Xã hội

Vận hành thử toàn tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông vào ngày 20/9

Sau nhiều lần trễ hẹn về đích, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức được vận hành thử toàn tuyến vào ngày 20/9 tới.

Vận hành thử toàn tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông vào ngày 20/9

Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đường sắt đã chốt thời gian vận hành thử dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với toàn bộ hạng mục bao gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan của dự án này vào ngày 20/9 tới. 

Vận hành thử toàn tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông vào ngày 20/9 - 1
Tổng thầu đang chạy căn chỉnh hệ thống Metro Cát Linh - Hà Đông, tiến tới chạy thử toàn bộ vào ngày 20/9 tới.

Thời điểm này, tại nhà ga Văn Quán, Hà Đông, nhiều hạng mục nội thất bên trong nhà ga đang được hoàn thiện, hệ thống soát vé tự động đã được lắp đặt, Trung tâm điều tiết, kiểm soát đã lắp đặt xong và đang tiến hành kết nối…

Ông Trương Thế Đan – Phó Chủ nhiệm phòng điều độ - Hạng mục vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Tổng thầu Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cho biết, dự án đã hoàn thiện trên 96% và đang trong gia đoạn khớp nối, căn chỉnh để vận hành hệ thống được thông suốt.

Vận hành thử toàn tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông vào ngày 20/9 - 2
Hệ thống soát vé tự động đã được lắp đặt, Trung tâm điều tiết, kiểm soát đã lắp đặt xong và đang tiến hành kết nối…

“Trong quá trình vận hành thử thì một số cái sẽ phải căn chỉnh. Do ở Việt Nam các thiết bị không sẵn có nên nhà thầu phải dự trù thời gian dài hơn quá trình căn chỉnh này.

Chúng tôi sẽ làm hết sức để đảm bảo kế hoạch vận hành thử tuyến đường sắt đô thị này…”, ông Trương Thế Đan nói.

Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến thời điểm này đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng, hoàn thiện hệ thống điện, thông tin tín hiện, các tác nghiệp điều khiển và hệ thống đường ray cũng như hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tàu lăn bánh…

Vận hành thử toàn tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông vào ngày 20/9 - 3
Ông Trương Thế Đan – Phó Chủ nhiệm phòng điều độ - Hạng mục vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông,

Mặc dù vậy, dự án vẫn còn tồn tại một số khó khăn như phần xây lắp của nhà thầu chưa hoàn thành toàn bộ nhà ga, phụ trợ hay các khu depot…

Ngoài ra, đây là tuyến đường sắt mới, các tiêu chuẩn chưa đồng bộ nên để hài hòa các tiêu chuẩn này thì phải mất thời gian.

“Ngay như các biển, bảng ký hiệu trên tuyến, Việt Nam chưa có hệ thống Metro nào cả nên toàn bộ các ký hiệu, chữ viết, biển báo đều phải chuyển ngữ, Việt hóa, nên cũng mất rất nhiều thời gian”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban QLDA và các đơn vị liên quan một mặt vận hành thử dự án theo tiến độ đã được phê duyệt từ đầu năm, đồng thời nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đang bị chậm.

Vận hành thử toàn tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông vào ngày 20/9 - 4
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thiện trên 96% và đang trong gia đoạn khớp nối, căn chỉnh để vận hành hệ thống được thông suốt.

“Chúng ta phải đưa vào chạy thử tuyến đường sắt trên cơ sở điều kiện đánh giá an toàn hệ thống, mà cái này cũng rất mới theo quy định của Việt Nam.

Do đó phía tư vấn, tổng thầu và Ban QLDA…tất cả đều phải cố gắng để hoàn thành. Mặc dù những khó khăn vẫn có, nhưng chúng tôi cho rằng khó khăn ngày càng ít đi và sẽ hoàn thành đúng tiến độ”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc vận hành thử sẽ diễn ra trong 3 đến 6 tháng. Song song với thời gian này nhà thầu sẽ hoàn thiện nốt các phần xây dựng còn dang dở.

Mặc dù chưa đưa ra thời điểm chính thức chạy tàu khai thác thương mại, thế nhưng lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu dự án phải hoàn thành toàn bộ trong quý I/2019./.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện.

Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).

Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công. Nếu tiến độ của Bộ GTVT đặt ra, dự án cũng sẽ kéo dài hơn 4 năm so với thời gian thi công đặt ra ban đầu (chỉ kéo dài trong 3 năm).

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải lùi thời hạn tiến độ ít nhất 6 lần. Cuối tháng 7 vừa qua, dự án đã được đóng điện toàn hệ thống. Đến ngày 20/8, Tổng thầu bắt đầu vận hành thử đoàn tàu.

Theo Phi Long (Vov.vn)