Xã hội

"Từ năm 2013 đến nay không có lốt nào thì tôi chết đói à?”

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT bức xúc khi nói về những thông tin gây nhiễu, làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT bức xúc khi nói về những thông tin gây nhiễu, làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ.

Thông tin gây nhiễu

Chiều 20/10, sau khi diễn ra cuộc họp nội bộ, lấy ý kiến doanh nghiệp vận tải, đơn vị liên quan về nội dung câu chuyện 600 triệu đồng/lốt ở bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Hoàng Linh đã dành thời gian chia sẻ với PV.

Ông Linh cho hay, trong ngày 21/10, Sở sẽ có báo cáo gửi lên Bộ trưởng Đinh La Thăng xung quanh câu chuyện tiêu cực, chạy lốt như một số thông tin đã đưa.

Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội tỏ ra rất bức xúc về việc có nhiều số điện thoại rác nhắn tin cho lãnh đạo, gây nhiễu thông tin và làm ảnh hưởng đến uy tín cán bộ, giảm lòng tin của nhân dân với cơ quan quản lý nhà nước.

“Không thể để chuyện hôm nay nhắn tin, ngày mai nhắn tin là không được, làm rối loạn quản lý nhà nước. Mất niềm tin của người dân”, ông Linh nói.
 

Ông Nguyễn Hoàng Linh nói: "Nói đến tôi người dân nghĩ đến việc 500 - 600 triệu/lốt xe ở bến Mỹ Đình (ảnh ĐSPL)


Vị này cũng cho hay, tại cuộc họp sáng 20/10, khi phát biểu, không một nhà xe nào phản ảnh về việc tiêu cực.

Đại diện các bến xe ở Hà Nội đều đứng lên phát biểu, không ai nhận được thông tin hay phản ảnh về việc mua lốt, tiêu cực.

Chỉ riêng ông Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm (đây là một trong hai bến xe được xã hội hóa ở Hà Nội – PV) đứng dậy nói, tôi có nghe thông tin về việc mua lốt. Khi đó tôi hỏi ngay, ông có bằng chứng chứng minh việc này không, ông Lập bảo không có.

Cũng tại cuộc họp này, thông tin về việc hai nhà xe ở Nghệ An là Nguyên Oanh và Phú Quý tăng lốt ở bến Mỹ Đình đã được làm rõ.

Theo đó, không có chuyện hai nhà xe này tăng lốt như phản ảnh mà các doanh nghiệp này thay xe cũ bằng xe mới.

Ông Linh nói thêm, qua cuộc họp sáng 20/10, qua báo cáo của các doanh nghiệp vận tải, các bến xe thì thấy rằng việc nhắn tin, thông tin chưa chính xác, chưa được xác minh và không chịu trách nhiệm về những thông tin của mình thì cần phải nghiêm túc xem xét.

“Không phải mình cứ nhắn tin bừa, có số điện thoại của Bộ trưởng là nhắn tin. Nhưng đến lúc gọi lại thì lại tắt máy.”, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội bức xúc nói.

Việc này gây bức xúc cho xã hội, làm mất uy tín của người dân với cơ quan quản lý nhà nước.

Vì sao, vì từ năm 2013 đến nay không tăng chuyến thì lấy đâu ra lốt để bán mà 500 hay 600 triệu. Rõ ràng, mục đích của người bắn tin là làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước”, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội bức xúc nói.

Bắt nguồn từ lợi ích nhóm?

Không chỉ bức xúc về những thông tin gây nhiễu với lãnh đạo, làm mất lòng tin của nhân dân với cơ quan quản lý nhà nước, ông Linh còn cho rằng, việc này đã gây xáo trộn trong hoạt động vận tải, các doanh nghiệp vận tải nghi kị lẫn nhau.

Điều đó khiến công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Linh đề cập đến câu chuyện lợi ích nhóm đang xảy ra hiện nay giữa các bến xe ở Hà Nội.

