Xã hội

Từ 'biệt phủ' Yên Bái, nhìn về ngôi nhà trọ 10 mét vuông

Sự thiếu trung thực suy cho cùng bắt nguồn từ lòng tham của mỗi con người. Mà lòng tham thì không phân định giữa người giàu và người còn khốn khó.

Tối muộn, từ "biệt phủ" Yên Bái của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, tôi đến căn nhà trọ rộng chưa đầy 10m2 giữa trung tâm Hà Nội để gặp cậu sinh viên ĐH Điện lực chạy xe ôm Grab Vũ Huy Cảng, người đã tìm đủ mọi cách để trả lại 320 triệu đồng cho một vị khách bỏ quên. 

Sinh viên Vũ Huy Cảng kể lại câu chuyện của mình - Clip: NGUYỄN KHÁNH

Đó là hai con người khác xa nhau về tuổi tác, khác xa nhau về địa vị xã hội và họ khác xa nhau về sự trung thực.

Phòng họp lớn tại UBND tỉnh Yên Bái chiều 23-10, ông Phạm Sỹ Quý ngồi trầm ngâm cùng dãy bàn với các lãnh đạo của tỉnh Yên Bái. Phía bên kia, ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đang đọc to những vi phạm kỷ luật liên quan đến sai phạm trong việc quản lý, cấp phép xây dựng khu "biệt phủ" và đặc biệt là sự thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản của ông.

Câu chuyện "biệt phủ Yên Bái" của ông Phạm Sỹ Quý sau gần 4 tháng đã gần đến hồi kết với một bản kết luận thanh tra chi tiết và rõ ràng. Sắp tới, sinh mệnh chính trị cũng như tòa "biệt phủ" nguy nga của ông sẽ được định đoạt.

Từ Yên Bái, tôi đến gặp Vũ Huy Cảng trong đêm tại một căn nhà trọ rộng 10m2 nằm sâu trong khu phố Khương Trung (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). 

Gia đình Cảng không dư dả gì, bố mẹ em làm ruộng ở huyện Nam Trực (Nam Định), em chạy xe ôm Grab (Grabbike) để có thêm thu nhập trang trải học phí năm cuối đại học. Cảng là bạn sinh viên chạy xe ôm phát hiện vị khách bỏ quên bọc tiền 320 triệu đồng đã trả lại cho người mất.

"Em nghĩ nếu tiền của anh ấy thì cũng cả tuổi trẻ mới làm ra, còn nếu không cũng của nhiều người góp vào. Bây giờ mất là khổ anh ấy, biết đâu còn vướng vào vòng lao lý hay con cái, vợ con khổ cực vì mất số tiền đó. Vậy là em chạy qua khắp mọi nơi để tìm" - Cảng chia sẻ.

Trở về nhà khi đã quá nửa đêm, tôi nghĩ về ông Quý với dáng vẻ cúi đầu khi ngồi nghe Thanh tra Chính phủ đọc bản kết luận thanh tra, và tôi nghĩ về Vũ Huy Cảng với nụ cười giòn tan khi em đã vượt qua được cám dỗ của lòng tham và đồng tiền để vẫn giữ mình là một người lương thiện.

Sự thiếu trung thực suy cho cùng bắt nguồn từ lòng tham của mỗi con người. Mà lòng tham thì không phân định giữa người giàu và người còn khốn khó.

Từ 'biệt phủ' Yên Bái, nhìn về ngôi nhà trọ 10 mét vuông
Anh Lê Quang Thắng (trái), chủ nhân số tiền bị bỏ quên, trao đổi với chúng tôi trưa 24-10 - Ảnh: HÀ THANH

Anh Lê Quang Thắng (36 tuổi, chủ nhân của số tiền mà sinh viên Vũ Huy Cảng vừa trả lại) xúc động cho biết: "Tôi tìm đến khu Mỹ Đình, các bến xe mong tìm gặp được cậu xe ôm nhưng không thấy, còn điều cả công nhân đi tìm.

Trước đó, trên đường đi chúng tôi không nói chuyện nhiều nên không biết tên cậu là gì, tôi báo tổng đài kiểm tra biển số xe nhưng không có trên hệ thống".

Đến bây giờ anh Thắng vẫn không thể nào quên cảm xúc lúc nhận được tin báo. "Thấy nhẹ cả người, gặp được cậu xe ôm, tôi vui mừng lắm. Tôi không nghĩ là còn có những người tốt đến mức như vậy" - anh Thắng nói.

Anh Thắng nói có cảm ơn Cảng một số tiền nhỏ nhưng cậu nhất quyết không chịu nhận, còn trăn trở: "Nếu lúc đó em quay lại tìm được anh ngay thì anh không vất vả thế này".

Đại úy Vũ Minh, trưởng Công an phường Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: "Chúng tôi ghi nhận việc làm rất có ý nghĩa của Cảng. Một việc làm với tinh thần trách nhiệm cao, rất đáng được biểu dương, nhân rộng".

Theo Nguyên Khành - Hà Thanh - Xuân Long (Tuổi Trẻ)