Xã hội

Viện phí tăng 30%, bệnh nhân vội đi mua bảo hiểm y tế

Từ 1/8, 12 bệnh viện tại TP.HCM tự chủ về tài chính tăng viện phí. Người khá giả cho là phù hợp, bệnh nhân nghèo cuống cuồng đi mua bảo hiểm.

Từ 1/8, 12 bệnh viện tại TP.HCM tự chủ về tài chính tăng viện phí. Người khá giả cho là phù hợp, bệnh nhân nghèo cuống cuồng đi mua bảo hiểm.

Bệnh nhân nghèo lo lắng

Đang khám, điều trị bệnh viêm thanh quản tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng, chị Trần Thị Đông (quê ở Đắk Lắk) cho biết việc tăng 30% viện phí là khá cao. Trước đây tiền khám của bệnh nhân này là 20.000 đồng/lượt, nay đã lên 39.000 đồng. Do mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài, với giá viện phí hiện nay, chị Đông cho biết sẽ phải mua BHYT.

Chị La Thị Hồng (27 tuổi, ở Bình Dương) mang thai tháng thứ 6, đang điều trị thiếu nước ối ở Bệnh viện Từ Dũ, cho biết mới nhập viện được 3 ngày. Sản phụ này không biết viện phí tăng 30%, nên rất lo lắng.

Khi làm công nhân, chị có mua BHYT, nhưng từ khi nghỉ việc thì không tham gia. Bây giờ chị mới biết giá viện phí tăng, phải nhờ người thân mua bảo hiểm gấp.

Vien phi tang 30%, benh nhan voi di mua bao hiem y te hinh anh 1

Danh sách các bệnh viện tự chủ tài chính tại TP.HCM bắt đầu tăng viện phí từ 1/8. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp.

Mỗi lần đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám bằng BHYT, chị Nguyễn Thị Tiến (35 tuổi, quê ở Bình Phước) phải mang theo chăn, mền để ngủ ngoài ghế đá, chờ cả tuần khám mới xong. Vì bệnh viện quá tải, chị thường phải chờ 2 ngày mới được siêu âm. Giá siêu âm ngoài giờ ở bệnh viện này đã tăng từ 200.000 đồng lên 260.000 đồng/lượt.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết theo Thông tư 02, giá khám bệnh tăng lên 35.000 đồng/lượt, trước chỉ 15.000 đồng/lượt. Tiền giường nội trú cũng tăng từ 58.000 lên 178.000 đồng/giường/ngày, gấp hơn 3 lần so với mức cũ.

Bác sĩ Khanh cho rằng bệnh nhân không có BHYT từ nay sẽ phải chi trả mức giá khám chữa bệnh khá cao. “Việc tăng viện phí lần này giúp bệnh viện có thêm nguồn thu để tái đầu tư, nhưng trên góc độ xã hội, chúng tôi vẫn hy vọng tất cả bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều có BHYT để giảm bớt chi phí điều trị”, bác sĩ nói.

Vien phi tang 30%, benh nhan voi di mua bao hiem y te hinh anh 2

Nhiều bệnh nhân lo lắng với giá viện phí mới. Ảnh: Khánh Trung.

Để người dân không bất ngờ, trước đó, Bệnh viện quận Thủ Đức đã phổ biến giá viện phí mới. Những bệnh nhân nhập viện trước ngày 1/8, vẫn được bệnh viện áp giá cũ.  

Người giàu không quan tâm đến giá

Anh Trần Văn Vinh (33 tuổi, quê Lâm Đồng) đưa bố đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám cho rằng không quan tâm đến giá dịch vụ y tế tăng hay giảm. Khi bị đau, anh chỉ muốn đưa người thân đến khám, phát hiện bệnh sớm để chữa kịp thời.

Anh Vinh kể cuối tháng 2, bố anh bị đau bụng. Anh Vinh đưa bố đến Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng khám đúng tuyến BHYT. Bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh nhân bị đau bụng, dặn về uống men tiêu hóa. Nghi ngờ, anh Vinh đưa bố đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cha anh, bị khối u gan to 6 cm. Bệnh nhân phải mổ gấp để lấy khối u.

Vien phi tang 30%, benh nhan voi di mua bao hiem y te hinh anh 3

Anh Vinh không quan tâm đến giá dịch vụ y tế tăng hay giảm. Ảnh: Khánh Trung.

Đang điều trị viêm họng tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng, anh Thái Văn Tuấn (quận 4) cho biết mức tăng viện phí như vậy là hợp lý so với thời giá hiện nay. Theo anh Tuấn, những người không mua BHYT phải chấp nhận giá cao. Người có hoàn cảnh khó khăn nên mua BHYT. Khám bằng bảo hiểm mất thời gian chờ, nhưng giảm được nhiều chi phí.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, việc tăng giá viện phí không làm chênh lệch giữa người khám có và không có BHYT. Việc tăng giá này khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm.

Theo Khánh Trung - Trần Ngọc - Tiêu Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)