Xã hội

Vì sao hải sản ở tầng nổi an toàn?

Nhóm hải sản sống ở tầng nổi thường có đặc tính sinh học hay di chuyển, do đó không bị ảnh hưởng bởi một số khu vực đáy biển chưa an toàn trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ của 4 tỉnh miền Trung, bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa. Vì vậy, nhóm này được xác định là an toàn.

Nhóm hải sản sống ở tầng nổi thường có đặc tính sinh học hay di chuyển, do đó không bị ảnh hưởng bởi một số khu vực đáy biển chưa an toàn trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ của 4 tỉnh miền Trung, bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa. Vì vậy, nhóm này được xác định là an toàn.

Nhóm hải sản sống ở tầng đáy trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung được xác định chưa an toàn (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Đó là thông tin ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung Bộ Y tế vừa công bố về các nhóm hải sản an toàn và chưa an toàn tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra hồi tháng 4/2016.

Cũng theo ông Oai, ngay khi hải sản được khai thác tại phạm vi vùng biển nói trên trở về các cảng cá, bến cá, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trước khi cho lưu thông ra thị trường tiêu thụ. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng hải sản bán trên thị trường.

Trước đó, ngày 20/9, tại cuộc họp liên bộ giữa Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT về thông tin môi trường biển và khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bộ Y tế đã công bố nhóm hải sản sống ở tầng nổi tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung là an toàn. Riêng nhóm hải sản sống ở tầng đáy trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ được xác định là chưa an toàn, người dân không nên khai thác và sử dụng.

Lý do được Bộ Y tế đưa ra là đã phát hiện 132/1040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có Phenol, bao gồm: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, các đục, bạch tuộc, cua đá – đây là các loài hải sản sống ở tầng đáy.

Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện Phenol đều nằm trong vùng từ 5- 25km (tương đương với khoảng từ 2,7 – 13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế.

Cũng liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV Dân trí, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – cho rằng, Bộ Y tế cần chỉ rõ hàm lượng Phenol có trong hải sản ở tầng đáy trong 132 mẫu nói trên là bao nhiêu?

Ngoài ra, Tiến sĩ Minh cũng băn khoăn, với những hải sản sống ở tầng đáy mà ngư dân khai thác được ngoài “vùng cấm” thì phân biệt thế nào, khi mà hình dáng cũng giống với những con cá sống ở tầng đáy trong phạm vi 13,5 hải lý trở vào bờ?

“Theo tôi, cơ quan chức năng cần kiểm tra công suất tàu, vì tàu lớn mới đánh bắt xa được. Ngoài ra, cần kiểm tra ngư cụ của các tàu, bởi muốn khai thác được hải sản ở tầng đáy thì cần có những ngư cụ phù hợp. Do đó, căn cứ vào các thông tin này để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm soát tốt hơn chất lượng hải sản mà người dân khai thác tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu xét nghiệm tại các cảng cá, bến cá đối với những tàu cá đánh bắt về là rất cần thiết” – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.

Theo Nguyễn Dương (Dân Trí)