Xã hội

Từ gái bán dâm trở thành phát thanh viên truyền hình

Sau khi bị công an bắt quả tang bán dâm cho khách nước ngoài, Thủy Cơ một bước trở thành xướng ngôn viên của một đài truyền hình.

Sau khi bị công an bắt quả tang bán dâm cho khách nước ngoài, Thủy Cơ một bước trở thành xướng ngôn viên của một đài truyền hình.

Ba ngày dằng dặc trôi qua trong cái địa ngục có gã quái nhân gớm ghiếc. Theo hợp đồng còn đến 7 ngày như vậy nữa... Bỗng khoá cửa kêu “cạch” rồi một đoàn người ập vào. Thủy Cơ hét lên kinh hoàng, kéo mền phủ đầu. Quái nhân Singapore được lôi từ buồng tắm ra ú ớ, run lập cập.

Ba mươi phút sau, Thủy Cơ tái nhợt và sắp ngất được hai nữ cảnh sát dìu đến ký biên bản quả tang bán dâm. Nhiều tiếng chân rầm rập trên cầu thang, càng gần hơn, sau đó là tiếng lao xao...

Được giám đốc đài truyền hình "chấm"

Chúng tôi là phóng viên của các báo X, Y, Z và đài truyền hình K…

Họ chen lấn đứng chật cửa phòng, máy ảnh, máy quay phim hùng hổ chĩa ống kính vào trông ghê hơn cả súng ống. Một giọng nam nhanh nhảu:

- Lấy ngay cảnh Callgirl ký biên bản bán dâm… Tiếp theo là một lời đánh giá:

- Con phò đẹp nhỉ, đăng trang nhất là phải in thêm ít nhất một vạn bản!

- Né cái vai giùm đi, tôi làm trước một “nhát” rồi đến các anh…

Thủy Cơ thấy khủng khiếp còn hơn giây phút đầu tiên rơi vào thân hình trần trụi nhớt mồ hôi và lũng nhũng của quái nhân. Cô bụm mặt, nấc lên. Không phải chỉ có cô, mà cả gia đình cô sẽ tắm trong nước mắt hoặc tệ hơn nữa nếu cảnh này được trẻ bán báo mang về quê cô rao bán! “Dừng lại”! Tiếng thét làm rung cả các cửa kính. Đám phóng viên say nghề hạ máy ngơ ngác. Một người trạc ngoài 30 tuổi, áo thun xám bỏ ngoài quần Kaki, lao từ góc phòng ra dang tay ngang tàng che kín Thủy Cơ. Anh ta gầm từng tiếng giận dữ:

- Tôi chỉ huy ở đây! không ai được chụp ảnh, yêu cầu các anh ra ngoài!

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cánh nhà báo sựng lại, xì xầm. Một nhà báo chìa ra tờ giấy:

- Sếp của anh đã đồng ý, giấy giới thiệu có bút phê đây!

Người chỉ huy lực lượng kiểm tra khách sạn vẫn không đổi tư thế, giọng có phần dịu hơn:

- Vụ án đang làm, chưa công khai được. Tôi sẽ báo cáo lại cấp trên việc không thoả mãn yêu cầu của báo chí. Tôi chịu trách nhiệm. Mời các anh ra ngoài cho chúng tôi làm nhiệm vụ!

Cánh nhà báo đành bó tay, họ kéo xuống trước khách sạn chờ cơ hội. Ân nhân của Thủy Cơ phải dùng thêm nhiều người che kín cô đưa lên xe.

Sau khi khai báo đầy đủ và nhận những lời giáo huấn, Thủy Cơ được tự do. Không dám về ký túc xá trường múa, cô vùi mình trong một phòng trọ khóc như chưa bao giờ được khóc. Vài ngày sau cô hoàn hồn dần, bỏ ý định tự sát. Cô nghĩ đến một công việc kiếm sống. Hồi Thuỷ Cơ còn đi múa ở nhà hàng, có một ông khách đã nhẹ nhàng nâng bàn tay cô lên rồi đặt vào đó một tờ ngân phiếu 500.000đ, trên đó có ghi vội tên và số điện thoại di động của người đã tặng.

- Sao em để anh chờ lâu thế? Ngôn ngữ qua điện thoại của ông ta đối với Thủy Cơ lúc này sao mà dịu ngọt. Ông ta đến bằng Taxi và đưa cô vào một nhà hàng Karaoke. Ông ta gọi tôm sống ăn với mù tạt, cái bao tử nhím dồn tim gan nhím hấp thuốc Bắc, một khoanh cá chình nướng và một chai Hennessay mini…

Đứng trước gần 100 người, ông ấy trông thật uy với dáng bệ vệ, tóc nhuốm bạc và kính trắng gọng vàng. Ông nói ra những lời bực bội:

- Cấp ủy vừa phê bình đài truyền hình của chúng ta không phát kịp thời những tin tức về chủ trương, đường lối. Việc này do công văn đến tôi quá chậm. Cần tăng cường công tác văn thư. Tôi đã nhận thêm đồng chí Lê Thủy Cơ, phòng hành chính quản trị bố trí cho đồng chí Thủy Cơ ăn ở tại cơ quan để lúc nào có công văn là chuyển ngay cho tôi!

