Xã hội

'Vợ chồng' rùa vô sinh ở TQ và 13 năm cứu loài rùa Hồ Gươm thất bại

Hy vọng cứu loài rùa Hồ Gươm bị dập tắt khi rùa cái cuối cùng được biết đến đã tử vong, dù con người đã "gả" nó cho một rùa đực và dành hơn một thập kỷ tìm cách nhân giống.

Một con rùa cái mai mềm khổng lồ sông Dương Tử (Rafetus swinhoei) đã chết trong lần thụ tinh nhân tạo thứ năm vào ngày 13/4 ở vườn thú Tô Châu, ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Đây là dấu chấm hết cho nỗ lực kéo dài hơn một thập kỷ nhằm cứu loài rùa nguy cấp này.

Một nhóm các chuyên gia Trung Quốc và quốc tế từ vườn thú, Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) và Liên minh Sinh tồn Rùa (TSA) đang điều tra nguyên nhân chính xác của cái chết.

Loài rùa còn có những tên gọi khác như rùa Hoàn Kiếm, rùa mai mềm Thượng Hải, và được cho là cùng loài với cụ rùa Hồ Gươm trước đây.

'Vợ chồng' rùa vô sinh ở TQ và 13 năm cứu loài rùa Hồ Gươm thất bại
Một con rùa cái mai mềm khổng lồ sông Dương Tử. Ảnh: VCG Photo.

“Con mèo biển” gần như tuyệt chủng

Ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc, rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử có biệt danh là “mèo nước” vì đầu giống mèo và có đốm giống như báo. Khi con rùa ngoi đầu lên khỏi mặt nước, sẽ trông giống như con mèo đang nổi trên sông, theo đài CGTN (Trung Quốc).

Được coi là loài rùa nước ngọt còn sống lớn nhất thế giới, rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử có thể dài tới 1,5 m và nặng trên 100 kg. Những con rùa này có thể sống tới 160 năm. Chúng từng phân bố rộng rãi ở thung lũng sông Dương Tử và thung lũng sông Hồng.

Kể từ 2006, không con rùa mai mềm khổng lồ Dương Tử nào được tìm thấy ở thung lũng sông Hồng. Hiện nay, có những con số khác nhau về số lượng cá thể còn sót lại.

Theo CGTN, chỉ có năm cá thể loài rùa này trên thế giới vào năm 2016, và tất cả đều được nuôi nhốt. Tuy nhiên, theo Global Times, một nhân viên vườn thú Tô Châu vừa qua cho biết thế giới hiện chính thức ghi nhận 3 cá thể rùa mai mềm Dương Tử: một cá thể đực đang sinh sống tại Tô Châu, và hai cá thể còn lại chưa rõ giới tính hiện sống tại Việt Nam.

Vì vậy, loài rùa này được liệt kê là cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế).

Để cứu loài rùa, hội thảo đầu tiên về bảo vệ rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử được tổ chức ở Tô Châu vào tháng 9/2006. Quan chức các vườn thú Trung Quốc, từ TSA, WCS và các chuyên gia quốc tế đã đồng ý để các con rùa từ các vườn thú giao phối để duy trì giống nòi.

'Vợ chồng' rùa vô sinh ở TQ và 13 năm cứu loài rùa Hồ Gươm thất bại - 1
Một con rùa đực mai mềm khổng lồ sông Dương Tử. Ảnh: CCTV.

Gian truân tìm "nàng dâu"

Kế hoạch ban đầu là chuyển con rùa cái mai mềm khổng lồ Dương Tử ở vườn thú Thượng Hải đến “cưới” con rùa đực ở vườn thú Tô Châu. Tuy nhiên, con rùa cái này không sống sót qua mùa đông 2006.

Con rùa cái còn lại có tên Yuanyuan ở tỉnh Tô Châu, cũng đã biến mất nhiều năm trước.

Không còn con rùa cái nào được ghi nhận, hy vọng duy trì loài vật này trở nên mong manh. Hiệp hội Vườn thú Trung Quốc sau đó kêu gọi tất cả các sở thú chụp ảnh các con rùa tương tự tại các cơ sở của họ.

Một bức ảnh từ vườn thú Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Các đốm trên đầu rùa trông rất giống rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử.

Ngay sau hội thảo thứ hai vào năm 2007, điều phối viên dự án của WCS Lu Shunqing và chuyên gia TSA Gerald Kuchling đến vườn thú Trường Sa. Họ kết luận đó chính là con rùa cái mai mềm khổng lồ Dương Tử. Điều đáng mừng hơn cả là con rùa này vẫn đẻ trứng trong nhiều năm nay.

