Xã hội

Vì sao Sài Gòn nắng nóng gay gắt sau Tết?

Theo chuyên gia, thời điểm sau Tết, việc thời tiết nắng nóng liên tục, nhiệt độ có lúc cao tới 36 độ C là hiện tượng xảy ra trước khi vào thời kỳ cao điểm mùa khô.

Vài ngày nay, nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM đang ở mức cao. Ngày 14,15,16/2, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở TP.HCM là 35-36 độ C.

Bức xạ tia UV trong ngày 14/2 tại TP.HCM đã đạt mức 10/12. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút.

Tới ngày 18,19/2, nhiệt độ có phần giảm bớt xuống còn 34 độ. Nhưng tới ngày 20/2, nắng nóng trở lại, Sài Gòn có thời điểm lên tới 36 độ C, độ ẩm xuống thấp dưới 40%.

Vì sao Sài Gòn nắng nóng gay gắt sau Tết?
Người dân TP.HCM phải che chắn, bịt kín khi ra đường vì nắng gắt. Ảnh: Lê Quân.

Theo ghi nhận của Zing.vn, nắng gắt bắt đầu từ sáng sớm, tới khoảng 9h trời đã nắng to. Thời điểm 11-15h, những người lưu thông trên đường phố phải chịu ánh nắng "cháy da cháy thịt", dễ bị bỏng rát nếu không có biện pháp che chắn. Nhiệt độ chỉ giảm xuống dưới 30 độ từ khoảng 18h trở đi.

Sau Tết là thời kỳ cao điểm mùa khô

Chia sẻ với Zing.vn, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, khẳng định đợt nắng nóng này không bất thường, hầu như năm nào cũng diễn ra.

Theo đó, sau Tết Nguyên đán thường là thời kỳ cao điểm mùa khô. Các tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, nằm ở dưới tầng thấp có áp cao lạnh lục địa cực đới hoạt động không quá mạnh và thường lệch sang phía đông; trên áp cao cận nhiệt đới. Đây là trường phân kỳ gió làm cho bầu trời ban ngày ít mây, nắng nhiều và kéo dài trong ngày.

Dự báo trong nửa cuối tháng 2,3/2019 khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, nắng nhiều và thường xuyên xuất hiện những đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 35-37 độ, thậm chí cao hơn.

Ông Quyết cũng cho biết nắng nóng, độ ẩm không khí khá thấp, thời gian nắng kéo dài, cơ thể mất nhiều nước, dễ gây tình trạng mệt mỏi. Người dân nên bổ sung nước nhưng hạn chế sử dụng đá, nước quá lạnh để uống vì dễ gây viêm họng, không bật máy điều hòa mà để nhiệt độ quá thấp dưới 25 độ.

Bên cạnh đó, biên độ nhiệt ngày và đêm khá cao nên người dân dễ mắc bệnh về hô hấp, say nắng. Hạn chế ra đường thời điểm 12-15h hàng ngày. 

Khi ra đường cần trang bị đồ chống nắng. Tránh tắm ngay khi mới đi ngoài nắng về.

Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã phát bản tin cảnh báo một đợt triều cường vượt báo động 3, gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp của TP.HCM.

Theo đó, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang lên theo triều và dự báo đạt mức cao nhất vào ngày 21-22/2. Dự báo mực nước trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An lên mức báo động 2 -3 và trên báo động 3, nguy cơ ngập lụt tại các tuyến đường và khu dân cư.

Theo Hà Anh (Tri Thức Trực Tuyến)