Thủy Cơ đứng lên ra mắt, hai má nóng bừng và mồ hôi rịn khắp người. Thời mở cửa, báo chí trọn nghĩa là quyền lực thứ tư của xã hội. Báo hình của ông, uy lực còn đáng nể hơn. Đầy đủ quan chức, đông đảo những kẻ vác máy ảnh chạy lăng xăng. Nhưng chưa thấy camera truyền hình là chưa thể có lời khai mạc, chưa được cắt băng khánh thành.

Hàng tá ca sĩ, người mẫu, người đẹp sau khi đăng quang ở mọi tư cách đều muốn đựơc truyền hình dòm ngó đến. Song ông vẫn muốn có Thủy Cơ với những tư thế ma quái của con nhà múa, đủ cho ông tự tin và thấy lại những gì đã mất.

Nhiều bạn bè thời quân ngũ của ông trở thành thủ trưởng ở các doanh nghiệp. Họ được hưởng bao nhiêu thứ mà thời “đầu súng trăng treo” không thể tưởng tượng được. Song phải đợi đến lúc xuất hiện Viagra - viên thuốc xanh huyền thoại bán lén lút với giá cắt cổ, họ mới đỡ ấm ức vì cuộc chiến tranh thăm thẳm đã nuốt hết tuổi thanh xuân của mình! Với ông, Thủy Cơ cũng có ý nghĩa như lọ thuốc trường xuân. Hơn thế là sự tự hào, vì ông không phải dùng đến sản phẩm hạnh phúc của giai cấp tư sản một thời đáng ghét!

Chấp nhận lả lơi qua đường để đổi danh cho sếp

“Linh Thử Đại Tự” là nơi thờ con chuột mà theo sử bản kỷ nhà Lê, nó to như một con heo xuất hiện cuối thời Lê Mạt. Mỗi đêm con chuột kinh khủng này ăn, phá hết mấy sào lúa thành quả lao động đồng thời là nguồn sống suốt năm của các gia đình. Nó đi đến đâu gây mất mùa đói kém đến đó. Thiên hạ căm uất con chuột, song nó lúc ẩn lúc hiện không biết đâu mà diệt. Thấy nó tinh quái, người xưa biến nó thành một vị thần có nơi thờ tự. Không trừ khử được thì phải nịnh bợ cái phi lý, là cách sống còn đúng đến tận bây giờ!

Miếu thờ Thần Chuột gắn với nền văn minh nông nghiệp. Miếu mẹ xám mốc, mục rã rệu đứng lom khom dưới gốc cây đa lớn nom như một con chuột già xơ xác lông lá. Các miếu con đồ sộ và nhiều màu sắc hơn, mọc dài theo những thế kỷ phát triển “nghề” làm quan. Người ta quỳ, dâng hương dưới chân Thần Chuột để mưu cầu hòa bình với thế lực siêu hình có thể phá hoại công danh của mình.

Thời mở cửa, cùng với sự hồi sinh của mê tín dị đoan, đến với Thần Chuột còn được giải thích sang trọng là… Về với bản sắc văn hóa dân tộc!

Thủy Cơ được giám đốc lái xe đưa cô đến viếng Linh Thử Đại Tự. Ông ngắt cả xấp giấy bạc 50.000đ đút vào thùng công quả đặt dưới tượng chuột lớn. Ông đốt thêm bó nhang to đùng sì sụp khấn lạy rồi cắm khắp các bát nhang trong miếu. Vậy mà đường về vẫn thấy ông không vui. Thủy Cơ thăm dò:

- Hồi nãy đụng ông giám đốc Sở Xây dựng với ông chánh văn phòng Ủy ban ở Miếu Chuột nên anh lo?

- Thời buổi này cha nào không đi với âm binh, biết nhau cả, lo gì!

- Sao anh không vui?

- À… nghe nói thằng cha chủ tịch hội văn nghệ bác đơn vào hội của anh, lại còn chơi quê anh!

- Anh có gì không phải với ông ta sao?

- Biết nhau từ thuở ở rừng. Mấy năm nay làm ăn được anh vẫn điếu đóm tử tế với lão, thế mà…? Thế này thì kể cũng được rồi, nhưng có thêm cái tiếng nhà văn, nghệ sĩ cũng hay hay.

