Xã hội

Về 1.300 cây xanh ở Phạm Văn Đồng: Bất khả kháng mới phải chặt hạ!

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định việc chặt hạ, di chuyển hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng mới chỉ là đề xuất của Tổng công ty thiết kế giao thông vận tải (TEDI, Bộ GTVT).

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định việc chặt hạ, di chuyển hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng mới chỉ là đề xuất của Tổng công ty thiết kế giao thông vận tải (TEDI, Bộ GTVT).

ve 1.300 cay xanh o pham van dong: bat kha khang moi phai chat ha! hinh anh 1

Việc chặt hạ, di chuyển 1.300 cây do đơn vị tư vấn đề xuất

Chiều 6.6, phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, phương án mở rộng đường Phạm Văn Đồng được Hà Nội phê duyệt năm 2013, đến 2016 TP cho điều chỉnh thiết kế mới ra mặt cắt hoàn thiện.

Theo ông Dục, việc mở rộng vành đai 3 rất cần thiết và tất yếu. Ngoài việc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải lập kế hoạch di chuyển, giữ nguyên vị trí cây xanh đường Phạm Văn Đồng. Trong trường hợp bất khả kháng, đơn vị thi công mới phải chặt hạ cây xanh.

“Việc đề xuất chặt hạ, đánh chuyển, cắt tỉa hơn 1.300 cây xanh để phục vụ dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long là của đơn vị tư vấn TEDI đề xuất với chủ đầu tư. Sau khi chủ đầu tư đưa lên, chúng tôi sẽ tập hợp lại, báo cáo thành phố” - ông Dục khẳng định.

Theo ông Dục, cây xà cừ được đề xuất chặt hạ, di chuyển đường kính lớn không nhiều chỉ khoảng 10%. Sau khi chủ đầu tư đưa ra phương án, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu khảo sát, kiểm tra từng cây. Đối với những cây thân thẳng, đẹp, đơn vị thi công chắc chắn phải đánh chuyển về vườn ươm ở các công viên.

Sở Xây dựng luôn xác định phương án tối ưu là giữ nguyên, đánh chuyển cây xanh. Hiện nay Hà Nội đã có thiết bị cao đến 27m để hạ độ cao cây xà cừ. Chính vì thế, đến mùa mưa bão các cây này sẽ đảm bảo được an toàn.

Ông Dục cho biết tất cả thông tin về việc chặt hạ, di chuyển cây xanh sẽ được Sở tiếp tục xin ý kiến của các chuyên gia và người dân sau đó mới trình lên Hà Nội. Sau đó, Sở thông báo công khai đến người dân.

Trong khi đó, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội giải thích sâu hơn: Sau khi phương án chặt hạ, di chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng được Hà Nội phê duyệt, đơn vị thi công sẽ trồng hơn 1.500 cây thay thế.

“Chúng tôi sẽ trồng cây giáng hương thay thế 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng theo mô hình đường Võ Chí Công. Cây xanh sẽ được trồng 4 tầng: Cây tầm cao, cây tầm trung, cây tầm thấp và lớp thảm” - ông Phong nhấn mạnh.

Hà Nội muốn giữ từng gốc cây xanh

ve 1.300 cay xanh o pham van dong: bat kha khang moi phai chat ha! hinh anh 2

Nhiều máy móc đã hoạt động trong công trường quây bằng tôn kín, giáp hàng cây ngăn cách với tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện tại.

Cũng tại buổi giao ban báo chí, ông Phạm Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, đề xuất chặt hạ, di chuyển cây xanh Ban QLDA đã thực hiện việc đánh giá tác động môi trường và được Bộ GTVT phê duyệt. Vị này cũng thừa nhận, việc chặt hạ, đánh chuyển cây xanh chắc chắn sẽ có tác động đến môi trường.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Dục chia sẻ: Rút kinh nghiệm việc chặt hạ, di chuyển cây trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) để thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, các cơ quan chức năng đã đánh giá tác động môi trường khi chặt hạ cây xanh. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt phương án này.

Cuối buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Thời gian gần đây dư luận có đề cập tới việc Hà Nội sẽ thay thế 4.000 cây xà cừ. Tuy nhiên, tôi khẳng định không có việc này. Hà Nội luôn muốn giữ từng gốc cây xanh. Trong mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh, hiện nay Hà Nội đã hoàn thành trồng mới được 300.000 cây xanh”.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Có mấy câu để nói về việc này là “di chuyển, giữ nguyên vị trí và bất khả kháng thì đánh hạ để thi công”. Quan điểm của thành phố không phải ưu tiên việc chặt hạ mà sẽ cố gắng đánh chuyển cây để sử dụng vào mục đích khác. Với công nghệ mới, có các đơn vị đủ kinh nghiệm, tôi tin rằng có thể đánh chuyển và đảm bảo cây sống được. Chúng tôi sẽ chỉ chặt những cây không thể đánh được bầu, cong queo, vặn vẹo, xấu xí. Còn lại ưu tiên dịch chuyển cây ra nơi khác".

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng có hơn 1.000 cây, trong đó 90% là cây xà cừ. Xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng có 2 nhóm, một nhóm có đường kính từ 80cm - 1,2m, có tuổi trung bình từ 56 - 60 tuổi. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm 10% xà cừ trên đường, chủ yếu nằm ở cuối đường. Còn lại chủ yếu là các cây trồng từ năm 1985, chiếm khoảng 90% số cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng. Số cây xà cừ này có đường kính chưa đến 50cm.

Theo Thành An (Dân Việt)