Chính vì lợi ích nhóm, nên mới xảy ra những thông tin gây nhiễu như hiện nay.

“Có người đó lợi dụng mối quan hệ và những yếu tố khác để điều chỉnh cơ chế chính sách để phục vụ cho một nhóm lợi ích nhỏ. Nhóm lợi ích nhỏ ở đây chính là các bến xe”, ông Nguyễn Hoàng Linh nói.

Theo ông Linh, hiện nay đang có sự mất cân bằng giữa các bến xe. Có bến bị quá tải và nhu cầu doanh nghiệp vào bến đó rất lớn.

Nhưng cũng có những bến dù Sở tạo điều kiện thì doanh nghiệp vẫn không muốn vào. Vị này lấy ví dụ như bến xe Nước Ngầm, được thuận lợi về cơ chế nhưng doanh nghiệp lại ngại vào đây.
 

Bến xe Mỹ Đình - tâm điểm của câu chuyện 600 triệu/lốt xe


Về điều này, vị Phó giám đốc Sở lý giải, do bến Nước Ngầm thiếu sự kết nối với các tuyến vận tải công cộng nên hành khách ngại đến đây đi.

Thứ hai, doanh nghiệp vận tải ngại đến bến này vì phí xuất bến quá cao. Ông Linh đưa ra con số khoảng 1 triệu đồng một lần xuất bến cho một xe.

“Các nhà xe than với tôi rằng, nếu xuất bến Mỹ Đình chỉ mất 250 nghìn tiền phí các loại thì với bến Nước Ngầm thì mất 1 triệu đồng”, ông Linh viện dẫn.

Vì thế, có xảy ra việc “kẻ ăn không hết – người lần chẳng ra” nên dẫn tới việc mâu thuẫn lợi ích giữa các bến xe.

“Qua cuộc họp sáng nay, tôi thấy có thể thu hẹp được khu vực phát sóng nhiễu là ở đâu. Việc phát sóng nhiễu này làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, xáo trộn trật tự xã hội, doanh nghiệp vận tải hoang mang, mất uy tín cán bộ.

Mục đích chỉ để mang lại lợi ích của một nhóm nhỏ doanh nghiệp (bến xe). Tôi cũng đề nghị Công an Hà Nội nên đưa việc này vào chương trình xác minh, làm rõ”, ông Nguyễn Hoàng Linh nói.

Ông Linh cũng bức xúc: “Người dân người ta nghĩ đến tôi là nghĩ đến 500 – 600 trăm triệu ở bến Mỹ Đình. Thực tế, từ năm 2013 đến nay không có lốt nào thì tôi chết đói à?”

Cũng trong cuộc trao đổi với PV, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, không có chuyện thanh tra, công an vào cuộc điều tra, xác minh chuyện 500 – 600 triệu đồng/lốt xe như một số báo đưa tin.

“Không có lốt mới thì thanh tra cái gì”, ông Linh chốt lại.

Câu chuyện lợi ích, mâu thuẫn lợi ích giữa các bến xe như thế nào, chúng tôi sẽ làm rõ ở những bài sau.
 
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng cung cấp thông tin về ‘lốt’ xe 600 triệu đồng
>> Thị trường chuyển nhượng lốt xe hoạt động ra sao?
>> Sự thực về chuyện mua bán "lốt" xe 600 triệu đồng
>> Công an, thanh tra vào cuộc vụ xin “lốt” xe 600 triệu đồng
>> Giám đốc Sở "thách đố" Bộ trưởng Thăng: Luật sư lên tiếng
>> Sở GTVT Hà Nội khẳng định không cấp "lốt" xe mới bến Mỹ Đình từ 2013
>> Xác minh phát biểu của bộ trưởng Thăng thay vì "đòi chứng cứ"
 
Theo Hà Khê (Soha.vn/Trí thức trẻ)