… Thủy Cơ liếc lại bộ váy mong manh, cũn cỡn, trong ngoài tương phản của mình, rồi thong thả bấm chuông. Đang giờ nghỉ trưa, ông chủ tịch hội văn nghệ sì sụp húp mì gói tại phòng làm việc. Ông đặt tô mì vào góc phòng, đưa tay áo Pijama chùi miệng rồi mời Thủy Cơ ra salon. Ông cỡ ngoài 60, gầy cao, linh lợi…

- Để cháu pha nước cho!

Thủy Cơ đỡ phích nước, chuyển sang ngồi chung trên chiếc ghế dài. Cái ghế cũ quá, lò xo bên dưới quặt quẹo làm ông và cô cứ va vào nhau, trôi nổi, bồng bềnh giữa câu chuyện gượng gạo…

- Cháu rất mê thơ của chú, nhưng đọc mãi không hiểu được câu: “Cái ngày em bỏ ta đi, màu da còn trắng, phấn trời còn đen…” “phấn trời” là gì hở chú, phấn sao màu đen?

Nhà thơ hết lúng túng, bật cười vui vẻ:

- Trắng - đen là tương phản biện chứng. Bởi vậy trời mới ban cho mỹ nhân cả trắng lẫn đen… ăn tiền là chỗ đó!

Thủy Cơ cũng bật cười theo, cô dụi cả mái tóc thơm ngát vào vai ông mà cười. Họ bỗng thấy thân mật, gần gũi như đã là bạn nhau cả trăm năm trước vậy. Ông lấy một tập thơ, gò nét chữ bay bướm ký tặng Thủy Cơ cùng nụ cười hềnh hệch. Cô bá vai ông nũng nịu:

- Bao nhiêu là bạn em thích thơ anh, có một tập chia thế nào?

Nhà thơ hăng hái ôm ra thêm hơn trăm cuốn, vừa ký vừa phân trần:

- Cánh nhà thơ trẻ bây giờ cứ in thơ rồi đến nhờ các Mạnh Thường Quân mua hộ. Anh già rồi chẳng bon chen được như chúng…

Vài hôm sau Thủy Cơ trở lại, cô ấn cho nhà thơ một phong bì dày cộp:

- Thơ anh bán chạy lắm, không khéo chuyến này em phất to! Còn chớ anh?

- Ồ… còn… còn… Nhưng mà em phải ngồi đây nghe anh đọc một bài thơ mới đã. Đây này ghi rõ là tặng Thủy Cơ. Anh sẽ in nó ở trang đẹp nhất của số tạp chí kỳ này. Em nghe nhé…(e hèm)… “Cái ghế anh ngồi suốt mùa đông, mùa hạ, suốt thời trai trẻ, cũng chỉ là cái ghế… Cái ghế anh tiếp văn nhân, bác học và đủ các loại quan, cũng chỉ là chỗ ngồi. Cái ghế tầm thường, cũ kỹ bỗng hóa ngai vàng vì hơi nóng của em. Anh đu đưa trên thân phận cũ mà ngỡ mình là vua!”

- Thơ anh hay quá, thật xúc động, anh có nghe tiếng tim em đập không!

- Đâu nào… ừ nhỉ… thích nhỉ…

- Anh à… ngẩng đầu lên đi, giúp em một việc được không?

- Hử… ườm…

- Chú em bên đài truyền hình…

- À… thằng ấy có cho người mang sang hai chai Martell X.O cột chung với cái bao 5 triệu. Anh thèm vào của ấy! Nó có mười cái gọi là “khảo cứu” nhăng cuội, xào qua xào lại in tới in lui thành mười hai đầu sách. Thứ ấy có văn đâu mà xét?

- Anh à… sao “đì” chú em quá vậy? Hay anh xét em bù?

- Hử…ườm… để xem nào…

Một bước trở thành phát thanh viên truyền hình

Cái việc Thủy Cơ vào biên chế sau 6 tháng làm văn thư đủ để bao nhiêu nhân vật ở đài nổi máu ghen. Nhưng sếp chưa hài lòng, ông thủ thỉ:

- Em giúp anh thành nhà văn, anh phải có trách nhiệm lại. Em đọc tin trên đài thay Bích Thục nhé!

- Chị Thục vừa đỗ thạc sĩ, chị Quyên có 4 bằng đại học, chị Hoa nói tiếng Anh, tiếng Tàu như gió… Các chị ấy xứng đáng hơn em!

- Đám ngỗng già ấy lên ti vi tội nghiệp cho khán giả! Hơn nữa hồi cấp trên điều anh từ xí nghiệp khai thác đá về, chúng còn bày trò họp nhau làm kháng nghị phản đối. Anh chưa tính sổ chúng là còn nhân ái đấy!

Thủy Cơ khá thoải mái khi đọc, cô chỉ ngắc ngứ với những từ nước ngoài. Sếp yêu cầu bộ phận biên tập phải Việt hoá luôn những từ ấy. Thế là Thủy Cơ thành xướng ngôn chính của đài.

Theo Nhà văn Lại Văn Long (Công An TPHCM)