Xã hội

Vì sao sinh viên được nâng điểm thi THPT quốc gia không bị đuổi học?

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng nếu sau khi chấm thẩm định, điểm của thí sinh bị hạ nhưng không liên quan tổ hợp xét tuyển đại học, các em vẫn được học.

Sau khi Sở GD&ĐT Hòa Bình gửi danh sách thí sinh liên quan gian lận điểm thi THPT 2018 cho khoảng 20 trường đại học, nhiều sinh viên được nâng điểm đã bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển, trả về địa phương xử lý.

Tuy nhiên, một số sinh viên được nâng điểm ở môn không thuộc tổ hợp xét tuyển đại học (chỉ xét tốt nghiệp THPT) vẫn được học tiếp. Nhiều ý kiến thắc mắc về vấn đề này khi cho rằng thí sinh được nâng điểm, liên quan gian lận thi cử, là vi phạm quy chế.

Trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - khẳng định nếu điểm bị giảm không liên quan tổ hợp xét tuyển thì tạm thời, trước khi có kết luận điều tra, có thể chưa xử lý.

Vì sao sinh viên được nâng điểm thi THPT quốc gia không bị đuổi học?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định sinh viên được nâng điểm ở môn thi không thuộc tổ hợp xét tuyển đại học, vẫn được học tiếp. Ảnh: VTC.

-  Sau khi Sở GD&ĐT Hòa Bình gửi danh sách thí sinh liên quân gian lận thi THPT quốc gia về các trường đại học, nhiều em đã bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển. Tuy nhiên, một số sinh viên khác được nâng điểm ở môn thuộc tổ hợp không xét tuyển đại học, chỉ xét tốt nghiệp, thì không bị đuổi. Vì sao lại có sự khác nhau như vậy, thưa bà?

- Nếu thí sinh bị giảm điểm thi ở môn không thuộc tổ hợp xét tuyển, các trường vẫn có thể để sinh viên tiếp tục học tập, trừ trường hợp có quy định khác đã được công bố, đủ làm căn cứ để giải quyết vấn đề theo hướng khác.

Hiện nay, vụ việc gian lận thi trong quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền, chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi…

Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, căn cứ kết luận, các đối tượng vi phạm (trong đó có thể có cả thí sinh) sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu thí sinh vẫn tốt nghiệp, các trường phải căn cứ điểm thi thực sự của các em ở tổ hợp xét tuyển và điểm trúng tuyển của trường.

Nếu điểm bị giảm không liên quan tổ hợp xét tuyển thì tạm thời, trước khi có kết luận điều tra, có thể chưa xử lý, trừ khi trường có quy định khác đã được công bố, đủ làm căn cứ để giải quyết vấn đề theo hướng khác.

- Thí sinh giảm điểm ở môn thi tự luận (độ chênh lệch nhất định có thể diễn ra với môn tự luận) thì sẽ bị xử lý ra sao?

- Hiện nay, không có cơ sở nào để cho rằng việc xử lý trường hợp giảm điểm môn thi trắc nghiệm thì phải khác với trường hợp giảm điểm môn thi tự luận.

Có thể khả năng chấm chính xác đối với các hình thức thi này khác nhau nhưng khi đã có kết luận về điểm cuối cùng của bài thi, đó là điểm đã đảm bảo chính xác và bị xử lý như nhau.

- Trước những băn khoăn trên của một số trường đại học khi xử lý thí sinh gian lận, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các trường như thế nào?

- Trước hết, cần phải khẳng định theo quy định của pháp luật, việc xử lý này thuộc thẩm quyền của các cơ sở đào tạo, căn cứ Quy chế thi, Quy chế tuyển sinh và các quy định có liên quan.

Hiện nay, một số trường đã xử lý xong, có trường gửi công văn xin ý kiến. Bộ GD&ĐT sẽ trả lời từng trường có công văn, vì vấn đề hỏi không hoàn toàn giống nhau, một số căn cứ khác ngoài quy định chung của Bộ GD&ĐT như đề án tuyển sinh, các quy định riêng của một số ngành cũng khác nhau.

Việc bị hạ điểm thi cũng chi phối kết quả tuyển sinh ở mức độ không giống nhau: Có trường hợp vẫn đủ điểm trúng tuyển, có trường hợp không liên quan tổ hợp xét tuyển, có trường hợp không đủ điểm trúng tuyển, có trường hợp đủ điểm trúng tuyển nhưng vi phạm các nội dung khác đã được quy định hoặc cam kết, vẫn bị hủy kết quả trúng tuyển.

Vì vậy, khi các trường đã rà soát tất cả trường hợp, vấn đề sẽ được nhận diện rõ hơn và cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào quy định liên quan và các tình tiết thực tế của từng trường hợp, để xem xét, quyết định hoặc hướng dẫn xử lý theo đúng thẩm quyền.

Nhìn chung, vụ việc đang được các trường xử lý thận trọng và có căn cứ, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng đối với thí sinh.

ĐH Y Hà Nội có hai sinh viên đến từ Hòa Bình được nâng điểm, trúng tuyển ngành Y đa khoa. Một thí sinh liên quan gian lận có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển nên sẽ bị đuổi học. Em còn lại đủ điểm trúng tuyển, nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị hạ 2 điểm. TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Y Hà Nội, cho biết trường sẽ báo cáo Bộ GD&ĐT trường hợp này để xin ý kiến chỉ đạo.

Tại ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 5 sinh viên Hòa Bình có điểm thi bị điều chỉnh. Hai thí sinh có điểm thấp hơn mức chuẩn nên bị xoá tên trong danh sách trúng tuyển. Ba thí sinh còn lại có điểm cao hơn điểm trúng tuyển, vẫn được học bình thường.

Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết 3 sinh viên có điểm thi bị điều chỉnh. Trong đó, hai em không đủ điểm trúng tuyển theo mã xét tuyển đã đăng ký, bị buộc thôi học.

Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)