xe để khách chọn.

Nam nhân viên này cho biết, muốn mua bao nhiêu cũng có, giá 200 ngàn đồng/cái, nếu cần nhiều thì sẽ đi gom hàng ở các tiệm quen.

Nhân viên một tiệm cầm đồ khác lấy chứng minh cho khách xem và ra giá 200 ngàn đồng
Nhân viên một tiệm cầm đồ khác lấy chứng minh cho khách xem và ra giá 200 ngàn đồng

Trong những ngày tìm hiểu thực trạng mua bán CMND cũ trên địa bàn TPHCM, PV Dân trí phát hiện, đa số các tiệm cầm đồ đều chấp nhận mua bán các loại giấy tờ tùy thân.

Khi được hỏi về việc mua bán các loại giấy tờ tùy thân này không sợ bị công an xử lý hay sao, đa số nhân viên các tiệm cầm đồ điều cho biết, cũng lo sợ nhưng một khi đã đứng ra kinh doanh loại hình này thì phải chấp nhận rủi ro.

Việc mua bán giấy tờ tùy thân cũng diễn ra công khai tại một số điểm bán đồ cũ trên đường Hùng Vương (đoạn sau trung tâm thương mại An Đông, quận 5), dọc quốc lộ 50 (đoạn gần bến xe quận 8) và chợ Dân Sinh (quận 1).

Tại các địa điểm này, người bán thường giấu chứng minh ở địa điển kín đáo, khi có khách hỏi mới mang ra.

 Các điểm bán đồ cũ trên đường Hùng Vương và quốc lộ 50 cũng sẵn sàng cung cấp chứng minh nhân dân cũ khi có khách hỏi mua
Các điểm bán đồ cũ trên đường Hùng Vương và quốc lộ 50 cũng sẵn sàng cung cấp chứng minh nhân dân cũ khi có khách hỏi mua

Khách hàng chỉ cần cho biết giới tính, năm sinh thì người bán sẽ báo có hàng hay không và ra giá cụ thể. Giá này tùy thuộc vào tình trạng giấy cũ, mới. Việc mua bán dễ dàng, người bán không quan tâm đến người mua về làm gì.

Với những tấm CMND thu mua được, đối tượng xấu có thể tách ảnh, chèn ảnh rồi sử dụng thiết bị ép lại và thản nhiên đi làm thẻ ATM dưới một lý lịch khác.

Từ đây, những chiếc thẻ ATM dưới một địa chỉ “ma” trở thành công cụ nhận, chuyển, rút và chiếm đoạt tiền lừa đảo của nhiều người bị hại.

Điển hình như mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) - Công an TPHCM vừa bắt khẩn cấp 2 nghi can Phan Văn Ngoan (57 tuổi, quê huyện Củ Chi, TPHCM) và Trần Thị Tuyết Phong (36 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) để điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, Ngoan là đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo. Riêng Phong có hành vi sử dụng CMND của người khác để đăng ký làm thẻ tài khoản rồi cung cấp cho Ngoan dùng vào việc nhận tiền lừa đảo.

Trước đó không lâu, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM cũng bắt giữ 2 đối tượng Phạm Tiến Mạnh (32 tuổi, ngụ quận 8) và Hạp Tiến Bác (46 tuổi, ngụ quận Tân Phú) để điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Thủ đoạn của 2 đối tượng này là đăng thông tin bán xe trên mạng với giá rẻ hơn thị trường, sau đó nhiều nạn nhân đã liên hệ hỏi mua xe thì Mạnh kêu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản và chiếm đoạt.

Giấy chứng minh nhân dân cũ và thẻ ATM mà công an thu giữ trong vụ giả danh Việt kiều lừa đảo mới đây
Giấy chứng minh nhân dân cũ và thẻ ATM mà công an thu giữ trong vụ giả danh Việt kiều lừa đảo mới đây

Khi công an vào cuộc điều tra thì phát hiện những số tài khoản chuyển tiền trên đều là tài khoản “ma” nên rất khó trong việc truy tìm chân tướng kể lừa đảo.

Đến khi bị công an bắt giữ, các đối tượng mới thừa nhận là đến các tiệm cầm đồ mua giấy CMND cũ về dán ảnh mình vào, sau đó tới ngân hàng mở tài khoản để thực hiện việc lừa đảo.

Tình trạng mua bán CMND cũng khiến không ít người gặp rắc rối khi giấy tờ của họ bị đánh rơi, mất cắp và trở thành công cụ để các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm pháp, khiến chủ nhân của những loại giấy tờ này bị vạ lây.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định tại điều 9 nghị định 167 ngày 12/11/2013 của Chính phủ, người có hành vi sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; tẩy xóa, sửa chữa CMND; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.

Đối với người có hành vi làm giả CMND; sử dụng CMND giả sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng. Người có hành vi thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng.

Theo Đình Thảo (Dân Trí)