Xã hội

Văn miếu Vĩnh Phúc được ấp ủ xây dựng từ 18 năm trước

Phó giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, văn miếu là công trình được ấp ủ suốt 18 năm từ khi Vĩnh Phúc được tách tỉnh. Xác định là công trình trọng điểm nên tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng.

Phó giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, văn miếu là công trình được ấp ủ suốt 18 năm từ khi Vĩnh Phúc được tách tỉnh. Xác định là công trình trọng điểm nên tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng.


Ông Kim Văn Ngoan Quýnh, Phó giám đốc Sở Văn hoá Vĩnh Phúc. Ảnh: Quý Đoàn.

Mục tiêu của dự án xây dựng văn miếu là thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, phát huy giá trị truyền thống hiếu học qua các thời đại của đất nước, của người dân tỉnh; qua đó giáo dục và khuyến khích thế hệ trẻ học tập rồi quay lại xây dựng quê hương, đất nước. Văn miếu cũng là nơi các dòng họ có thể đến nghiên cứu về tiền nhân và truyền thống khoa bảng của họ tộc mình, nơi người dân có thể tới vừa để chiêm ngưỡng kiến trúc, dạo mát, nghỉ ngơi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

"Nó mang cả ý nghĩa tâm linh và sau này có giá trị khai thác du lịch vì nằm trên trục văn hóa gồm: di tích lịch sử quốc gia chùa Hà Tiên - Văn miếu - Tây Thiên - Thiền viện - Tam Đảo", Phó giám đốc Sở Văn hóa tỉnh nói. Theo tiên lượng của ông, công trình này sẽ phát huy được tốt công năng, giá trị thực tiễn.

Ông Quýnh chia sẻ thêm, dự án xây dựng văn miếu đã được các thế hệ lãnh đạo, người dân trong tỉnh Vĩnh Phúc ấp ủ cách đây 18 năm, từ khi tách khỏi tỉnh Vĩnh Phú. Khi điều kiện kinh tế đã phát triển, UBND tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa nghiên cứu, xây dựng đề án để đề xuất Ủy ban. Sở có tham mưu, tổ chức 3-4 cuộc hội thảo với các nhà khoa học, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành như: TS Nguyễn Hữu Mùi, Viện phó Hán Nôm Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa của tỉnh... để đưa ra kế hoạch trình lên.

 

 Văn miếu Vĩnh Phúc được xây dựng quy mô với nhiều hạng mục công trình hoành tráng. Tổng số tiền đầu tư cho dự án này là 271 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Ảnh: Quý Đoàn.

Dự án xây dựng văn miếu với kinh phí 271 tỷ đồng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua. "Từ năm 1997 tách tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc không có công trình tầm cỡ nào để tạo điểm nhấn về bộ mặt văn hóa nổi trội. Do đó, tỉnh xác định văn miếu sẽ là công trình văn hóa trọng điểm, mang dấu ấn, điểm nhấn lớn, cùng với quảng trường Hồ Chí Minh vừa được khánh thành dịp 30/4 và khu quần thể danh thắng Tây Thiên, nên được chú trọng đầu tư", ông Quýnh nói.

Trả lời về ý kiến của nhiều nhà văn hóa là công trình quá lãng phí, Phó giám đốc Sở Văn hóa cho rằng, với một công trình văn hóa khó có thể đo đếm mức kinh phí 271 tỷ đồng là lớn hay nhỏ, đặc biệt khi văn miếu là công trình mang tính lịch sử, biểu tượng, sẽ để lại cho con cháu muôn đời sau.

Đề cập về việc thờ Khổng Tử, ông Quýnh thông tin, trong tờ trình của Sở Kế hoạch và Sở Văn hoá Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10/2011 về việc đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình Văn miếu nêu rõ: "Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại".

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Kim Văn Ngoan Quýnh cho biết, việc đưa ai vào thờ đang được xem xét, điều chỉnh do có những tranh cãi. "Kế hoạch đề ra nhưng trong quá trình làm có gì không phù hợp thì ta điều chỉnh. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, mời các nhà khoa học đóng góp ý kiến nên đưa ai vào thờ", ông Quýnh nói.

Trao đổi với PV, TS lý luận và lịch sử văn hoá Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch bày tỏ sự trăn trở về việc có cần thiết xây thêm văn miếu ở Vĩnh Phúc hay không khi Việt Nam đã có văn miếu nổi tiếng Quốc Tử Giám.

Không bình luận về mức tiền đầu tư 271 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh, nhưng ông Tân cho rằng "bia miệng" về những tấm gương nhân cách, trí tuệ, hiếu học… của cha ông là biểu tượng còn vững chắc hơn "bia đá" để con cháu noi theo. "Quan điểm của tôi là để định hướng, khuyến khích con cháu chăm chỉ học hành thì các bậc cha chú, lãnh đạo địa phương nên là tấm gương sáng về cách sống, học tập, phấn đấu mẫu mực, chứ không cần xây cái gì thật to lớn, hoành tráng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống giản dị, vì nước, vì dân, trí dũng song toàn, đâu cần có những tượng đài sừng sững mà người dân bao thế hệ vẫn tôn kính, noi theo", ông Tân phân tích.

TS Tân cho rằng, Khổng Tử là một biểu tượng của trí tuệ, sự học hành. Tuy nhiên chúng ta phải có tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc. Ở lĩnh vực giáo dục, Chu Văn An đã được nhân dân Việt Nam tôn vinh là nhà giáo của mọi thời đại.

>> Cận cảnh Văn Miếu trị giá gần 300 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc

Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)