Cuối cùng, họ đã tìm thấy một nàng dâu sau các nỗ lực tưởng chừng như tuyệt vọng. Con rùa cái mai mềm khổng lồ Dương Tử không biết rằng số phận của cả loài đang phụ thuộc vào nó cũng như con rùa “chồng” mà nó chưa gặp.

'Vợ chồng' rùa vô sinh ở TQ và 13 năm cứu loài rùa Hồ Gươm thất bại - 2
Cá thể rùa đực mai mềm khổng lồ sông Dương Tử ở vườn thú Tô Châu ngày 6/5/2015, ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: VCG Photo.

'Vợ chồng' rùa hiếm muộn

Ngày 6/5/2008, con rùa cái được vận chuyển an toàn từ vườn thú Trường Sa đến vườn thú Tô Châu. Cùng năm đó, hai con rùa đã giao phối và đẻ hơn 100 trứng. Nhưng tiếc thay, không quả trứng nào sinh ra rùa con.

Từ tháng 4 đến tháng 7/2009, con rùa cái đã đẻ bốn tổ trứng. Có những quả trứng đã được thụ tinh, nhưng phôi đã chết trong quá trình ấp nhân tạo.

Các chuyên gia nghi ngờ rằng rùa mai mềm khổng lồ Dương Tử có thể không có đủ các dưỡng chất như canxi, khiến mai bị mỏng. Họ vẫn không bỏ cuộc.

Nhưng không may, tất cả các trứng có phôi thai được đẻ ra trong các năm 2010-2013 đều không thể sinh ra rùa con. Vì những thất bại liên tiếp, các chuyên gia chuyển sang giải pháp cuối cùng: thụ tinh nhân tạo.

'Vợ chồng' rùa vô sinh ở TQ và 13 năm cứu loài rùa Hồ Gươm thất bại - 3
Các chuyên gia động vật đang thực hiện thụ tinh nhân tạo trên con rùa cái mai mềm khổng lồ sông Dương Tử ở vườn thú Tô Châu ngày 6/5/2015. Ảnh: VCG Photo.

Giải pháp cuối cùng táo bạo

Mùa hè 2015 là thời điểm khó quên với các chuyên gia, khi họ bắt đầu các bước thụ tinh nhân tạo đầu tiên. Họ phát hiện có thể trứng không sinh ra được rùa con là vì dương vật của con rùa đực 100 tuổi đã bị tật. Họ đoán rằng con rùa đực đã bị thương sau khi đánh nhau với các con rùa đực khác.

Vì lượng tinh dịch lấy được từ con rùa đực có hàm lượng tinh trùng thấp, ba lần thụ tinh nhân tạo vào các năm 2015 và 2016 đều thất bại. Năm 2017, hai chuyên gia từ vườn thú Leibniz ở Berlin, Đức đã tham gia vào nhóm và mang theo các thiết bị tối tân nhất để thử thụ tinh nhân tạo lần thứ tư.

Mặc dù các chuyên gia đã có thể thực hiện việc thụ tinh nhân tạo gần với buồng trứng của rùa cái hơn các lần trước, họ vẫn không phát hiện một quả trứng nào sau đó. Lần thụ tinh thứ năm vừa qua đã khiến con rùa tử vong - con rùa cái mai mềm Dương Tử duy nhất được biết đến trên thế giới.

'Vợ chồng' rùa vô sinh ở TQ và 13 năm cứu loài rùa Hồ Gươm thất bại - 4
Các chuyên gia đang đo chiều dài một con rùa cái mai mềm khổng lồ sông Dương Tử ở Tô Châu. Ảnh: VCG Photo.

Các chuyên gia bây giờ chỉ có thể hy vọng tìm được một nàng dâu rùa khác, và cầu mong vận may đứng về phía họ.

Các loài vật được cứu ngay trên bờ vực tuyệt chủng như hươu Père David (milu deer) hay cò quăm mào Nhật Bản (crested ibis) là những loài may mắn. Với sự can thiệp của con người, số quần thể của chúng đã phục hồi sau nhiều năm. Số cá thể cò quăm mào Nhật Bản đã tăng từ chỉ bảy con vào năm 1981 lên tới 3.000 hiện nay.

Tuy nhiên, đối với tê giác trắng phương bắc và rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử, con người dường như đã thất bại.

Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)