Xã hội

Vịt ra đồng phải nộp phí: Phí truyền thống có từ thời... Pháp thuộc

Phí “công đồng lạc túc” mà người nuôi vịt thả đồng ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định) phải nộp có “truyền thống” từ lâu đời và điểm đến hiện tại của loại phí này là ngân sách xã.

Nói về nguồn gốc phí “công đồng lạc túc” dành cho người nuôi vịt thả đồng tại xã Ân Phong, lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho hay, đây không phải chủ trương của UBND huyện mà có nguồn gốc “truyền thống” lâu đời để lại và nộp trực tiếp cho xã.

“Qua dịp nghỉ lễ, UBND huyện sẽ thành lập ngay đoàn kiểm tra về tại xã Ân Phong để xác minh, tìm hiểu. Khi có kết quả kiểm tra, nếu thực tế người nuôi vịt gặp khó khăn thì chúng tôi sẽ có hướng giải quyết hợp lý”, ông Hoàng Phi Long - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) khẳng định.

Vịt ra đồng phải nộp phí: Phí truyền thống có từ thời... Pháp thuộc
Vịt chạy đồng phải nộp phí là câu chuyện có thật đang diễn ra tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân (Bình Định).

Câu chuyện vịt ra đồng phải nộp phí tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) đang được sự quan tâm của dư luận. Bởi, người nuôi vịt chạy đồng ở dải đất miền Trung luôn trải qua rất nhiều rủi ro, họ ví nghề nghiệp của mình như “canh bạc” chờ thời giữa ruộng.

Nông dân tâm sự, cơ cực lắm họ mới thả ra những cánh đồng để đàn vịt nhặt mót lại những hạt thóc rơi trên ruộng, tiết kiệm chi phí thức ăn được chừng nào thì hay chừng ấy.

Trong khi đó, đàn vịt ra đồng phải “cõng” thêm phí nộp cho chính quyền xã, thực sự khiến họ lâm cảnh “khó chồng khó”.

Nông dân L.Đ. (chủ trại vịt tại xã Ân Phong) cho hay, mỗi năm phải nộp cho UBND xã Ân Phong 1 triệu đồng tiền phí “công đồng lạc túc” để đàn vịt có diện tích chăn thả sau mỗi vụ thu hoạch lúa.

Ông Đ. nói rằng, loại phí này có từ thời Pháp thuộc rồi trải qua nhiều giai đoạn, thay đổi hình thức và duy trì đến ngày nay. Rất nhiều đồng nghiệp của ông phải nộp loại phí này, chẳng cần biết đúng sai, chỉ mong có được diện tích chăn thả vịt thuận lợi khi mùa vụ đến. Tuy nhiên, việc chăn nuôi gặp khó, ông Đ. mong muốn chính quyền địa phương xem xét giảm phí để bớt gánh nặng cho nông dân.

Vịt ra đồng phải nộp phí: Phí truyền thống có từ thời... Pháp thuộc - 1
Người nuôi vịt thả đồng nộp phí cho chính quyền xã Ân Phong để nhận diện tích chăn thả

Trong khi đó, ông Hồ Văn Đương - quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong, cho rằng, việc UBND xã thu phí “công đồng lạc túc” của các hộ chăn thả vịt đồng đã có từ  lâu đời và nộp phí có hợp đồng ký kết hẳn hoi.

Theo ông Đương, cách đây khoảng 15 năm, việc cho thuê diện tích mặt ruộng được xã mang ra đấu giá, có năm lên đến hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hiểu được hàng loạt khó khăn của người nuôi vịt như: máy gặt đập liên hợp không gây thất thoát lúa hạt xuống ruộng, vịt gặp bệnh tật, rớt giá… thì chính quyền xã đã hủy bỏ việc đấu giá. Thay vào đó, giao khoán diện tích và thu tiền phí từ các hộ nuôi vịt thả đồng với mức phí 25.000 đồng/ha/năm.

Ông Đương cho rằng, các hộ dân chăn thả vịt  thả đồng ở địa phương đều tham gia đóng phí cho xã và nhờ khoản phí này mà tình hình chăn nuôi được ổn định, không tranh giành, chen lấn. Đặc biệt, việc thu phí thực hiện theo hướng dẫn tài chính của UBND huyện Hoài Ân và nghị quyết HĐND xã, thu theo quy định nguồn thu khác của địa phương.

“Mục đích của việc thu phí này là tạo điều kiện để xã dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi, người nuôi có trách nhiệm trong chăn thả, tránh chồng lấn địa bàn gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Xã có hơn 500ha đất lúa sản xuất, sau khi nông dân gặt xong vụ, chúng tôi giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng với giá 1ha khoảng 25.000 đồng/ năm, số tiền này rất ít. Mỗi năm, xã chỉ thu về khoảng 14 triệu đồng và nhập vào nguồn ngân sách của xã, phục vụ công tác quản lý chung”, ông Đương nói.

Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)